Mới đây, có dịp sang Đức, chúng tôi gặp lại nhiều Việt kiều ở hai miền Đông – Tây Đức, được bà con kể cho nghe nhiều chuyện vui. Chuyện nổi bật nhất là những Trung tâm thương mại của người mình ở Đức.
Đối với cộng đồng cả trăm nghìn người Việt ở Đức, những Trung tâm thương mại ấy, cũng như những doanh nhân người Việt, đã đem lại cho họ những dấu ấn, cảm nhận sâu đậm. Sự kiện nổi bật đó do các báo tầm cỡ thế giới khảo sát, biểu dương.
Trước hết, là “Viethaus – Ngôi nhà Việt”.
Báo chí Đức trong tháng 3-2008 đã dành những từ đẹp để mô tả Viethaus như “Những tâm hồn Việt giữa trái tim Berlin”. “Ngôi nhà Việt” này ra đời ngày 29-3-2007 nằm trong một tòa nhà nhiều tầng, là tên của Trung tâm thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch của Việt Nam, có vốn đầu tư trên 10 triệu euro, do ông Nguyễn Xuân Hùng làm Tổng Giám đốc. Viethaus có các hoạt động, kinh doanh và du lịch khép kín, gồm các khu:
Trung tâm xúc tiến thương mại, văn hóa, du lịch, Trung tâm kinh doanh (giới thiệu và bán sản phẩm), Trung tâm hội nghị, phòng khách, khu văn phòng cho thuê, Trung tâm văn hóa ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật, Trung tâm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe.
Công ty do ông Hùng làm Tổng giám đốc và Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất có dự án kinh doanh lớn tại Đức, đã được Chính phủ Việt Nam cấp phép, trong đó có quán ăn “Hoa sen” có khả năng chứa 350 khách, phòng họp hiện đại, khách sạn hạng sang, các đầu bếp giỏi, từng làm tại Mỹ, Nhật.
Từ ngày 5 đến 9-3, trùng với chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Viethaus khai trương “Tuần lễ Văn hóa Việt Nam” tại Berlin với nhiều hoạt động: Hội chợ trưng bày và bán các sản phẩm có thương hiệu và chất lượng cao của Việt Nam, Hội chợ ẩm thực với các món ăn đặc sắc từ ba miền Bắc – Trung – Nam và biểu diễn nghệ thuật giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.
Tiếp đến là “ITC-Pacific”, Trung tâm thương mại đầu tiên của người Việt, thành lập tháng 8-2004, tập hợp trên 100 chủ hàng lớn, số đông người mình, kinh doanh đủ ngành hàng, với tổng diện tích sàn bán hàng 16.000m2 trên tổng số 50.000m2 khuôn viên.
Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp muốn thành công phải nương tựa lẫn nhau. ý tưởng chung một mái nhà trở thành tư duy xây dựng khu thương mại hùng mạnh của ITC-Pacific, thu hút các chủ giao hàng thành viên, cùng mạng lưới cung ứng, tiêu thụ rộng lớn của họ, Hội doanh nghiệp, Hội phụ nữ, CLB Văn hóa, lớp dạy tiếng Việt, xây dựng chùa trong khuôn viên bên cạnh, hình thành đời sống tâm linh cho cộng đồng… là kết quả phấn đấu tích cực, nổi bật của ITC-Pacific cùng các thành viên, được báo chí, truyền hình thế giới và Việt Nam ghi nhận là hình mẫu mái nhà chung rất cần thiết cho một cộng đồng người Việt ở Đức đoàn kết, hòa nhập, phát triển và giàu mạnh.
Ở CHLB Đức, giới doanh nhân Đức – Việt cùng cộng đồng người Việt mình không xa lạ gì Viet Trade Center (viết tắt VTC) được thành lập đúng thời điểm Việt Nam trở thành thành viên chính thức WTO, do ông Nguyễn Trọng Luật làm Giám đốc.
Khác với hai trung tâm xúc tiến thương mại nói trên, đây là công ty tư vấn tư nhân mang tính đa quốc gia, đáp ứng nhu cầu thông tin, giao dịch, tìm kiếm đối tác, bạn hàng cho các doanh nghiệp Đức, EU muốn xâm nhập thị trường Việt Nam và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển sang Đức, EU.
Tới nay, VTC đã ký hợp đồng tư vấn với rất nhiều doanh nghiệp Đức, ý, hoặc trực tiếp đưa nhiều đoàn doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức của Đức thăm dò thị trường Việt Nam hoặc dự các diễn đàn về kinh tế Việt Nam.
Ngược lại, VTC cũng đã đón tiếp nhiều đoàn Việt Nam, trong đó có đoàn của Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam sang Đức, thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam tại Berlin. VTC đã thực sự là cầu nối cho các doanh nghiệp Đức – Việt.
Bên cạnh chuyện những trung tâm thương mại của người Việt ở Đức, anh phóng viên TTXVN không quên kể cho tôi nghe về Hội người Việt Leipzig. Hội vừa tưng bừng kỷ niệm 10 năm thành lập, với sự tham gia của Đoàn ca nhạc Sao Mai điểm hẹn, khẳng định sức mạnh của một cộng đồng 2.351 người, đứng đầu tổng số 6.582 người nước ngoài ở Leipzig với 518 doanh nghiệp, 11 lớp học tiếng Việt (môn ngoại ngữ thứ hai trong trường phổ thông Đức).
Rõ ràng mối quan hệ kinh tế Đức – Việt đang phát triển với nhịp độ ngày một sôi động. Sự tăng tốc đó sẽ không thể thiếu vai trò của cộng đồng các doanh nghiệp người Việt tại Đức.
Tiến trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu có một động lực, lợi thế rất lớn, đó là sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp người Việt đang có mặt hầu khắp thế giới với một lực lượng đông đảo gần 3 triệu Việt kiều.
Chính nhờ tiến trình đó, cộng đồng doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài có được sức mạnh nền tảng từ quê hương đất nước. Viet Trande Center là một hình mẫu trong số đó.
Thọ Cao
Báo An ninh Thủ đô