7 giờ tối. Các tiểu thương người Việt có cửa hàng tại ga tàu điện ngầm Osloer StraBe râm ran giục nhau dọn hàng, kết thúc một ngày làm việc.
Những ông chủ người Việt
Cửa hàng thực phẩm Asia Long-Tham của anh N.H.L là một trong những cửa hàng của người Việt ở ga tàu điện ngầm Osloer StraBe. Anh L. rời Nghệ An sang Đức lập nghiệp đã được hơn 12 năm. Việc kinh doanh, theo anh, là tạm ổn. Ngoài Aisa Long-Tham, anh còn có một số cửa hàng ở các quận khác tại Berlin. Việc buôn bán khá thuận lợi là nhờ rất nhiều vào các chính sách linh hoạt, công bằng của chính phủ Đức. Vừa qua, công việc kinh doanh của anh L. cũng bị ảnh hưởng đôi chút do suy thoái kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, nền kinh tế Đức hiện đã hồi phục trở lại, công việc kinh doanh của anh đã gần đạt mức cũ trước đây.
Gần Asia Long – Tham là một cửa hàng bán hoa của hai vợ chồng bà N.T.H và ông H.Q.C vốn là người quận Long Biên, Hà Nội. Cửa hàng rộng chừng 30m2 ngập tràn sắc màu của hồng nhung, hướng dương, lưu ly… ông C. sang Đức đã hơn 20 năm. Làm nghề này chú phải dậy từ rất sớm, có khi từ 2 giờ sáng, để đi lấy hoa rất xa cửa hàng. Hai vợ chồng chỉ có thể trở về nhà vào khoảng 8 – 9 giờ tối. Kinh doanh hoa phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời vụ. Vào mùa đông (tháng 10 đến tháng 5), việc kinh doanh thuận lợi “do hoa chơi được bền hơn”, nhiều người mua. Cần cù, chịu khó, lấy công làm lãi, không thuê nhân công và rất khéo tay, hoa tại các cửa hàng người Việt có giá thành thấp hơn hẳn những cửa hàng hoa của người bản địa. Theo ông C., hiện Berlin đã có hơn 500 chủ cửa hàng hoa là người Việt.
Nặng lòng hai tiếng quê hương
Đời sống tạm ổn nhưng nỗi nhớ quê hương lúc nào cũng khắc khoải khôn nguôi – đó là tâm tư của cả anh L. và vợ chồng ông H., C. Anh L. không còn thường xuyên được về thăm cha mẹ già ở Nghệ An như trước do quá bận rộn việc kinh doanh. Anh tâm sự: “Nhiều khi nhớ bố mẹ đến rớt nước mắt, nhất là vào dịp Tết, nhưng vì cuộc sống chẳng thể làm khác được. Chẳng có nỗi buồn nào bằng xa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình”.
Trong khi đó, vợ chồng ông bà H., C. có 2 người con lớn ở Việt Nam đã có gia đình. Sống cùng ông bà tại Berlin là 2 người con út. Rất nhiều du học sinh Việt Nam sống tại các căn hộ xung quanh Osloer StraBe thường sang chơi với vợ chồng ông. Mỗi khi ai đó sang tạm biệt ông bà trở về nước, bà lại quặn lòng nhớ nhà.
Ông kể, vợ chồng chỉ “ấm lòng” đôi chút khi các hội người Việt Nam ở Berlin tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu cho các bà con Việt kiều. Các hội này thường đứng ra tổ chức gặp mặt nhân các dịp như đón Tết truyền thống, các ngày đại lễ của đất nước, hay quyên góp cứu trợ đồng bào nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong nước… tạo điều kiện cho những người con đất Việt xa quê hương có cơ hội bày tỏ tấm lòng hướng về quê cha, đất tổ./.
Hà Thu.