Tin thêm về 100 người tị nạn Việt Nam bị trục xuất về nướcĐược tổ chức và hộ tống bởi 60 nhân viên cảnh sát liên bang, được cung cấp về tài chính bởi tổ chức bảo vệ chủ quyền biên giới châu Âu Frontex, chiều thứ hai, mùng 8 tháng 6, 100 người Việt Nam đã bị trục xuất về nước.

20 người trong số đó là người tị nạn từ Ba Lan được chuyển sang để đưa về cùng một đợt. Đây là lần đầu tiên chính phủ Đức tổ chức trục xuất người tị nạn Việt Nam với số lượng lớn từ thủ đô Berlin và có cảnh sát hộ tống trên chuyến bay đặc biệt của hãng Air Berlin cất cánh lúc 15h.

Việc Đức trục xuất người Việt Nam về nước không phải là một chuyện quá đặc biệt. Tuy nhiên, cách thức mà chính phủ Đức sử dụng cũng như số lượng lớn đặc biệt về đối tượng bị trục xuất làm cho nhiều tổ chức về nhân quyền và người tị nạn tỏ ra bất bình. Lần trục xuất này, người tị nạn Việt Nam sẽ không được đưa về trên một chuyến bay du lịch thông thường như trước đó mà là trên một chuyến bay đặc biệt dành riêng cho họ.

Từ năm 1995, một bản thỏa thuận về việc nhận người tị nạn hồi hương đã được ký kết giữa chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam.

Bản thỏa thuận khi đó nhắm vào đối tượng là các công nhân lao động hợp tác của nước cộng hòa dân chủ Đức cũ DDR đền từ miền Bắc của Việt Nam, những người sau đó đã tìm cách ở lại sinh sống trên nước Đức. Hiện nay, gần 100.000 người Việt Nam thuộc nhóm đối tượng này vẫn đang sinh sống ở Đức dưới dạng tị nạn, tạm trú ngắn hạn hoặc dài hạn. Con cái của họ luôn là những người có điểm cao nhất tại trường học của người Đức. Và họ được quyền ở lại nước Đức sinh sống lâu dài và không thuộc nhóm những đối tượng bị xét trục xuất của chính phủ Đức.

Trong số những người bị trục xuất, nhiều người cũng đã sống ở Đức nhiều năm nay, nhưng vì vi phạm pháp luật đã bị mất quyền được tạm trú tại Đức. Phần lớn những đối tượng bị trục xuất lần này là những người Việt Nam thuộc nhóm tị nạn mới tới Đức, những người một phần là vượt biên một cách bất hợp pháp vào Đức hoặc là lợi dụng đi du lịch qua các nước khác thuộc EU để vào nước Đức. Nhiều người trong số họ không có giấy tờ tùy thân, nên trước đó, chính phủ Việt Nam cũng đã cử người sang Đức để xác minh danh tính của những người này trước khi đưa họ hồi hương.

Theo thống kê về số lượng người tị nạn ở Đức, trong quý 1 năm 2009, Việt Nam là quốc gia xếp thứ ba trong số những nước có nhiều người đặt đơn xin tị nạn nhất. Trong tháng 4, với 143 đơn xin tị nạn tại Đức, Việt Nam thậm chí còn xếp thứ 2. Đối với người Việt Nam chuyện xin tị nạn chính trị là việc gần như không thể.

Những đợt trục xuất người tị nạn Việt Nam số lượng lớn như thế này, theo công bố của chính phủ Đức sẽ được tiến hành nhiều lần trong năm từ các sân bay Frankfurt và Munich. Từ hai sân bay này, các chuyến bay sẽ không có nhân viên cảnh sát Đức đi theo áp tải.

Thu Trang (tổng hợp)

@tintucvietduc.de




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC