Trong những năm gần đây, Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, mà người Việt vẫn quen gọi dân dã là „Chợ Đồng Xuân“ ngày càng sầm uất và gần như trở thành một điểm du lịch.

 Những ngày cuối tuần, người Đức và người nước ngoài tấp nập đến đây để trải nghiệm một chút không khí chợ châu Á, mua sắm vài mặt hàng tiêu dùng, hoặc thưởng thức những món ăn Việt Nam.

Nhiều người Đức sành ăn đã nói với nhau rằng muốn ăn đúng hương vị Việt Nam thì phải vào đây, vì các cửa hàng ngoài phố đã „Đức hóa“ theo khẩu vị người địa phương rồi. Nhiều báo chí đã đến tìm hiểu để đưa tin, viết bài về Đồng Xuân.

cho dong xuan berlin

Giới chính khách cũng đã biết tới Đồng Xuân.

Bà Dilek Kolat Bộ trưởng phụ trách Lao động, Hội nhập và Phụ nữ bang Berlin, ông Martin Pätzold, Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức và nhiều người khác cũng đã tới thăm TTTM Đồng Xuân và đánh giá cao các hoạt động của trung tâm, tạo ra nhiều công ăn việc làm và qua đó là nguồn thu thuế cho địa phương.

Sự phát triển của TTTM Đồng Xuân đã góp phần làm gia tăng uy tín của người Việt ở Berlin nói riêng và ở nước Đức chung.

Đây có thể coi là đỉnh cao của quá trình phát triển thăng trầm của các khu chợ giao hàng của người Việt ở Berlin trong hơn 20 năm qua.

Theo chúng tôi còn nhớ, khu chợ giao hàng đầu tiên của người Việt ở Berlin được chị Trịnh Thị Mùi mở ở Rhinstr. 85, góc đường Allee der Kosmonauten, nay là nơi bán tủ bếp, vào khoảng năm 1993.

Quy mô của chợ khi đó còn nhỏ, nhưng cũng đã có một số nhà giao quần áo, cũng đã có quầy bán thực phẩm châu Á và cửa hàng bán phở nên thu hút khá đông người Việt tới đây.

Được một thời gian, khu chợ ở Rhinstr. 139, gần cửa hàng Selgros, được mở ra, thu hút rất nhiều người giao hàng.

Đây có lẽ là một trong những khu giao hàng được tồn tại và phát triển khá lâu so với những khu giao hàng sớm „chết yểu“ sau đó ở Marzahner Str., nằm sâu hơn Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương hiện nay, khu Saigon-Center ở Pyramidenring, khu Rhinstr. 100.

Thực ra, người ngoài chỉ hay đồn đoán, chứ không thể biết chắc về lý do thành công hay thất bại của một khu „chợ“, cũng như lợi nhuận hay thua lỗ của các giám đốc trung tâm, mà người ta quen nói đùa với nhau là „chủ chợ“.

Cách đây khoảng 10 năm, ở Berlin hình thành và tồn tại song song hai trung tâm thương mại Thái Bình Dương ở Marzahner Str. 17 và Đồng Xuân Center. Đồng Xuân Center ban đầu năm ở Bornitzer Str. trước khi chuyển sang Herzbergstr. như hiện nay.

Hai trung tâm ban đầu đều phát triển mạnh, nhưng rồi một trung tâm cứ giảm sút dần và theo một văn bản của Tòa án mà chúng tôi được xem, Công ty Thái Bình Dương (ITC Pacific Verwaltungsgesellschaft mbH) đã đăng ký phá sản từ tháng 1/2014.

Hiện nay, một Konkursverwalter đang làm các thủ tục tiếp theo. Chúng tôi cũng chưa rõ số phận của công ty này sẽ ra sao. Dù sao đó cũng là một điều đáng buồn đối với cộng đồng người Việt ta ở Berlin.

Người Việt vốn năng động. Bên cạnh những người giao hàng bán buôn trong các trung tâm thương mại. Nhiều người có vốn đã tiến hành mua bất động sản để làm nhà ở, nhà hàng và khu giao hàng riêng.

Chưa biết mô hình nào sẽ thành công nhiều hơn, nhưng trải qua bao nhiêu thăng, trầm, ít nhất một trung tâm thương mại lớn đã thành công, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và mang lại danh tiếng tốt cho người Việt ở Đức là chăm chỉ, hội nhập tốt và thành đạt.

 

Nguồn: VietnamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC