Ngày 12/11, hãng BBC đưa tin cảnh sát Đức vừa bắt giữ 21 người Việt tại Berlin, Brandenburg và Bavaria vì liên quan đến một đường dây đưa người nhập cư vào Đức.

Xem thêm:

Nước Đức không phải là thiên đường - rất nhiều người Việt đang sống tại đất nước giàu có nhất châu Âu này chợt nhận ra điều đó sau bao nhiêu năm nhọc nhằn mưu sinh ở đây.

Xin giới thiệu với độc giả loạt bài của phóng viên Trung Bình về những góc tối của nước Đức sau gần 3 tháng tìm hiểu thực tế.

"Em cùng với 7 người Việt Nam khác lội rừng từ Tiệp (CH Czech - PV) sang Berlin vào những ngày cuối thu năm 1999", Quyên bắt đầu câu chuyện của mình.

Nước Đức và “góc tối thiên đường”: Hành trình đến thiên đường - 0

Ảnh minh họa

Ngồi kể chuyện mà giọng của cô gái 30 tuổi này vẫn còn run run như thể đang sống lại những ngày hãi hùng đó:

"Trời rét, mọi người lầm lũi đi trong rừng, chỉ đi toàn ban đêm vì đi ban ngày sợ bị phát hiện. Cơ thể em đông cứng lại vì lạnh, đói lả người nhưng chân vẫn cứ phải bước. Những lúc nhận được ám hiệu có tuần tra thì mọi người phải nhảy ngay vào chỗ nào đó để trốn, như một cái hốc, bụi rậm, hay may mắn lắm thì chui được vào đống rơm của một trang trại nào đó...".

Trong một đêm chạy tán loạn giữa rừng để trốn cảnh sát, Quyên bị tụt mất giày nhưng không dám đứng lại tìm, thế là suốt những ngày băng rừng lội suối còn lại, cô phải đi chân trần nên khi về đến Berlin, hai bàn chân sưng tấy, lở loét.

Sau khoảng 1 tuần thì Quyên và những người Việt Nam khác cũng vào được Berlin - nơi mà người chú của Quyên đã vẽ ra một viễn cảnh "nhà lầu, xe hơi" đầy hấp lực.

Quyên nhớ lại, lúc đó cô mới 19 tuổi nên rất hào hứng với chuyện xuất ngoại.

Suốt năm học cuối cùng ở một trường cấp ba vùng ngoại ô Hải Dương, cô chỉ mơ màng về một cuộc sống sung sướng ở nước Đức xa xôi còn chữ nghĩa thì bay bổng đâu hết. 3 ngày sau khi đến đích, cô phát hiện ra mình có thai mà cha của đứa trẻ trong bụng cô chẳng biết là ai và từ lúc nào.

Quyên kể, lúc vượt biên giới toàn đi bộ vào ban đêm.

Những lúc được nghỉ ngơi Quyên thiếp đi và "cái tuổi ăn tuổi ngủ" đã khiến cô ngủ li bì, không còn biết chuyện gì xảy ra chung quanh.

Cô chỉ biết chắc một điều là đứa trẻ sắp ra đời chính là của một trong những người đàn ông đã cùng cô vượt biên sang Đức hoặc những kẻ dẫn đường.

Món quà đầu tiên mà "thiên đường" tặng cho Quyên sao mà cay đắng thế ! "Em như muốn chết đi cho xong vì nhục nhã và xấu hổ. Nhưng rồi cũng phải cố mà sống vì số tiền 40.000 mác mà gia đình đã vay mượn cho em đi. Có người lại an ủi em rằng giữ được cái mạng như vậy đã là quý rồi, người ta còn bỏ mạng giữa rừng kia", Quyên nghẹn ngào.

Cô cho biết, một người bạn cùng đi từ Việt Nam nhưng ở nhóm khác, cũng xuất phát từ  Cộng hòa Czech đã bị chó của cảnh sát cắn chết.

Đường đến Đức với nhiều người không hề đơn giản.

Nhưng theo chị Oanh, một giáo viên dạy tiếng Đức tại Hội Trống Cơm, một tổ chức phi chính phủ ở Lichtenberg được lập ra để giúp người Việt ở quận Lichtenberg, Berlin thì "số người bên nhà" sang đây tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Chị Oanh kể:

"Nhiều người đến hội vì theo luật mới họ phải học tiếng Đức, số khác đến vì đói và bệnh tật cần sự giúp đỡ. Họ từ Việt Nam sang đây bằng nhiều con đường.

Nhiều người kể là đi với đoàn hội chợ, triển lãm, số khác thì do công ty đưa đi, còn đại đa số các em vị thành niên do một số công ty du học đưa đi nhưng đâu phải sang đây để học mà là tìm cách ở lại, đi làm kiếm tiền gửi về nhà. Điểm chung của những người này là bỏ ra từ 20.000 euro đến 40.000 euro để được sang đây và khi vừa đặt chân đến Berlin rồi là bị bỏ rơi ngay".

Chị Oanh kể có lần chị phải tiếp một người đàn ông gầy yếu và hàm răng không còn cái nào.

Người này từ TP.HCM sang rồi bị vứt ra hè phố trong tình trạng không có tiền mà cũng chẳng có một từ tiếng Đức nào lận lưng.

"Anh tưởng tượng được không, người này sinh năm 1968 mà tôi cứ ngỡ là một ông già 50 - 60 tuổi. Anh ta đi bán thuốc lá và ma túy và bị đánh đập dã man nên mới rụng hết răng" - chị Oanh hãi hùng kể.

Một ngày đầu tháng 11 tại Hội Trống Cơm, hai cô gái người Thanh Hóa vừa từ Việt Nam sang được mấy ngày đang nhờ chị Oanh lo giúp một số giấy tờ cần thiết để được lãnh tiền trợ cấp xã hội trong trại.

Họ né tránh mọi câu hỏi và chỉ lấp lửng cho biết là sang bằng con đường đi dự hội chợ. Nếu như trước đây, chỉ có những công nhân hoặc  du học sinh người Việt từ Ba Lan, Czech hay Nga tìm cách nhập cư trái phép vào Đức thì nay phần đông từ Việt Nam sang. Họ bán ruộng vườn, thế chấp nhà cửa, thậm chí vay mượn với lãi suất cao để trả cho những người tổ chức đưa họ sang Đức.  

Xem thêm:

 

Nguồn: Trung Bình
Báo Thanh Niên




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC