Nước Đức, quê hương thứ hai của tôi, đã mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa kéo dài suốt hơn 5 tháng qua. Đó là niềm vui lớn đối với người Việt đang làm ăn sinh sống tại Đức nói riêng và toàn thể người dân Đức nói chung.
Đây là khoảng thời gian lâu nhất chúng tôi thất nghiệp, có lúc rơi vào trạng thái bất an. Suy nghĩ về sự sống và cái chết cứ mong manh khi thấy số ca Covid-19 không ngừng gia tăng và mối đe dọa của các biến chủng virus SARS-CoV-2. Chúng tôi chỉ biết thu mình trong phạm vi gia đình để bảo toàn sức khỏe. Quanh quẩn trong gian phòng nhỏ với chiếc tivi, điện thoại là cầu nối ra thế giới bên ngoài.
Nhiều người từng nói Covid-19 khiến ta sống chậm hơn, tận hưởng thật sâu từng khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc mà ngày thường vì tất bật mưu sinh ta vô tình không nhận thấy. Điều đó chỉ đúng khi bạn chưa bị đại dịch chi phối quá lâu. Còn chúng tôi, sau một thời gian dài chịu đựng là sự mệt mỏi, hoang mang, chỉ mong sao có vắc-xin thật nhanh để khống chế đại dịch.
Một tiệm nail của người Việt tại Giessen- Ảnh: Trần Thủy
Nhiều gia đình người Việt tại Đức tự kinh doanh nhà hàng, nail (làm móng), cửa hàng bán hoa, bán quần áo, bán trà sữa... Trong thời gian đóng cửa, các chủ cửa hàng vẫn phải tự chi trả các loại phí như, tiền thuê địa điểm, thuế kinh doanh, bảo hiểm y tế, hưu trí, nhân viên...
Chính phủ có tuyên bố hỗ trợ một phần, vậy mà từ tháng 1-2021 đến nay, rất nhiều bang chưa chi trả được. Khó khăn cứ chồng chất lên vai mà không biết kêu đâu. Lần này, khi quyết định đưa cuộc sống trở lại với guồng quay vốn dĩ của nó, chính phủ Đức đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng với hy vọng sẽ khống chế được đại dịch Covid-19 và từ từ hồi phục lại kinh tế.
Chính phủ đã mua và thúc đẩy tiêm vắc-xin nhanh nhất có thể bởi chỉ khi tất cả được tiêm phòng, virus mới không còn cơ hội lây lan. Đến nay, hơn 50 triệu người đã được tiêm lần 1, trong đó có rất nhiều người Việt và hơn 18 triệu người được tiêm lần 2.
Rất nhiều cơ sở xét nghiệm nhanh Covid-19 mọc lên đồng loạt ở hầu hết thành phố để phục vụ miễn phí người dân.
Theo dõi lượng người nhiễm tăng giảm theo ngày, mỗi tiểu bang sẽ tự ra quyết định tức thời về giãn cách, về xét nghiệm bắt buộc khi vào bất cứ đâu, hạn chế tối đa lây nhiễm, tránh đóng cửa trở lại.
Những cố gắng thiết thực của chính phủ đã từng bước có hiệu quả. Người Việt mở cửa hàng cũng cảm thấy yên tâm hơn khi khách luôn mang theo "giấy thông hành" vào tiệm. Cửa hàng ăn bán tốt hơn khi có thêm lượng khách được phép ngồi tại đó, khác với trước kia chỉ được bán mang về. Tiệm nail vào hè bắt đầu ổn định dần lượng khách quen trong khi cửa hàng quần áo tăng lượt ra vào mua sắm... Tất cả như đang dần hồi sinh sau thời gian phong tỏa kéo dài.
Những biện pháp bắt buộc, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát trùng, diệt khuẩn, không tụ tập quá đông người… có thể vẫn sẽ còn áp dụng cho đến khi thực sự hết dịch. Nhưng đó là những yêu cầu rất cần thiết, tránh chủ quan khi thấy dịch bệnh có xu hướng giảm.
Trần Thủy (từ Giessen - Đức