Những người phát triển Việt Võ Đạo tại ĐứcMôn phái Vovinam (còn gọi là Việt Võ Đạo) do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912 - 1960) sáng lập từ năm 1938 tại Hà Nội. Tâm nguyện và hoài bão của ông thể hiện qua chủ thuyết “cách mạng tâm thân” để thúc đẩy các môn sinh luôn canh tân bản thân, hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần để sống hữu ích cho chính mình, cho dân tộc cùng nhân loại.

Trên bình diện quốc tế, Liên đoàn Vovinam được thành lập từ tháng 8-1996, đã phổ biến ở 25 quốc gia với hơn 200.000 môn sinh thường xuyên luyện tập. Hiện nay, trên thế giới có hơn 40 quốc gia xây dựng liên đoàn Vovinam, trong đó CHLB Đức cũng là nơi có phong trào Vovinam phát triển khá mạnh mẽ, thu hút khoảng 3.500 – 4.000 môn sinh tại khoảng 15 võ đường hoặc địa điểm sinh hoạt.


Võ sư Trần Đại Chiêu (sinh năm 1952, tốt nghiệp ngành kỹ sư điện toán tại Đại học Heidelberg thuộc bang Baden- Wuertemberg, có thời gian làm việc tại Đại học Berlin, cho biết: “Từ năm 1970, tôi sang Đức du học và mở lớp hướng dẫn Vovinam đầu tiên tại Trường đại học Stuttgart. Ban đầu chỉ với mục đích tham gia phong trào sống khỏe trong cộng đồng du học sinh người Việt chứ chưa có ý tưởng quảng bá rộng rãi ra dân bản xứ. Sau năm 1975, ông nhận thấy phần nhiều các môn sinh nước ngoài đến với ta vì nhìn thấy Vovinam có những pha biểu diễn ngoạn mục. Nhưng khi đã quen với đòn thế Vovinam, họ cũng rất thích và tìm hiểu nguồn gốc đượm màu triết lý về nhân sinh quan của Việt Võ Đạo...

Tương tự cũng tại Đức, nhiều người biết tới võ sư Nguyễn Tiến Hội, kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng khảo thí của Tổng đoàn Vovinam ở Đức, cũng là một trong những người có công lớn trong việc truyền bá và góp phần đào tạo ra nhiều võ sinh Vovinam tại nước này kể từ sau năm 1975. Ông cho biết: “Trải qua hơn 35 năm, Vovinam tại Đức đã phát triển thành một cộng đồng to lớn gồm đủ mọi tầng lớp và sắc dân. Hầu hết võ sư cao cấp (từ hồng đai trở lên) đều là người bản xứ và rất nhiều võ đường Vovinam đều do họ tự đứng ra thành lập. Họ chủ động quảng bá Vovinam trong đại chúng, trong viện bảo tàng, chủ động đưa Vovinam vào giảng dạy trong các trường đại học, trung học, nhà thiếu niên. Họ chủ động tổ chức sinh hoạt trại Pfingsten (lễ Chúa thăng thiên) truyền thống hằng năm, tổ chức biểu diễn, thi cử, tổ chức những chuyến du lịch học tập tại Việt Nam... Bên cạnh đó, giới nghiên cứu dân tộc học của Đức cũng rất lưu tâm đến Vovinam. Năm 2000, một phái đoàn Đức cũng đã nhờ tôi trực tiếp hướng dẫn sang Việt Nam để tìm hiểu thêm về môn phái này. Cũng nhân dịp này, đài truyền hình SWR Đức đã thực hiện một cuốn phim tài liệu về Vovinam – Việt Võ Đạo và chiếu giới thiệu rộng rãi đến công chúng Đức...”

Mới đây, vào giữa tháng 10-2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Âu (EVVF) đã diễn ra tại trụ sở FFKDA, thủ đô Paris, nước Pháp. Tham dự đại hội có tổng cộng 26 đại biểu của Đức, Pháp, Bỉ, Italia, Anh, Rumani, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Tây Ban Nha... Các đại biểu đã cùng trao đổi, thông qua bản Điều lệ Liên đoàn và bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ I (2010-2013) gồm các ông Francis Didier (Chủ tịch), 3 võ sư Trần Đại Chiêu (Đức), Juan Cid (Tây Ban Nha), Florin Macovei (Rumani) đắc cử chức Phó Chủ tịch, võ sư Vittorio Cera (Italia, Tổng thư ký), bà Thanh Nhã Berrier (Anh, Phó Tổng thư ký) và bà Marie France (Pháp, Thủ quỹ). Về những kế hoạch hoạt động mới, EVVF cho biết họ sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và trọng tài; tổ chức giải Vô địch Vovinam châu Âu lần đầu tiên của EVVF (đã diễn ra tại quần đảo Tenerife thuộc Tây Ban Nha vào tháng 11-2010), các lần sau diễn ra tại Milano, Italia (đầu năm 2012), Paris, Pháp (đầu năm 2013) và Rumani (2014). Đặc biệt, sau giải Vô địch Vovinam thế giới lần 2 sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7-2011, nước Pháp cũng chính thức lên tiếng đăng cai giải Vô địch Vovinam thế giới lần 3 vào tháng 7-2013.
 
Trung Nguyên
Theo Đại Đoàn Kết



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC