Những ngày cuối năm Kỷ Sửu trôi qua ở Dresden (Đức) thật bình lặng. Một số người Đức có quen biết với người gốc Á hoặc quan tâm đến văn hóa của các dân tộc dùng đũa thì biết đến sự có mặt của lịch Mặt trăng và thỉnh thoảng cũng hỏi, Tết này cô làm gì?
Nếu người Việt xa nhà không ghé qua các cửa hàng thực phẩm châu Á đã nhập đầy đủ lá dong, lá chuối, các hộp mứt Tết bọc giấy bóng kính loang loáng thì cũng không cảm thấy không khí Tết nhất đang đến gần. Mọi người vẫn đi học đi làm như thường lệ. May mắn ngày Tết năm nay rơi vào cuối tuần, chắc chắn sẽ đông người đến dự lễ đón giao thừa ở Tòa thị chính do Hội người Việt Dresden tổ chức.
Còn nếu một người làm việc tại quán ăn của người Việt làm chủ, đi mua thực phẩm tại các cửa hàng của người Việt, hàng tuần chăm sóc móng tay và dưỡng da chân ở tiệm nail của người Việt, đi mua hoa tươi cũng như rau quả và mặc quần áo "made in Vietnam", hay mua đồ trang trí nhà tại các cửa hàng của người Việt, thì hầu như không cảm thấy đang sống ở xứ người.
Về nhà lại toàn ăn các món kho xào đậm vị nước mắm, nghe nhạc vàng, nhạc đỏ, xem VTV4 và phim bộ thuyết minh tiếng Việt, không gian xung quanh họ đều thuần Việt.
Phần lớn những người đến đây từ thập kỷ 1980 đều có nhiều năm liền không về Việt Nam vào dịp Tết. Thuở mới sang vì kế hoạch đi học, hợp đồng xuất khẩu lao động, các chuyến bay không thuận tiện và cũng bởi tiền nong eo hẹp, nên chẳng mấy người về thăm nhà. Ở miết rồi thành quen, nỗi nhớ cũng vơi.
Tuy vậy vẫn nhiều người muốn đón Tết ở quê nhà với gia đình, họ hàng. Chị Nguyễn Thị Mừng, quê ở Hải Dương đau đáu với gia đình và chỉ mong được về ăn Tết ở quê. Chị nói, gia đình, bạn bè tụ tập đông đủ; thăm viếng nhà nhau, ăn miếng bánh, uống cốc nước nói chuyện ngày xưa, thấy ấm lòng. Và năm nay chị sẽ về Việt Nam đúng dịp Tết. Vé máy bay đã mua sẵn, những ngày này chị đang phấn khởi sắm sửa quà cáp để mang về.
Chị Tuyết Mai kể những năm trước mấy gia đình ở gần nhau thường tập trung ở một nhà, rồi dắt con trẻ đi mua nguyên liệu về cùng gói bánh chưng, làm giò, làm nem. Vui lắm. Bọn trẻ đều sinh ra và lớn lên ở Đức, không rành rẽ các tục lệ ăn Tết, giờ được sống không khí chuẩn bị Tết, náo nức lắm. Giờ các gia đình sống phân tán, nhưng nhà nào cũng cố gắng chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa và có mặt ở nhà đúng giao thừa theo giờ Việt Nam (chênh với giờ ở Đức 6g trước đó).
Nhiều gia đình mua cây quất xum xuê quả vàng óng về bày. Quất cảnh bán rất nhiều ở các vườn cây cảnh, trong các chuỗi siêu thị lớn như Ikea, Baumarkt. Hương vị Tết rất Việt Nam đầy ắp trong các căn hộ ở Dresden.
Với anh Trung Công, du học sinh sống ở Dresden từ năm 1987 và ăn 22 cái Tết xa nhà, Tết nhất rất đơn giản. Năm nào anh cũng lấy phép để nghỉ mùng một Tết, kiêng phải làm việc cả năm. Nhiều năm được bạn bè mời ăn cơm cuối năm, trở về nhà anh hái vài nhánh hoa vàng rồi về tự xông nhà mình.
Mua thực phẩm ở chợ Đồng Xuân, Berlin |
Cá chép rán nguyên con, gà luộc còn nguyên đầu mỏ cắm bông hồng, bánh chưng xanh, bát canh miến là những món ăn mà hầu như gia đình nào trên đất Đức đều cố gắng sắm sửa. Gà luộc nguyên con không dễ kiếm, vì các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đều bán loại gà làm sẵn đã chặt đầu chặt chân. Nhưng người Việt nhanh nhẹn và linh hoạt đã "bắt mối“ ngay với các chủ trại chăn nuôi ngoài ngoại ô để có được những con gà cúng nguyên con.
Mùa xuân đang về trong lòng mỗi người Việt sống xa quê trên đất Đức. Hương vị Tết có thể ở nhành hoa vàng bung sắc, ở mâm ngũ quả trang trọng trên bàn thờ, trong những đĩa hài mừng xuân hay con gà sống luộc nguyên con công phu mới có; ai nấy đều bồi hồi khi giờ khắc giao thừa đến và mong mỏi những tháng ngày sắp tới có thật nhiều niềm vui sống.
Minh Lý