Sau tết, tôi được người bạn ở Đức gửi cho xem loạt hình ảnh bà con ta ở Aachen – thành phố Đức gần biên giới Hà Lan, Bỉ – sinh hoạt mừng xuân Canh Dần.
Hình ảnh của tác giả Lê Chín rất vui, rất “hoành tráng” ẩm thực, ca múa... với sự tham gia đông đảo của dân ta lẫn dân Tây. Nhưng động cơ khiến tôi viết mấy dòng này lại bắt đầu từ một tiểu tiết. Đó là những “lá cờ chữ” cắm trên các món ăn, ghi thành phần của món bằng tiếng Đức.
Nhìn những lá cờ be bé trong ảnh, tôi thấy thán phục các đồng hương ở Đức, giật mình tự hỏi tại sao chỉ một chi tiết thiết thực, nhỏ xíu, dễ làm như vậy mà nhiều chục năm nay ở Pháp không ai để ý? Ẩm thực Việt Nam vốn nổi tiếng, nên hầu hết mọi cuộc lễ dân tộc ban tổ chức đều cho bán thức ăn, đặc biệt những cuộc lễ có khách Tây tham dự. Nhiều món ăn ta nhìn rất đẹp, nhưng cái nội dung “bí ẩn” bên trong khiến người Tây ái ngại, hoặc bỏ đi, hoặc hỏi han trong đó có gì. Và khi này không phải người – đứng – bán nào cũng có thể trả lời chính xác, gây tin cậy.
Những lá cờ chữ nho nhỏ này quả là sự tinh nhanh, chuyên nghiệp, rạch ròi (theo kiểu Đức) trong buôn bán. Tôi tin doanh số ở các chợ lớn trong nước - nơi thường xuyên có khách ngoại quốc - sẽ tăng, nếu trên mỗi món ăn chế biến của chúng ta, có những “lá cờ” như vậy.
H.Linh.