Foto: Đại sứ Nguyễn Minh Vũ
ckquote class="article-intro" itemprop="description">
Ngày 23/9/2020, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến (Webinar) về quan hệ giữa hai nước. Khoảng 100 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, tổ chức, hội đoàn, doanh nghiệp của Đức và Việt Nam đã tham dự trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Buổi Tọa đàm cũng được phát trực tuyến trên các trang báo chí truyền thông và mạng xã hội (Báo Thế giới và Việt Nam, youtube, facebook…), thu hút hàng trăm lượt theo dõi và chia sẻ.
Trong phát biểu chào mừng mở đầu buổi Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ khẳng định quan hệ giữa hai nước đã hình thành từ rất sớm, ít nhất là từ thế kỷ 19 khi Đức bổ nhiệm Lãnh sự đầu tiên tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Trải qua 45 năm từ khi Việt Nam và CHLB Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước hiện nay đã được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực.
Đại sứ nhấn mạnh, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp khiến nhiều chương trình, hoạt động kỷ niệm đã không thể tổ chức được, tuy nhiên quan hệ giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy bởi việc ký kết và đi vào hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Bên cạnh đó, hai bên cũng luôn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và đa phương khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Đức là Chủ tịch EU 6 tháng cuối năm 2020. Ngoài ra, tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước ngày càng được thắt chặt thông qua các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19.
Đồng quan điểm với Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam, bày tỏ tin tưởng rằng, với những cơ chế hợp tác hiện có, đặc biệt là Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam – Đức giai đoạn 2019-2021, cùng với những quan điểm chung, lợi ích chung, Việt Nam và Đức sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, bà Petra Sigmund,Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Á, Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức, ca ngợi thành công của Việt Nam trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế vượt bậc và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc hiện đại hóa đất nước thời gian qua. Bà Sigmund nhấn mạnh rằng, mối quan hệ giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đã có những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Đức trên bình diện song phương cũng như đa phương.
Bà Sigmund cho biết Chính phủ Đức mới ban hành Định hướng chính sách đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó đánh giá cao vai trò của ASEAN tại khu vực này. Đức mong muốn tăng cường hợp tác với tất cả các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu, đảm bảo an ninh, an toàn trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy các lợi ích chung như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Riêng Việt Nam, bà Sigmund đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp châu Âu đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian tới, trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược, bà tin tưởng rằng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa và sẽ gặt hái thêm nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Tiếp nối ý kiến của bà Sigmund, trong phát biểu rất cô đọng của mình, PGS. TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nước trong 45 năm qua đã có những bước đi vượt trội cả về hình thức lẫn nội dung, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó các dự án “hải đăng” đã rất thành công và có thể được nhân rộng. Ông cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn, đồng thời khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Đức ở cả song phương và đa phương. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang gia tăng nhanh chóng, cùng sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đang diễn ra trên toàn cầu, Việt Nam là một đối tác tin cậy, hoan nghênh các doanh nghiệp Đức mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà Đức có thế mạnh như công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng thông minh, năng lượng tái tạo, dạy nghề, hợp tác lao động.
Đánh giá về hợp tác kinh tế giữa Đức và Việt Nam, ông Andrian Bothe, Trưởng phòng phụ trách hợp tác kinh tế khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Úc và New Zealand, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là đối tác kinh doanh đáng tin cậy không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Ông bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% hàng năm của Việt Nam, cho rằng đây là mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ. Và ngay trong bối cảnh cả thế giới đang suy thoái do tác động đại dịch Covid-19 thì Việt Nam là một trong số ít các nước đối phó với đại dịch này thành công nhất, cả trên góc độ y học và kinh tế. Ông Bothe nhận định, trên cơ sở quan hệ hợp tác đã có giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và cơ khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, khởi nghiệp…, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác song phương nhằm phát triển kinh tế, phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ Euro trong năm tiếp theo.
Đại diện cho hơn 300 doanh nghiệp của Đức đang đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, ông Marko Walde, Trưởng đại diện AHK Việt Nam, cho biết với địa thế chiến lược của mình, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… Ông Walde khẳng định Chính phủ Việt Nam đã ngày càng tạo ra nhiều cơ chế thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Với sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, các doanh nghiệp Đức và Việt Nam đã, đang và sẽ phối hợp, bổ sung hỗ trợ cho nhau và đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến, ông Siegfried Sommer, Chủ tịch Hội Đức – Việt, đã nêu bật quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó giữa nhân dân hai nước qua các chặng đường lịch sử. Các tổ chức hội đoàn của cộng đồng người Việt Nam và bạn bè Đức đã đóng vai trò là cầu nối tích cực trong tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Ông Sommer đánh giá cao sự hội nhập thành công của cộng đồng người Việt Nam vào xã hội Đức, đồng thời vẫn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam ở sở tại. Ông khẳng định trong thời gian tới, Hội Đức-Việt cùng với các hội đoàn khác của cộng đồng người Việt sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa sự cho sự hiểu biết giữa hai dân tộc cũng như mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Trong phần thảo luận, Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Việt – Đức, Trưởng Văn phòng liên lạc của bang Mecklenburg-Vorpommern cho biết, trong thời gian qua một số địa phương của Việt Nam và Đức đã có nhiều hoạt động tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Ông cho rằng tiềm năng hợp tác giữa 16 bang của Đức và các địa phương của Việt Nam còn rất lớn và mong rằng hai nước sẽ đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương.
Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Trường Giang, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt am Main cho biết bang Hessen đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, văn hoá, khoa học công nghệ… Điều này được thể hiện rõ nét trong việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, cùng tham gia nhiều dự án chung, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và bang Hessen đạt khoảng 1 tỷ USD/năm, nhiều công ty của Hessen có trụ sở ở Việt Nam (Ngân hàng Đức, Công ty Dược phẩm B.Braun…) và đồng thời nhiều công ty của Việt Nam có Văn phòng đại diện ở Hessen (Vietnam Airlines, Vietinbank, Vinfast, FPT…). Ông tin rằng trong thời gian tới hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, tận dụng tốt các lợi thế mà EVFTA mang lại để cùng phát triển kinh tế, tăng trưởng trong trao đổi thương mại song phương.
Ông Torben Minko, Giám đốc điều hành Công ty B.Braun Việt Nam, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức (GBA) nhất trí với ý kiến của các đại biểu đã nêu, khẳng định các doanh nghiệp Đức là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam trong các lĩnh vực như chế tạo ô tô, cơ khí, dược phẩm… không chỉ để tiếp cận một thị trường tiềm năng như Việt Nam mà còn mang lợi ích cho cả hai nước.
Buổi Tọa đàm trực tuyến đã diễn ra thành công, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các đại biểu tham dự và theo dõi buổi Tọa đàm./.
Tin & ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức