Theo gia đình sang Đức định cư từ năm 2007, tới nay đã được hơn 10 năm.
Thùy Chi (26 tuổi) nên duyên với chồng hiện tại cũng là một chàng trai gốc Việt, cả hai hiện đang sống những ngày tháng hạnh phúc bên nhau và chờ đón đứa con đầu lòng tại thành phố Leipzig, cách nhà bố mẹ khoảng 160km.
Bước vào tuần thứ 33 của thai kỳ, Thùy Chi cô tăng 12kg so với trước khi mang thai.
Bà bầu ở Đức không uống sữa bầu và cô cũng không ngoại lệ.
Thế nhưng, nhìn những bức ảnh cô đăng tải, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ vì làn da mịn màng, thần thái nhanh nhẹn, linh hoạt và vóc dáng săn chắc… thậm chí còn có phần quyến rũ hơn khi mang bầu.
Để giúp mọi người hiểu hơn về khác biệt khi mang thai ở Đức và chế độ ăn uống trong thai kỳ giúp giữ dáng thon con vẫn khỏe mạnh, Thùy Chi không ngại những kinh nghiệm bản thân tích lũy được trong suốt 8 tháng vừa qua.
Đừng quá coi trọng việc kiêng khem, ăn được là tốt rồi!
Thông thường, với các mẹ, khi mang thai 3 tháng đầu là thời gian khó khăn nhất vì mệt mỏi và ốm nghén, bạn có thế không?
Mình có chút may mắn trong suốt 33 tuần mang thai tới giờ chỉ có hai lần duy nhất bị nghén. Một lần mình nghén cả ngày và không ăn được gì và một lần mình bị nghén vào buổi sáng khi thức dậy, sau đó thì tự hết.
Trong thai kỳ mình cũng rất hạn chế uống thuốc, chỉ có uống một lần duy nhất một viên chống nghén của bác sĩ kê.
Giai đoạn đầu thai kỳ bạn kiêng khem những gì?
Vì trước khi có ý định sinh em bé mình đã dành thời gian tham khảo những kinh nghiệm và kiến thức thai kỳ rất nhiều để khi mang bầu mình cũng không bị bỡ ngỡ.
Giai đoạn đầu của thai kỳ, ngoài hạn chế ăn dứa, thì mình không kiêng khem gì nhiều lắm. Mình thèm và ăn được gì là tốt, phải tranh thủ lúc không ốm nghén để bổ sung năng lượng cho cả bé và mẹ chứ. Ngoài ra, mình hạn chế tránh ăn đồ cay nóng vì nó không tốt cho thai nhi.
Hình ảnh Thùy Chi lúc trước khi mang bầu.
Trong thai kỳ bạn đã áp dụng chế độ ăn uống như thế nào?
Trong thời gian thai kỳ, mình có ăn cơm những tháng đầu, về sau thì hạn chế hơn vì những tháng sau bà bầu thường lên cân rất nhanh nên ta nên hạn chế tinh bột, tránh tiểu đường thai kỳ.
Bên cạnh đó, mình luôn cố gắng bổ sung rau củ và hoa quả tươi, bánh mì ngũ cốc, uống nước trái cây tự ép và không uống nước có ga hay nước hoa quả đóng chai.
Điều quan trọng là mẹ nên chia chế độ ăn ra thành nhiều bữa, ăn nhiều bữa nhỏ sẽ giúp dễ tiêu hóa và không gây khó chịu dạ dày, bé lại hấp thụ chất tốt hơn. Ngoài ra không nhắc thì có lẽ mẹ bầu ai cũng nên biết, đó là việc uống nhiều nước. Chăm uống nước giúp tránh tình trạng ít nước ối và thiếu máu trong thai kỳ, da dẻ lại hồng hào không bị thô sơ.
Để bầu bí mà vẫn xinh đẹp như vậy bạn có bí quyết gì không?
Thực ra mỗi một phụ nữ khi mang thai sẽ có khái niệm về từ “đẹp” khác nhau. Với bản thân mình, quan trọng nhất là dù có mệt mỏi hay ốm nghén, mình vẫn cố gắng giữ tinh thần thật thoải mái, chú ý chăm sóc da và bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài.
Mỗi buổi tối mình luôn dành chút ít thời gian khoảng 10-20 phút để tập yoga dành cho bà bầu. Vì trước khi mang bầu mình cũng luôn thường xuyên tập yoga nên mình cảm thấy yoga giúp ích rất nhiều cho cơ bắp và xương cốt.
Nhất là khi mang bầu, máu tuần hoàn kém và xương khớp sẽ không được dẻo dai nữa, yoga là thứ làm tinh thần vừa ổn định, vừa giúp tuần hoàn máu và cơ thể bớt nặng nề. Chưa hết, yoga còn giúp ta điều chỉnh hơi thở, vì khi thời điểm vượt cạn đến, ta càng quản lý được hơi thở của mình tốt, việc vượt cạn sẽ càng bớt khó khăn hơn.
Yoga chính là bí quyết khiến cô có cơ thể cân đối dù đang mang bầu.
Mình cũng cảm thấy mình may mắn khi có chồng tâm lý. Anh luôn khen và động viên mình mỗi lúc mình cảm thấy mệt mỏi. Ngoài thời gian bận công việc, anh luôn bên mình và giúp đỡ mình trong mọi hoàn cảnh, từ nấu ăn hay làm việc nhà, không bao giờ anh để mình làm một mình. Với mình, phụ nữ đẹp là khi cảm thấy tình thần mình thoải mái nhất.
Mang thai ở Đức: Uống sữa tươi mỗi ngày để mẹ không bị béo, con hấp thụ được dưỡng chất
Mang thai ở Đức khác với mang thai ở Việt Nam như thế nào theo cảm nhận của bạn?
Do là lần đầu mang thai nên mình không rõ mang thai ở Việt Nam hay ở Đức thì khác nhau như thế nào. Nhưng bản thân mình nghĩ cuộc sống bây giờ đầy đủ hơn xưa rất nhiều, ta cần gì là có đó, chủ yếu là do ý thức và độ hiểu biết về kiến thức thai kỳ của mỗi người.
Với lại mình nghĩ ở đâu cũng có cái có cái không. Như mình, nói thật là đôi khi rất thèm đồ ăn ở Việt Nam như các loại rau xanh hay món ăn đặc trưng mà bên Đức không có. Nhiều lúc thèm nước mía hay nhớ món mướp xào hay canh cua rau đay lắm nhưng không có thì biết làm sao bây giờ.
Chồng Thùy Chi là người rất thương và quan tâm vợ.
Việc đi khám thai ở Đức diễn ra như thế nào thưa bạn?
Riêng bản thân mình, mình thấy mình thật may mắn khi mang thai tại đây. Ở Đức thực sự các bác sĩ rất tốt, họ tận tình và tâm lý với mình và luôn sẵn sàng lắng nghe hay lý giải những thắc mắc trong thời gian sinh nở từ những thứ đơn giản đến riêng tư nhất.
Với tất cả những phụ nữ mang bầu, bác sĩ đều cho những cột mốc khám thai định kì quan trọng và được hướng dẫn tận tâm vì vậy tuy là mang bầu lần đầu nơi đất khách, nhưng mình cảm thấy rất an tâm.
Nhiều người nói ở phương Tây bà bầu ít uống sữa bầu, điều này có đúng?
Mình không biết ở các nước khác thì như thế nào, nhưng ở Đức không một bà bầu nào phải uống sữa bầu. Kể cả mình có muốn tìm mua thì cũng không có một siêu thị nào bán sữa bầu cho mình.
Như vậy thì liệu con có bị thiếu chất? Và làm thế nào để cân bằng dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi nếu không uống sữa?
Bên này thay vì sữa bầu mình luôn cố gắng bổ sung chất từ rau củ quả vì nó là thứ tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Sau đó là uống sữa tươi. Vì bên Đức sữa tươi được tiệt trùng và rất đảm bảo nên mình luôn yên tâm và chăm chỉ uống đều đặn mỗi ngày.
Uống sữa tươi như vậy mẹ không bị béo phì con lại hấp thụ được dưỡng chất một cách tốt nhất. Nhưng nếu nói về tâm lý làm mẹ, thì mỗi bà mẹ lại có hoàn cảnh và lý do riêng cho chế độ dinh dưỡng của mình. Nếu những bà mẹ khác tin tưởng vào sữa bầu và thấy nó là cần thiết cho thai kỳ, thì không lý gì lại ngăn cản họ uống sữa bầu.
Mình chỉ muốn khuyên các mẹ bầu khác, rằng hãy tìm hiểu thật kĩ thành phần và nguồn gốc của từng loại sữa mình định dùng. Đừng vì muốn con thông minh ngay từ trong bụng mẹ, đừng vì muốn con mình sau này sẽ bụ bẫm và cao hơn các bạn khác, mà hãy vì sức khỏe của các con đầu tiên.
Bạn đã chuẩn bị gì cho lần vượt cạn này chưa?
Mình không ham hố phải mua thật nhiều thứ ngay từ đầu vì con mình sẽ lớn rất nhanh, chưa kịp dùng thứ này thì đã phải thay thứ khác, vì vậy vợ chồng mình luôn thảo luận cùng nhau để sắm sửa những thứ cần thiết nhất. Sau này sinh ra con sẽ được mọi điều kiện tốt.
Ngoài ra trong tuần bầu thứ 33 vợ chồng mình sẽ tham gia một lớp tiền sản, vì nó rất tốt cho sức khỏe và tâm lý của các thành viên trong gia đình, lại giúp ích cho việc vượt cạn của mình sau này.
Lớp học tiền sản là “vũ khí” quan trọng nhất của gia đình cô khi chuẩn bị vượn cạn.
Mọi người nói vượt cạn sẽ đau lắm, tất nhiên là ai cũng sợ đau rồi, nhưng thực sự đến thời điểm này mình chỉ mong hai mẹ con sẽ vượt cạn thành công, con sinh đủ tháng đủ ngày và khỏe mạnh là tất cả bao đau đớn hay sợ hãi não cũng sẽ tan biến hết.
Cuối cùng, chúc tất cả các bà mẹ đang mang bầu và sắp đón chào những thiên thần của mình một thai kỳ thoải mái và hạnh phúc nhất. Hãy tận hưởng thời gian bên chiếc bụng bầu và cười khúc khích một mình khi con đạp đi nhé, vì chỉ ít lâu nữa thôi, công cuộc làm mẹ mới thực sự bắt đầu!
Cảm ơn Thùy Chi về những này!
Nguồn: Lê Lê - Ảnh NVCC
Khám Phá