Chính quyền Cộng hòa Czech, nơi được gọi là "thủ phủ ma túy Trung Âu", ước tính các băng nhóm tội phạm có tổ chức gốc Việt sản xuất 60% lượng ma túy tại đây.
Cảnh sát đột kích một trang trại trồng cần sa trong nhà tại Czech. Ảnh: Expats
Quán pizza của gia đình bà Nguyen Thi Kim Thu nằm ở ngoại ô phía nam Prague.
Bà đang gập người trên một bàn đá lớn, chuẩn bị nhào bột cho giờ bán hàng cao điểm buổi tối, theo Nikkei Asian Review.
Nhà hàng của bà Thu ban đầu mở ra nhằm phục vụ người bản địa, những người mất 45 phút đi xe buýt từ trung tâm thủ đô tới khu người Việt Little Hanoi.
Tuy nhiên, khách hàng bây giờ của bà phần lớn là người Việt.
Khi mới chuyển tới Czech cách đây 15 năm, bà Thu và gia đình rất hạnh phúc, mặc dù có hơi lạc lõng giữa xứ người.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc sống của cộng đồng nhập cư người Việt khó khăn hơn bởi sự gia tăng các tổ chức tội phạm sản xuất ma túy bất hợp pháp gốc Việt tại Czech, nơi được mệnh danh là thủ phủ ma túy của Trung Âu.
"Mỗi lần đi siêu thị mua sắm, tôi thấy người bản địa khó chịu khi chúng tôi chọn mua gì đó", bà Thu nói. "Họ không nói không rằng với chúng tôi".
Tran The Tuah, 16 tuổi, con trai của bà Thu, đang học cấp ba. Tuah cho biết thường là mục tiêu trêu chọc trong trường.
"Thỉnh thoảng bọn ở trường lại đùa cợt, nói với cháu những câu như, 'Này, có cỏ không?'" Tuah nói.
Nhà hàng của bà Thu nằm trong một khu vực trước đây là lò mổ tại một khu công nghiệp cũ, giờ có tên Chợ Sapa.
Đây là một trong những chợ châu Á lớn nhất châu Âu, rộng hơn 250.000 m2, với số lượng lớn người Việt thời bắt đầu định cư ở Cộng hòa Czech cuối những năm 1989.
Hiện, số người Việt ở đây khoảng gần 57.000, là cộng đồng Việt kiều lớn thứ ba châu Âu.
Bà Thu đang chuẩn bị bột nhào pizza. Ảnh: Nikkei Asian Review
Người bản xứ có định kiến rằng cộng đồng người Việt có mối liên hệ chặt chẽ với các băng nhóm tội phạm gốc Việt, mặc dù thực tế nhiều Việt kiều đang kinh doanh hợp pháp.
Theo Trung tâm Giám sát Ma túy và Nghiện hút châu Âu (EMCDDA), một cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) có trụ sở tại Lisbon, Czech là nơi cung cấp phần lớn ma túy đá cho châu Âu.
Theo số liệu của Cơ quan Phòng chống Ma túy quốc gia Czech (NDH), số lượng nhà sản xuất ma túy đá ở Czech năm 2015 là 263, với sản lượng 107.363 kg, tăng gần 30 lần so với 3.600 kg năm 2009.
Cơ quan này ước tính, các băng nhóm tội phạm có tổ chức gốc Việt làm chủ ít nhất 60% lượng ma túy bất hợp pháp tại Czech, ma túy đá chiếm 80%, phần còn lại là cần sa và một lượng nhỏ thuốc phiện, bao gồm cả heroin.
"Ma túy đá được sản xuất từ lâu ở đây. Nhưng thời đó tình hình khác hẳn bây giờ, khi mà các băng nhóm người Việt ngày một lớn mạnh", Tomas Kubik, cục phó Cục điều tra hình sự của NDH cho biết.
"Các băng nhóm này trở thành nhà sản xuất lớn nhất kiêm nhà xuất khẩu cần sa trồng trong nhà tại Czech. Họ thống trị thị trường", ông Kubik nói, nhấn mạnh khoảng 70% lượng hàng sản xuất được đưa tới các nước lân cận.
"Băng nhóm Việt là nguyên nhân chính khiến Cộng hòa Czech trở thành nguồn cung cấp cần sa chủ yếu cho các nước láng giềng như Đức và Áo". Ma túy đá sản xuất tại Czech có độ tinh khiết cao, được tiêu thụ ở những nơi xa như Mỹ hay Australia.
Người Việt đóng gói và bán quần áo tại chợ Sapa. Ảnh: Nikkei Asian Review
Theo báo cáo mật của Bộ nội vụ Czech, tội phạm gốc Việt góp mặt ngày càng lớn vào các hoạt động phi pháp khác như trốn thuế hay giả mạo giấy tờ lên tới hàng tỷ USD.
"Băng nhóm gốc Việt thống trị giới tội phạm gốc Á tại Czech. Chúng hoạt động ổn định, trở thành trung tâm quyền lực do những tên trùm khét tiếng điều hành", hãng thông tấn nhà nước Ceska Tiskova Kancelar trích báo cáo.
Người Việt Nam tới Czech theo diện lao động trước khi Tiệp Khắc tách thành Cộng hòa Czech và Slovakia năm 1993.
Sau khi Liên Xô tan rã, nhiều người lựa chọn ở lại Czech và trở thành cộng đồng thiểu số lớn nhất tại quốc gia này. Đa số mở cửa hàng bán buôn và bán lẻ.
"Đầu những năm 2000, một số chuyển từ buôn nước hoa và giày nhái sang buôn lậu thuốc lá cũng như cần sa", Jindrich Voboril, điều phối viên chương trình phòng chống ma túy quốc gia Czech cho biết.
"Tôi cho rằng nhóm người này đã chuyển sang buôn các loại thuốc ma túy khác, đặc biệt là ma túy đá, vì nó đang là 'mốt' ở châu Á và bắt đầu lan rộng ra thế giới", ông Voboril nói.
Các hoạt động kinh tế sôi nổi trong khu vực khiến nhu cầu ma túy tăng nhanh.
Theo báo cáo Thị trường Ma túy châu Âu năm nay của EMCDDA, các băng nhóm gốc Việt đã đủ sức xây dựng mạng lưới phân phối khắp châu Âu.
"Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và phân phối ma túy đá tại Cộng hòa Czech, các băng nhóm gốc Việt còn can dự vào hoạt động buôn bán và phân phối ma túy đá ở một số nước EU cũng như một loạt hoạt động phi pháp khác, bao gồm sản xuất cần sa, tổ chức nhập cư trái phép và buôn người", trích báo cáo của EMCDDA.
Các tờ tuyên truyền bài trừ ma túy của cộng đồng người Việt ở Czech. Ảnh: Nikkei Asian Review
Nhằm thay đổi định kiến của người bản địa với cộng đồng người Việt, các tổ chức Việt kiều ở địa phương đã phối hợp với chính phủ triển khai chiến dịch "Bài trừ ma túy" từ năm 2013.
Mục tiêu của chiến dịch là khiến cộng đồng chủ động hơn trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy bằng việc thiết lập các đường dây trình báo nặc danh.
Tuy nhiên, định kiến về cộng đồng người Việt trong mắt người bản xứ vẫn chưa được cải thiện, trong khi báo chí tiếp tục đổ dầu vào lửa, liên tục đưa tin về chủ đề này, theo đánh giá của Marcel Winters, chủ tịch Hội liên hiệp Czech-Việt Nam.
"Chỉ có vài chục tội phạm gốc Việt dính dáng tới ma túy", ông nói.
"Phần lớn người Việt Nam ở đây sinh sống, học tập và làm việc theo pháp luật. Họ hoàn toàn không dính dáng tới sản xuất hay buôn bán ma túy mà thực tế còn lên án nó".
Nguồn: Hồng Hạnh
VnExpress/ Nikkei Asian Review