Đọc nhiều tâm sự của bác Vũ Văn, ngẫm nghĩ cũng thấy hay và sát thực với tình trạng chung mà Cộng đồng người Việt chúng ta, ở Đức thường gặp phải.
Cái TỐT rất nhiều và phần DỞ cũng chẳng kém ! Phần đông chúng ta sống trên đất khách quê người, đều chiụ thương, chịu khó, lam lũ làm lụng, kiếm tiền, nuôi sống bản thân, gia đình. Chắt chiu, dành dụm cho con cái sau này và giúp đỡ người thân ở quê nhà. Điều này rất đáng ca ngợi, bởi các bạn Đức của chúng ta ít có được!
Phần tích cực thì chắc chẳng cần phải kể, trong mỗi chúng ta, ai cũng tự biết được . Chỉ muốn tâm sự với mọi người, những khiếm khuyết của Cộng đồng người Việt, để chúng ta cùng XÉT xem có đúng không nhé:
Thứ nhất về Hội nhập xã hội Đức
Báo chí và Truyền thông ca ngợi chúng ta hội nhập tốt, thực ra chỉ là cái vỏ, xét lại thì còn nhiều yếu kém lắm: Tiếng Đức thì có hạn, chế độ chính sách của nước sở tại thì còn mù mờ…ấy thế nhưng, khi có những chương trình nâng cao hiểu biết, do cơ quan Phát triển hội nhâp triển khai (Miễn phí hẳn hoi, chỉ cần bố trí thời gian đến nghe và học hỏi). Thì nào là: Tôi bận, tôi không có thời gian… v..v… nói chung là nhiều lý do để từ chối! Vấn đề ở đây là chúng ta không tự tôn trọng chính mình, chứ chưa nói đến việc khinh thường đến sự quan tâm của chính phủ Đức. Câu nói các cụ ngày xưa, gần đúng để áp dụng với trường hợp này: „ Có tiền mua tiên cũng được“ Tôi có tiền, tôi thuê: Phiên dịch này, thuê cố vấn thuế vụ này, thuê tư vấn Bảo hiểm này…Nói chung là thuê họ, tin họ, trả tiền cho họ là xong. Thực tế mình chẳng hiểu cái gì cả ! Đấy đâu có phải là HỘI NHẬP. Về trình độ tiếng Đức thì có hạn, chính thế hệ thứ 2, thứ 3 của chúng ta đã hội nhập tốt hơn! Có nhiều trường hợp, con cái, cháu chắt mình nói mà chẳng biết chúng nói cái gì?Trong cộng đồng chúng ta, ngay cả có người đã nhập quốc tịch Đức, nhưng nói chuyện với những người Đức thực sự, họ cũng chẳng hiểu mình nói cái gì ? Chúng ta tự hỏi: Hội nhập xã hội hay chưa???
Hội nhập xã hội Đức không phải chỉ là: Guten Tag; Danke schön; bitte schön hay Auf Wiedersehen… mà theo tôi nghĩ mình Hội nhập là mình phải nắm được: Chính sách; Chế độ và tuân thủ pháp luật nước sở tại và cùng với việc đó là Quảng bá truyền thống văn hóa của mình…
Thứ Hai về: CÁI TÔI !
-TÔI phải hơn mọi người, chính ra rất tốt về mặt tích cực, vì đó là sự phấn đấu vươn lên… Nhưng tính tiêu cực của cái TÔI rất lớn: Chỉ biết vì mình, cho mình và nhiều khi cái TÔI trong mình to lớn quá mà đánh đổi hết cả anh em, bè bạn, đồng đội, lẫn cả người thân…
Mọi người cứ nghiệm mà xem, cũng vì không muốn hèn kém , thua thiệt hơn đồng hương của mình. Nên: Ông ( Bà ) làm được, thì TÔI cũng làm được! Sau khi nước Đức thống nhất, thời mở cửa : Mọi người đua nhau xuống đường đi chợ, mọi người bán gì, TÔI cũng phải có cái đó. Thời kỳ đi chợ thu nhập kém đi, thì đua nhau tìm cửa hàng, cửa hiệu. Hàng hóa thì: „ Thượng vàng, Hạ cám“ đủ hết…Chỉ cần lướt nhẹ qua cũng cảm nhận được đó là :“Thương hiệu Người Việt“ vì tất cả giống nhau.
Kế sau đó là : Mở nhà hàng Tàu; Các loại quán ăn nhanh ( Tiếng Đức là: Imbiss ) xào nấu chẳng biết học từ đâu, nhưng cũng nêm, cũng lắc và thu nhập đều đều. Thực ra người Đức ăn cũng dễ tính, kiểu gì cũng chiều.
Ông (Bà) làm được, TÔI cũng làm được - Ở một vài thành phố , có đông người Việt ta cư trú, bạn vào phố chính, cứ gọi là san sát cửa hiệu người Việt. Nào là nhà hàng, Imbiss; Rau quả; quần áo… đủ cả. Tôi có ông bạn thân người Đức, ngoài ca ngợi sự cần cù, đức tính chịu khó, lúc nào cũng khen: Người Việt giỏi thật! Ông kể chuyện đi thưởng thức Ẩm thực, mà tôi chẳng biết phải tự hào cho người Việt chúng ta ra sao? Một lần ông ấy vào quán một người Việt ăn trưa, cầm cuốn Menü có gần 200 món ăn: Thái; Việt; Tàu; Nhật; Đại hàn, lại có cả Mông Cổ nữa, mà chẳng biết thăm nước nào nữa và chỉ biết trầm trồ: Ông chủ giỏi thật, một mình vừa là chủ, vừa là đầu bếp, mà lại còn nấu được những món ăn của những mấy nước? Tôi không giải thích gì, mà chỉ nghĩ như câu trên: Bà (Ông) nấu được, thì TÔI nấu cũng được.
Tới khi các cửa hàng Trà sữa ra đời hàng loạt, mọi người đua nhau khai trương như kiểu phong trào, đến các tiệm Nail , thi nhau mời khách… thì cái TÔI KHÔNG THUA KÉM cũng chỉ là những tìm tòi phuc vụ cho cuộc sống của bản thân mình và gia đình mà thôi! Chung quy cũng chỉ là Kế sinh nhai mà! Song chả nhẽ CÔ làm được mà TÔI lại không làm được sao???
Kỳ này hẵng tạm vậy! Mọi người cùng nghiên cứu với tác giả nhé! Cứ góp ý chân thực, mình học hỏi lẫn nhau. Kỳ sau mình cùng trao đổi : CÁI TÔI trong hội đoàn Người Việt tại ĐỨC.
Berlin,Tháng 5/2015
Nguyễn Hùng - CHLB Đức