Học thất bại của người khác, hơn là thành công?

Một phương châm nói thì dễ nhưng ít ai thực hiện được.

Thế mà bao năm nay có một ông chủ người Việt lặn lội khắp nước Đức để tìm cơ hội cho mình qua những bài học thất bại của mọi người.

20160809 10 25 thang-long

Một doanh nhân từ lâu đã có tiếng trong cộng đồng VN tại Đức: anh Võ Văn Long

"Thăng Long" giữa lòng Berlin  

Đại lộ Treskow, ngay tại ngã tư cắt đường Godesberg, thủ đô Berlin, tháng 6 năm 2005 nơi đây đang là công trường xây dang dở. Nhiều người tò mò ghé xem. Nghe đâu sắp có một khách sạn khai trương.

Chắc của người Trung Quốc, một bà lão đi ngang chép miệng: tôi thấy trong đó đều là dân châu Á.  

Tháng 11 cùng năm, nhiều tờ báo tại Berlin chạy dòng tít lớn:

"Khách sạn chuẩn 3 sao Thăng Long vừa khai trương, một ngôi nhà nhỏ của Việt Nam trên đất Đức. Đến đây các bạn sẽ được thưởng thức hương vị VN qua món ăn, âm nhạc, ngay cả phong cách phục vụ và nội thất toàn bằng mây tre lá: từ giường ngủ, phòng ăn, đến tận quầy bar,..." 

Hỏi thăm mới biết ông chủ của công trình độc đáo này là một doanh nhân từ lâu đã có tiếng trong cộng đồng VN tại Đức: anh Võ Văn Long.  

Tiếp chúng tôi tại văn phòng làm việc, anh Long bắt đầu câu chuyện của mình bằng những hồi tưởng về quê nhà.

Sinh ra và lớn lên tại Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong gia đình có ba và anh Cả đều đi bộ đội. Lẽ ra anh cũng nên chọn con đường binh nghiệp để lập thân.  

"Tất cả đều có số!", anh cười hiền từ, "hồi nhỏ mình mê học chữ, nhưng điều kiện gia đình còn khó khăn, phải đi học nửa buổi đi làm nửa buổi, nhiều khi việc chưa xong mà ngồi học còn bị la. Vì vậy khi có điều kiện đi học mình rất ham".  

Đặt chân đến nước Đức (lúc ấy đang còn là CHDC Đức) đầu những năm 81, tham gia khóa học thợ sửa máy, anh Long quyết tâm vừa học vừa làm để nuôi sống bản thân.

Thấy trên xứ này ngôn ngữ là quan trọng, anh dành thời gian rảnh tập trung học tiếng sau đó đi thi làm phiên dịch.  

"Lúc đó mình cũng sợ- anh nói - tự nhiên từ anh thợ máy nhảy ngang. Nhưng nhờ có mọi người động viên, anh trở thành phiên dịch cho tổ công nhân mười mấy người sang hợp tác lao động.  

"Cuộc đời phiên dịch tuy ngắn, nhưng bù lại kiến thức và mối quan hệ mà nghề này mang lại là những viên gạch đầu tiên giúp anh khởi nghiệp.  

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Đông và Tây sát nhập, thấy người Đức có vẻ chuộng món ăn châu Á, nhưng đi đâu cũng chỉ thấy nhà hàng của Tàu, Ấn Độ hay Thái Lan, anh nung nấu trong đầu một ý tưởng táo bạo.

Thế rồi, một quán ăn mới ra đời với cái tên VN100%: "Thăng Long", chuyên giới thiệu các món ăn thuần VN. 

Nội thất trong khách sạn được trang trí bằng các vật liệu làm từ mây

Có lẽ liều lĩnh đem đến thành công. Ngờ đâu cái quán nhỏ ban đầu với lèo tèo mấy nhân viên chủ yếu là người trong gia đình trong mấy năm lại phát triển nhanh chóng.

Hiện nay trên nước Đức có khoảng 28 nhà hàng thuộc hệ thống Thăng Long, riêng tại thủ đô Berlin là 4.

Nhiều người gọi đây là một tập đoàn kinh doanh ẩm thực, nhưng anh chỉ cười: chủ yếu là do người thân và bạn bè cùng đứng ra góp sức.  

Không dừng lại ở đó, anh Long tiếp tục phát triển hệ thống của mình sang các ngành khác như kinh doanh siêu thị, cửa hàng châu Á và bây giờ là quản lý khách sạn. ?oMình như đứa bé mới vào nghề, vì bước qua ngành mới nào cũng phải làm quen lại từ đầu, phải học thêm nhiều cái mới?, anh tâm sự.  

Kinh doanh dịch vụ với anh như một trò chơi trốn tìm. Mình phải tìm được cái mà người khác cần.

"Tôi thấy người ta đi học gương thành công nhiều, nhưng bài học thất bại cũng cần thiết lắm. Biết lỗi người khác để mình không vấp phải?. Chân lý này anh học được từ nhiều năm sống và làm việc tại Đức.  

Nếu xem kinh doanh nhà hàng, siêu thị là sự nghiệp thì khách sạn "Thăng Long" thật sự là một tâm huyết. Mấy năm trước anh đi như con thoi giữa Đức và VN để đặt nội thất cho công trình.

"Cái này mình làm ở Bình Định, cái kia ở Đà Nẵng,...", anh thuyết minh cho chúng tôi rành rọt từng đồ dùng một, từ miếng chụp đèn, cái móc áo, đến mỗi chỗ đường cong,...  

Ý tưởng một "ngôi nhà VN" tại Berlin đã có từ lâu lắm, nhưng đến lúc này anh mới có cơ hội thực hiện. Một mặt vừa có thể quảng bá thêm hình ảnh về đất nước, mặt khác mở ra cơ hội kinh doanh mới.  

Khi được hỏi dự tính tiếp theo của anh trong tương lai là gì, nhà doanh nghiệp này trầm ngâm khá lâu:

"Có lẽ là một công trình ở quê nhà. Mình đang liên hệ với số công ty bạn về một nhà máy sản xuất xúc xích và thịt theo kiểu Đức tại miền Trung. Nhưng thời gian tới phải nghỉ ngơi cái đã, kế hoạch gần nhất là về VN cùng với gia đình.

Mấy đứa nhỏ mình đều sinh ở Đức, nay cũng lớn rồi. Mỗi dịp về nhà để các cháu có cơ hội thăm bà con, biết thêm về văn hóa và đặc biệt là rèn... tiếng Việt". 

Tôi được biết trong nhà anh chị có treo một giải thưởng cho 4 đứa con vào dịp Tết, khuyến khích các cháu thường xuyên viết bằng tiếng VN. 

Chúng tôi chia tay ra về với nhiều câu chuyện thú vị.

Sâu sắc hơn vẫn là bài học về xây dựng thương hiệu VN.

Thành công của "Thăng Long" có thể tóm gọn bằng công thức:

  • kiến thức,
  • táo bạo,
  • uy tín
  • cùng một con tim tâm huyết với quê hương.  

Và phải chăng đó cũng là đáp số chung cho bài toán xây dựng thương hiệu Việt thành công trên xứ người?

 

Phạm Bình - từ Berlin

Xem Video chia sẻ của Anh Võ Văn Long - Giám đốc Công Ty THANG LONG

Tại TTTM Đồng Xuân Berlin tối 16.5.2015, đã có cuộc gặp gỡ đầy tình người. Góp ý kiến chia sẻ và tìm cách tháo gỡ những khó khăn của các DN bị thiệt hại

{youtube}ogAZHe08TaA{/youtube}

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC