Đây là chuyến đi theo định kỳ của Stefan, 52 tuổi, trong hai năm qua. Ông là nhà tư vấn hỗ trợ phát triển trong một dự án của Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Naypyidaw. Stefan dự định trở về Việt Nam sau hai tuần.
Tối 21/3, Stefan đọc được thông báo Việt Nam tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài, áp dụng ngay hôm sau để chặn Covid-19.
"Điều đó có nghĩa là mình bị lỡ kế hoạch về nhà. Trong bao lâu nhỉ, có lẽ phải đến một tháng nữa", Stefan tự nhủ. Ông nhanh chóng gọi điện cho vợ thông báo tình hình, nhờ cô động viên các con rằng "ba sẽ về trễ hơn".
Stefan và hai cô con gái tại Hội An năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tại Naypyidaw, Stefan thuê khách sạn để ở. Ông hạn chế ra ngoài, tuân thủ quy định "làm tại nhà", khi Myanmar áp lệnh giãn cách ngăn nCoV lây lan. Công việc của Stefan vẫn được duy trì khi các đối tác cũng chuyển sang hình thức trao đổi trực tuyến.
Trong những ngày đầu bị mắc kẹt, mỗi sáng thức giấc, Stefan phải định thần lại tình trạng của mình khi xung quanh vắng lặng. Ông nhớ không khí náo nhiệt trong gia đình khi hai vợ chồng cùng hối thúc các con chuẩn bị nhanh để kịp giờ đến lớp. Ông nhớ những lúc "buôn chuyện" với bọn trẻ, một 14 và một 12 tuổi, trên đường đưa chúng đến trường hay trong lúc dừng chờ ở hàng bánh mì đầu ngõ. Stefan cũng nhớ mùi cafe sữa đá ở quán bình dân, nơi ông thường cùng vợ tạt qua trước khi đi làm.
Chiều tối là lúc Stefan trông đợi nhất trong ngày, vì ông có thể gọi video cho vợ và các con. Hai cô bé đua nhau kể chuyện ở nhà và chuyện học trực tuyến, hỏi Stefan về một số bài tập như thường lệ. Ông lắng nghe trọn vẹn, hướng dẫn chúng nhưng cảm thấy sự xa cách khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Stefan không thể hôn các con và chúc chúng ngủ ngon.
Dù không phải lo lắng về nguy cơ nhiễm virus, khi người dân và chính phủ Myanmar thực hiện nhiều biện pháp chống dịch, Stefan luôn bất an về nhịp sống "kỳ lạ" của mình. Stefan không nhớ đã đếm bao nhiêu ngày chủ nhật, xỏ giày chạy bộ một mình, trong khi đáng ra ông và vợ phải đồng hành trên những chặng thân quen ở TP HCM. Họ sau đó có thể tìm một nơi ăn vặt, ngồi ngắm hoàng hôn trên nền trời.
Những lúc đó, ở Việt Nam, Lương, vợ Stefan, không ngừng tìm kiếm các thông tin để giúp chồng sớm về nhà. Khi bàn đến khả năng bay về Đức, theo diện được chính phủ Đức hỗ trợ, Stefan cho rằng không khả thi. Trong lúc chưa biết thời điểm các nước nối lại đường hàng không, lựa chọn này chỉ khiến ông "càng bị đẩy ra xa Việt Nam", bởi ông sẽ chỉ mất hai tiếng đồng hồ để về nhà từ Myanmar nếu có chuyến bay.
Có những ngày Stefan cố gắng tĩnh tâm để viết sách, hoàn thành các nghiên cứu còn dở dang. Ông nói vui với vợ rằng "nhờ có Covid-19" mà mình đã học được cách nấu một số món Việt Nam như rau muống xào tỏi, bò cuốn lá lốt hay bún bò. Ông tự tin có thể hỗ trợ đắc lực cho cô trong bếp sau này.
Thời điểm Stefan cảm thấy rối bời, nhận ra việc kẹt lại không thể tính được bằng tuần nữa, mà nó có thể kéo dài vài tháng, do dịch diễn biến phức tạp, vợ ông ngỏ ý "để em thử liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar nhờ trợ giúp". Stefan không mấy tự tin về phương án này, vì ông không phải công dân Việt Nam cần được "giải cứu". Lương vẫn xúc tiến kế hoạch để đảm bảo mình không bỏ lỡ bất cứ điều gì, dù sau đó không có kết quả như trông đợi.
Điều khiến Stefan nhẹ lòng nhất khi ở xa vợ con là họ được an toàn, khi dịch bệnh hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Tổng ca nhiễm nCoV ở Việt Nam vẫn ở mức thấp. Việt Nam từng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng trong suốt ba tháng và từng được quốc tế công nhận là một trong số ít các nước kiểm soát tốt Covid-19.
Đến tháng 6, tin tức chính phủ Việt Nam cân nhắc mở lại đường bay quốc tế với một số nước trong khu vực khiến Stefan le lói hy vọng "được hồi hương". Ông cũng trông đợi Myanmar mở đường bay an toàn để khôi phục ngành du lịch, vì nước này cũng ghi nhận ca nhiễm nCoV ở mức thấp, tương đương con số của Việt Nam.
Trong lúc Stefan đang tính toán nên quá cảnh ở Lào, Campuchia hay Hàn Quốc, để về Việt Nam, ông "đón nhận" cú sốc thứ hai: Đà Nẵng có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 99 ngày "sạch Covid-19".
"Tôi hiểu rằng lệnh hạn chế sẽ không sớm được dỡ bỏ, dù tôi đã ở Myanmar 5 tháng", Stefan nói.
Stefan tại văn phòng làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhìn vào thực tế, Stefan đồng tình chính phủ Việt Nam tổ chức các chuyến bay hỗ trợ người ở nước ngoài dựa trên năng lực cách ly trong nước là hợp lý. Ông cho rằng những người như ông, không phải công dân Việt Nam, thì không nên trở thành gánh nặng cho cả hệ thống. Do đó, Stefan ủng hộ Việt Nam thu phí xét nghiệm và cách ly, mở rộng đối tượng hỗ trợ sang người nước ngoài có vợ/chồng là người Việt. Nếu các trung tâm bị quá tải, có thể cho phép họ cách ly ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có thu phí. Stefan biết được điều này từ một đồng nghiệp lấy vợ Thái Lan cũng bị kẹt ở Myanmar, mới được chính phủ Thái cấp phép trở về Bangkok vào giữa tháng 8.
Với Stefan, đến Việt Nam lần đầu cách đây 20 năm, ông từ lâu không có cảm giác mình là "người nước ngoài". Ông có thể nói tiếng Việt với vợ và các con, có thể ăn nhiều món "độc lạ" của Việt Nam, thích cách xưng hô trong đại gia đình, say mê các ngày lễ Tết, và hơn hết ông muốn gia đình mình định cư lâu dài ở đây.
Trong cuộc nói chuyện qua video gần nhất, Stefan không khỏi chạnh lòng vì nhận thấy hai con gái đã có những thay đổi của tuổi mới lớn, ít nhất chúng đã đổi kiểu tóc.
"Tôi là một người đang nhớ nhà. Mong muốn gặp lại gia đình là ý nghĩ đầu tiên của tôi mỗi sáng thức giấc", Stefan nói.
Nguồn: Việt Anh/vnexpress