Ngày nào cũng vậy, cô Nguyễn Thị San Hô (57 tuổi) thích nhất khoảng thời gian 15h30 khi cả nhà: bố mẹ chồng, vợ chồng cô và các con cùng nhau thưởng thức cà phê. Dù bố mẹ chồng đã hơn 90 còn vợ chồng cô cũng đã U60 nhưng không hề có khoảng cách thế hệ, không hề có rào cản nào về chuyện làm dâu xa xứ mà cả nhà quây quần bên nhau vui vẻ. Hơn 20 năm qua kể từ khi cô sang Đức làm dâu vẫn vậy, dẫu bố chồng từng không thích con trai lấy người nước ngoài nhưng cô đã chinh phục được sự khó tính của họ, khiến ông bà coi mình như con gái.
Gia đình của cô San Hô ở Đức.
Cô San Hô và chú Hermann quen nhau vào khoảng năm 1995. Khi ấy cô làm kế toán ở một khách sạn 3 sao gần sân bay Tân Sơn Nhất còn chú Hermann là khách ở trong khách sạn 3 tháng. Ngày đó chú làm cho một công ty Thụy Sĩ, kiểm tra và liên hệ với nhà sản xuất ở Việt Nam. Sếp thấy cô nói được tiếng Anh nên để cô ra làm lễ tân thay vì kế toán.
Vậy là cơ duyên cô chú gặp nhau trong một lần có người giới thiệu cần phiên dịch tiếng Đức cho chú Hermann. Vì biết một chút tiếng Đức nên cô đồng ý đi phiên dịch mặc dù đã quên khá nhiều tiếng.
“Hồi đó cũng có phiên dịch tiếng Anh nhưng anh ấy thích tiếng Đức hơn nên tôi đồng ý. Mục đích của tôi là để học lại là chính nhưng mỗi lần đi phiên dịch tôi còn nhận được 20 USD. Và chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện nhiều từ đó”, cô San Hô trầm ngâm nhớ về cơ duyên gặp gỡ của cả 2.
Sau 1-2 tháng quen nhau, chú Hermann phải về nước. Tuy nhiên vì hình bóng cô San Hô đã in vào tâm trí nên khoảng 5 tháng sau, vào dịp Noel, chú đã quyết định sang Việt Nam thăm cô. Cứ thế một năm 2 lần vào hè và Noel, chú lại sắp xếp công việc để sang gặp cô - người con gái mình thương.
Ảnh cưới cô chú ở Việt Nam.
Nói đến đây, cô San Hô cười, hồi đó cô không dám đi đâu một mình với người nước ngoài mà phải rủ em gái đi cùng nhưng với chú, cô đi một mình mà chẳng sợ gì. Có lẽ bởi chú hơn cô có 8 tháng tuổi nên mang lại cho cô sự gần gũi, thân thiết và tin tưởng giống như một người bạn.
Mặc dù cô chú gặp gỡ và đi chơi cùng nhau, thậm chí còn cùng nhau tâm sự mọi chuyện từ A-Z nhưng hồi đó chú lại nghĩ cô có người yêu rồi nên không để ý, chỉ coi cô là bạn bè, không suy nghĩ xa hơn. Thế nhưng tình cảm của cả 2 cứ phát triển dần sau lần thứ 3 chú sang Việt Nam. Sau câu hỏi “Em có thích sang Đức không?” và sau những chuyến đi chơi xuyên Việt cùng nhau, cô chú phát hiện ra tình cảm thật cả 2 dành cho nhau. Cũng từ đó, chú Hermann đã chủ động cầu hôn cô để giữ lấy một nửa của mình.
“Cả 2 đi chơi xuyên Việt bằng máy bay, tàu hỏa, và ô tô. Tôi giới thiệu với anh đất nước Việt Nam mình. Rồi anh biết tôi cũng có ý định với anh nên đã hỏi tôi rằng “Em có muốn làm vợ anh không? Rất đơn giản. Khi anh về nước cứ 2 tuần lại gọi điện cho tôi một lần tốn rất nhiều tiền điện thoại”, cô San Hô cười nhớ lại.
Cô tổ chức ra mắt ở Đức.
Được biết, cuối năm 1996 cô San Hô và chú Hermann tổ chức đám cưới ở khách sạn nổi tiếng Sài Gòn. Năm 1997 cô sinh em bé đầu lòng và năm 1998 cô sang Đức sinh sống cùng chú sau khi làm xong thủ tục giấy tờ.
Cô San Hô chia sẻ, chồng cô là con một, gia đình có cơ ngơi đất đai thênh thang nên hồi cô cưới ở Việt Nam, bố mẹ chồng không sang tham dự vì bố chồng không thích con trai lấy người nước ngoài. Dẫu mẹ chồng cô lại không ý kiến gì, đối với bà chỉ cần con trai hạnh phúc là được nhưng bà là người đôn hậu, yêu thương chồng con giống người phụ nữ Việt Nam xưa nên rất tôn trọng ông. Chính vì vậy ngày đầu tiên cô sang Đức sinh sống, gặp bố mẹ chồng đã rất hồi hộp. Chưa kể, cô phải làm quen, gọi một người lạ hoắc là cha mẹ.
