Người Đức nói về người Việt Tà áo dài là một nét đẹp truyền thống của người Việt luôn được các bạn quốc tế ngưỡng mộ Tôi còn nhớ dạo ấy ở Dresden có một ông già người Đức đã về hưu cứ chiều chiều lại chống ba toong đi dọc con đường từ nhà ga Dresden (Hausbahnhof) đến Trung tâm thương mại thành phố. Gặp người Việt Nam nào ông cũng mỉm cười thân thiện.
Một hôm, ông đổi được rất nhiều đồng tiền kẽm 2 D-mark. Ông đi từng sạp hàng có người Việt bán, đặt vào mỗi sạp một đồng tiền.

Hỏi ra mới biết, ông quý thì ông làm như vậy, còn mời mua hàng thì ông không mua. Ông già rồi, chẳng cần quần áo, vải vóc nhiều làm gì.

Ông khen người Việt có đặc điểm dễ thấy là cởi mở, nhiệt tình, hiếu khách, tiếp xúc cảm thấy vui và ấn tượng.

Người con Việt hiếu thảo, có trách nhiệm, lúc nào cũng nghĩ đến gia đình. Khác hẳn mấy đứa con của ông, chúng nó cũng ở ngay Dresden, vậy mà chẳng đoái hoài gì đến ông bà, cũng không cần tình cảm của bố mẹ.

Thậm chí ông bà xách quà đến chơi, chúng nó còn bảo ông bà đến làm gì, chúng không cần.

Vậy là tuổi già của ông bà chỉ biết làm bạn với hoa lá, cỏ cây và với chó, mèo, thật là cô quạnh. Nghe nói trước đó, ông bà có nhận một cô gái Việt làm con nuôi và quý lắm, coi như con đẻ. Nhưng rồi không may, cô gái bị tai nạn giao thông, đã về Việt Nam với gia đình.

Ông cần tình cảm và có thể vì ông không va chạm gì nên đối với ông, người Việt lúc nào cũng tuyệt vời. Vì vậy ông rất ngạc nhiên khi có một vài người Đức phàn nàn với ông là người Việt (không phải tất cả) không được trung thực cho lắm.

Ví dụ kê khai giấy tờ không chính xác; trong lao động, sản xuất hay bỏ sót thao tác, “đốt cháy” công đoạn, chạy theo năng suất, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…

Dù sao thì “con sâu làm rầu nồi canh”, sự thiếu trung thực của số người Việt ấy đã làm mất đi khá nhiều thiện cảm của những người bạn nước ngoài.

Ở Liên hợp sản xuất máy ảnh - Camera Pentacon Dresden, Sabine là một cô gái Đức sôi nổi, tính tình bộc trực, thẳng thắn.

Cô bảo: “Tôi rất thích người Việt Nam, vì các bạn quá cần cù lao động, sống rất tình cảm. Nhưng phải chú ý đến tính kỷ luật một chút. Tôi thấy nhiều người còn đi làm muộn và ngủ gật trong giờ làm việc!

Và tôi nói thế này các bạn đừng giận: Đừng “xì mũi” ở nơi công cộng. Đừng nói cười quá to và gọi nhau rối rít giữa chốn đông người. Vì điều đó làm cho những người xung quanh rất khó chịu.

Một hôm tôi đi trên tầu điện, gặp cảnh tượng ấy tôi cứ phải thanh minh mãi cho các bạn đấy”.

Bà mẹ nuôi người Đức của tôi thì nói: “Con chưa có tác phong công nghiệp đâu con gái ạ. Thời gian của mình là rất quý nên phòng ở và phòng làm việc phải hết sức gọn gàng, ngăn nắp.

Đồ đạc đều phải có vị trí riêng, cố định, khi cần là thấy ngay chứ không phải mất công đi tìm. Nhiều lúc mẹ thấy con đi làm muộn là vì như vậy”.

Còn Ralf, một chàng trai đẹp như thiên thần đem lòng yêu thích một cô gái Việt lại có điều phàn nàn riêng:

Chàng mới tìm cách làm quen, gặp gỡ cô gái được vài lần, còn hồi hộp phập phồng chưa dám ngỏ lời thì đã bị một tình địch người Việt sừng sộ hăm dọa và nói một tràng những gì lặp đi lặp lại mà về sau chàng mới hiểu đó là chửi tục.

Theo chàng, không cần phải làm như vậy, vì người quyết định ở đây là cô gái. Cô ấy sẽ nghĩ gì khi con người thật của anh ta bộc lộ rõ?

Britta Hunlich, cô bạn Đức thân nhất của tôi lại nhận xét một chút về hình thức: “Con gái Việt Nam nhỏ nhắn, dễ thương và mặc áo dài dân tộc rất đẹp. Tuy vậy, nếu các bạn biết cách điều chỉnh và chăm chút cho mình thì còn đẹp hơn nữa”.

Tôi hỏi cụ thể là như thế nào thì ngập ngừng mãi Britta mới chậm rãi nói: “Ví dụ các bạn hình như không chú ý đến dáng đi lắm, miễn sao cứ di chuyển là được, vì vậy dáng đi chưa đẹp. Về điều này tụi mình được chú ý ngay từ khi còn nhỏ.

Phải luyện tập hàng tháng đấy. Sao cho khi đi phải mở vai, thót bụng, thẳng người và hai chân khi bước phải tạo thành một đường thẳng. Đồng thời dáng đi phải khoan thai, bước chân sải dài thì chuyển động vẫn nhanh mà không vất vả”.

Britta còn nói cô đã được dạy rằng khuôn mặt của mỗi người đều biểu hiện trí tuệ, vì vậy đừng để tóc lấp mặt nhiều quá làm khuôn mặt trở nên u tối. Điều này Britta không ám chỉ riêng người Việt Nam. Nhưng dù có như vậy thì tôi cũng không tự ái.

Bởi tôi biết cô nói tất cả những điều trên đây là với ý thức xây dựng chân thành chứ không phải là để kể xấu. Cô rất thân với chúng tôi và thường nói rất may mắn được gặp gỡ và kết thân với các bạn Việt Nam.

Đó chỉ là một vài ý kiến nhỏ của người Đức khi họ có dịp tiếp xúc và làm việc với lao động người Việt. Có lẽ chúng ta, những người Việt Nam, cũng nên biết để góp ý hoặc để hoàn thiện chính bản thân mình ngày càng tốt đẹp, hoàn hảo hơn.

Thái Hòa
Theo TP


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC