Sau các vụ tấn công khủng bố, thảm sát ở tòa soạn báo „Charlie Hebdo“ và bắt cóc con tin ở nước Pháp, cả ba tên sát thủ đã bị đền tội. Nhưng thế giới phương Tây sợ rằng các cuộc tấn công khủng bố như vậy chưa phải đã kết thúc.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo rằng mối đe dọa của những kẻ Hồi giáo cực đoan vẫn hiện hữu.
Chính phủ Mỹ kêu gọi công dân Mỹ trên toàn thế giới phải cảnh giác cao độ và nâng cao ý thức an ninh của mình.
Trong khi đó, chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaida trên Bán đảo Arập (AQAP) đã phát một video clips, cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công khủng bố để trừng trị những kẻ „lăng mạ Nhà tiên tri, hạ thấp Hồi giáo và chống lại những người theo đạo“. Tổ chức này tự nhận đã điều khiển vụ tấn công vào tòa soạn báo „Charlie Hebdo“ để „báo thù cho danh dự“ của Nhà tiên tri Mohammed và mục tiêu này đã được „lựa chọn cẩn thận“.
Theo các nhà quan sát, các cuộc tấn công khủng bố của bọn Hồi giáo cực đoan ở Pháp sẽ làm cho phong trào Pegida ở Đức mạnh hơn lên. Pegida là một phong trào tự nhận là Những người châu Âu yêu nước chống lại việc Hồi giáo hóa thế giới phương Tây. Mặc dù mới ra đời, nhưng phong trào này có rất đông người ủng hộ, đặc biệt trong các cuộc biểu tình hàng tuần tại thành phố Dresden có tới hơn 18.000 người tham dự. Tham gia phong trào này được cho là những thành phần bảo thủ, những kẻ dân túy cánh hữu cho tới những kẻ cực hữu. Những kẻ cực hữu tham gia phong trào này, với bề ngoài là chống lại việc Hồi giáo hóa, nhưng trên thực tế là theo đuổi tư tưởng thù địch với người nước ngoài của chúng.
Theo một cuộc thăm dò dư luận của Quỹ Bertelsmann mới đây, có tới 57% người Đức coi những người Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa đối với xã hội Đức, cho rằng họ không thể thích ứng được với xã hội phương Tây.
Mới đây, đêm 4/1, một chiếc xe bán đồ ăn nhanh (Imbisswagen) của người Việt ở Malchin đã bị đốt cháy. Mặc dù chưa bắt được hung thủ và cũng chưa biết được động cơ của những kẻ đốt xe, nhưng người ta cũng không loại trừ khả năng đây là một kẻ thù địch với người nước ngoài.
Vì vậy, trong lúc người Đức đang lo ngại về tình hình an ninh, về nguy cơ khủng bố, bà con người Việt ở Đức cũng cần nâng cao cảnh giác, đề phòng những kẻ vào hùa, đua theo những kẻ phân biệt chủng tộc để hành hạ, chèn ép những người nước ngoài yếu thế.
Kim Long
Theo Thoibao