“Tôi sang Đức con khi ấy mới được 5 tháng. Khi đón 2 mẹ con về mẹ chồng mua hoa, bánh kẹo và chuẩn bị chỗ ở đàng hoàng. Tôi gặp bà, bà mừng rơi nước mắt ôm trầm lấy còn tôi cũng ứa nước mắt.
Ông không thích tôi nhưng ông bà lại rất nghe nhau. Lần đầu tiên gặp ông bà, tôi không hề biết và chẳng nhận ra là ông không thích mình nên cứ đối xử bình thường. Hơn nữa ngày đến, em bé lại giống ông nội nên ông nhìn thấy cháu là mừng ngay. Lúc đầu còn dè dặt, sau 1 thời gian thì ông cuốn cháu lắm. Cho tới bây giờ cháu ông vẫn đứng hàng đầu trong gia đình ”, cô San Hô cho hay.
Mãi sau này ông xã kể cô San Hô mới biết, bố chồng từng không thích chồng cô lấy người nước ngoài.
Chia sẻ về thời gian đầu sang Đức, cô San Hô kể, vì đã biết một chút tiếng Đức nên cô không gặp khó khăn nhiều. Sau 14 ngày, cô chú làm lễ ra mắt gia đình chồng để giới thiệu. Mẹ chồng cô luôn là người giúp đỡ cô trong chuyện làm quen với phong tục ở đây. Bà là người sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà vợ chồng cô ở nên bà hướng dẫn cô từng chút một, ngay cả cách trang trí nhà cửa ngày Noel, cách bày bàn tiệc, các loại cốc uống rượu nào bà cũng dạy cô hết.
Nhờ mối quan hệ của cô và bố mẹ chồng tốt nên chồng cô chẳng bao giờ phải lo lắng chuyện “mẹ chồng nàng dâu”, thậm chí ông bà còn coi cô như con gái trong nhà. Trước đây khi còn khỏe, ông bà luôn giúp đỡ vợ chồng cô khi có việc bận, có khi còn giặt quần áo cho.
“Mẹ chồng tôi là "bộ trưởng tài chính" nắm giữ tài chính của ông bà, cứ chủ nhật cụ mặc quần áo đẹp hơn ngày thường vì phong tục của đạo ngày chủ nhật thiêng liêng. Quần áo của ông hàng ngày cũng đều là do bà chuẩn bị. Bà có cái tính cách mà tôi tưởng tượng giống như người phụ nữ Việt Nam xưa ấy, không bao giờ to tiếng với chồng con và rất nhã nhặn, nề nếp. Mẹ tôi sang chơi nói rằng “con chẳng cần học đâu xa, cứ học mẹ chồng ấy, sang trọng, điềm đạm”.
Còn bố chồng tôi là người khó tính và ngăn nắp, kỷ luật đúng kiểu người Đức, ăn uống phải đúng giờ”, cô San Hô chia sẻ tính cách bố mẹ chồng.
Dù 91 tuổi nhưng bố mẹ chồng cô vẫn quan tâm ân cần cho nhau từng ly từng tí, bà chuẩn bị quần áo, nấu nướng cho ông.
Do làm công ty chồng 2 thành viên nên cuộc sống mỗi ngày của cô San Hô diễn ra hết sức bình yên và thư thả ở xa xứ, sáng dậy thong thả pha cà phê bình rồi bắt tay vào làm việc ở nhà. Hiện tại cô hài lòng với cuộc sống làm dâu xa xứ của mình.
Thổ lộ về bí quyết làm dâu của mình, cô San Hô cho biết, đối với cô sự thực lòng là điều quan trọng nhất. Trước đây khi mẹ chồng cô còn khỏe cứ cuối tuần, cô hoặc bà lại nấu bữa trưa cho cả gia đình. Hiện nay, mặc dù bố mẹ chồng đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn luôn muốn “tự thân vận động” mỗi khi vợ chồng hỏi giúp. Dù ở cùng một nhà nhưng ông bà vẫn ăn uống riêng và bà tự tay nấu cho ông, cả 2 cứ giúp nhau mọi việc dù đã hơn 90 tuổi.
Tuy nhiên, dù ăn riêng nhưng ngày nào cũng vậy, hơn 20 năm về làm dâu, cứ 15h30 là mẹ chồng cô lại pha cà phê mời con cháu lên uống. Cả nhà cô có 30 phút mỗi ngày ngồi cùng uống cà phê bình và trò chuyện. Thi thoảng cả gia đình lại cùng nhau ăn trưa ở nhà hàng. Đó chính là bí quyết để giúp mối quan hệ giữa cô và gia đình chồng rất tốt đẹp suốt hơn 20 năm nay.
Cuộc sống hạnh phúc, bình yên ở Đức của cô.
Theo Hồng Nhung
Nguồn: (Ảnh: NVCC)
(thoidaiplus.giadinh.net.vn)