Tên tôi là Phan Thị Minh Khai!
Sinh năm 1974 ở Darmstadt (Đức) trong một gia đình trí thức, Phan Thị Minh Khai cũng là gương mặt châu Á đầu tiên dẫn chương trình trên truyền hình của nước này. Chị còn là diễn viên, đại sứ văn hóa của Liên minh châu Âu năm 2008.
Phan Thị Minh Khai trong chuyến công tác cùng Tổ chức ONE tại Tanzania tháng 10-2009. Hiện chị sống tại Berlin, Đức - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với Phan Thị Minh Khai được thực hiện trong thời gian chị đang đóng tập tiếp theo của loạt phim truyền hình mang tên Nachtschicht (Ca đêm) của Đài truyền hình Đức. Đây là một trong những loạt phim truyền hình (kênh ZDF) ăn khách nhất tại Đức.
Tôi không muốn đóng vai cô gái châu Á ngốc nghếch
* Khi còn nhỏ, chị có bao giờ băn khoăn về nguồn gốc của mình?
- Các bạn tôi ở nhà trẻ và vú em của tôi đều là người Đức nên tôi cũng cảm thấy mình thật là Đức. Cha mẹ tôi phải làm và học rất nhiều từ khi tôi sáu tháng tới 3 tuổi. Lần đầu tiên tôi học nói tiếng Việt là khi cùng mẹ về Việt Nam năm 4 tuổi. Bỗng nhiên tôi nhận thấy mình trông thật giống người Việt Nam, nhưng không cảm nhận được mình là người Việt Nam.
Buồn cười phải không? Thường thì người ta nghĩ rằng tôi phải nghĩ ngược lại mới đúng. Khi gia đình tôi chuyển tới Munich lúc tôi 10 tuổi, mọi người cứ hỏi tôi từ đâu tới, tôi không bao giờ hiểu được câu đó và luôn trả lời: “Tôi từ Đức tới chứ còn ở đâu nữa!”. Đến giờ thì tôi hiểu rằng tôi là người Đức nhưng gốc gác của tôi là Việt Nam.
Điều này rất khác biệt vì con người bạn chính là nơi bạn được sinh ra và sinh sống. Nhưng nguồn gốc của tôi rõ ràng là Việt Nam và tôi rất tự hào vì điều đó. Điều quan trọng là người Đức chấp nhận tôi thuộc về đất nước họ.
* Chị đã trở thành diễn viên như thế nào?
- Đó là ước mơ tuổi thơ của tôi. Tôi thích tìm hiểu những tính cách, số phận, tâm lý khác nhau. Cha mẹ tôi không cho là ước mơ này nghiêm túc. Mẹ tôi thì muốn tôi học ngôn ngữ vì tôi nói được tiếng Đức, tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp cấp III, nói chuyện rất nhiều với cha mẹ, họ hiểu rằng ước mơ đó của tôi không phải vớ vẩn, tôi thật sự muốn thành diễn viên.
Cha tôi cho tôi một năm, nếu tôi không có cơ hội nào thì phải đi học đại học. Nửa năm sau tôi vô tình được phát hiện và trở thành người dẫn chương trình truyền hình mang tên “Hugo”. Tôi là người châu Á đầu tiên xuất hiện trên truyền hình Đức và mọi việc trở nên rất suôn sẻ. Người Đức chấp nhận tôi, truyền thông rất thích tôi. Sau một thời gian, một kịch bản đến với tôi và tôi bắt đầu nghề diễn. Đó là 15 năm trước đây.
* Một nghệ sĩ có nguồn gốc gia đình khác biệt thì lao động ra sao để có chỗ đứng ở Đức?
- Vừa dễ mà vừa khó. Dễ vì mọi người biết tôi. Họ không bị nhầm lẫn. Tôi cũng là một đại diện của thế hệ mới những người nhập cư hòa nhập vào xã hội Đức. Mặt khác, tôi cũng phải cố gắng để có vai diễn. Tôi không muốn đóng vai những cô gái châu Á ngốc nghếch luôn mỉm cười và vào những vai yếu đuối phải cần đến sự bảo vệ của đàn ông Đức.
Tôi không thích những dạng vai đóng khung. Vì vậy, tôi phải cạnh tranh với những cô gái Đức tóc nâu tóc vàng. Đôi khi tôi thành công, đôi khi các nhà sản xuất e sợ rằng tôi quá “lạ” đối với khán giả Đức, mà điều này thì thật vô cùng vớ vẩn vì khán giả Đức không bao giờ đặt câu hỏi: “Sao cô ấy không giống người Đức mà lại nói tiếng Đức tốt thế?”.
Tám năm qua tôi đóng vai một thanh tra trong loạt phim truyền hình Đức mang tên Nachtschicht (Ca đêm). Lars Becker, tác giả và đạo diễn loạt phim, đã rất dũng cảm sáng tạo vai này cho tôi vì ông ấy tin tôi. Không có ai hỏi tôi vì sao thanh tra Đức lại giống người châu Á như vậy
Phan Thị Minh Khai và bạn diễn Armin Rohde
trên trường quay của phim Ca đêm - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tự hào với cái tên thuần Việt
* Tên và vẻ ngoài của chị rất Việt Nam. Chị có bao giờ nghĩ tới việc đổi tên để người Đức dễ nhớ hơn và giúp chị dễ hòa nhập hơn vào xã hội không?
- Tôi không bao giờ muốn điều đó. Đó là cái tên tuyệt vời mà cha mẹ đã dành cho tôi. Hồi đầu sự nghiệp cũng có người gợi ý đổi tên, nhưng tôi không bao giờ có ý định đó. Tên tôi là một phần của tôi và tôi rất tự hào mang cái tên nổi tiếng này.
Tôi viết tên là “Minh - Khai” để họ hiểu đó là một cái tên, và “Phan - Thi” là họ của tôi cho dễ hiểu với người nước ngoài. Ngay cả khi tên tôi dài và họ thường bị nhầm lẫn thì họ cũng sẽ học nói và đọc tên tôi. Họ phải làm điều đó! Thật ra khi ba mẹ đặt tên cho tôi, họ cũng đã hi vọng người Đức sẽ dễ đọc cái tên này.
* Chị là đại sứ của Liên minh châu Âu trong năm Đối thoại văn hóa đa quốc gia 2008. Điều đó có ý nghĩa gì với chị và chị đã làm gì?
- Tôi cố gắng tạo ra sự đối thoại liên văn hóa giữa người Đức và những người nhập cư, đặc biệt là giữa người Đức và người Việt. Tôi nghĩ chúng ta phải học lẫn nhau rất nhiều. Điều quan trọng với người Việt đến Đức là học tiếng Đức, cởi mở hơn với xã hội mới, chấp nhận con cái họ vừa là người Đức vừa là người Việt. Thế thì các con họ sẽ có trách nhiệm tạo dựng sự nghiệp ở Đức và cuộc sống của họ.
Các truyền thống như tết, giỗ và ngôn ngữ Việt Nam cũng rất quan trọng và cần được duy trì. Nhưng cần giúp để họ hiểu rằng có thể sống ở cả hai thế giới Đức và Việt. Tôi thấy nhiều người Việt sống ở Đức nhưng lại sống cuộc sống như ở Việt Nam, điều này là không thể được. Họ cần mở lòng hơn, đặc biệt với những người trẻ sống ở hai thế giới mà không biết mình thuộc thế giới nào.
Mặt khác, người Đức cũng phải chấp nhận rằng nước họ đang thay đổi thành một nước có rất đông dân nhập cư sinh sống, họ có văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống riêng. Người Đức cũng cần cởi mở hơn với những nền văn hóa khác và không nên sợ hãi những điều mới lạ. Trên thế giới vẫn còn quá nhiều sự hiểu lầm và nghi kỵ lẫn nhau.
* Chị có hay về Việt Nam không? Vùng đất nào trên thế giới mà chị yêu thích nhất?
- Tháng 4 vừa rồi tôi trở lại Việt Nam, ở Sài Gòn và Phú Quốc. Tôi cố gắng hai năm về một lần.
Mỗi một vùng đất đều có vẻ đẹp riêng nên thật khó nói tôi yêu vùng đất nào. Tôi vừa trở về từ Tanzania, nơi tôi cùng làm việc với Tổ chức quốc tế ONE do danh ca Bono (ban nhạc rock U2 của Ireland) đồng sáng lập, thăm viếng nhiều dự án giúp phát triển, đào tạo - y tế và chống tham nhũng. Thiên nhiên ở đó thật tuyệt vời.
* Chị tin điều gì nhất trong cuộc sống?
- Tôi theo đạo Phật. Vì vậy, tôi tin mỗi ngày đều có cơ hội bắt đầu cuộc sống mới, đạt được sự hài lòng và mãn nguyện. Đây là điều không dễ nhưng tôi đang cố gắng.
* Cảm ơn chị và chúc chị nhiều may mắn.
Huyền Trang - TH.