Từ thành phố Homburg (CHLB Đức), dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hà kể về câu chuyện đi đăng kiểm ô tô tại Đức và những cảm nghĩ của mình về đăng kiểm ở Việt Nam.
Đọc các bài báo “Tôi đi làm kiểm định ô tô” và “Điều chẳng ngờ khi tôi đi kiểm định ô tô cho vợ” cùng nhiều bài khác trên VietNamNet, tôi không thể không nói rằng, đi đăng kiểm xe ô tô ở Việt Nam cực khổ quá.
Tại Đức, ô tô là phương tiện giao thông chính với hàng chục triệu xe, gấp nhiều lần Việt Nam về số lượng nhưng chưa bao giờ có cảnh người dân phải xếp hàng chờ 3 ngày đêm để đăng kiểm.
Ngay trước một trung tâm đăng kiểm ở thành phố Homburg có tấm biển ghi: “Kiểm định không cần hẹn trước”, nhưng tất cả mọi người mang xe đến đăng kiểm, đều đã đặt lịch hẹn. Ảnh người viết cung cấp.
Khi mang xe đi đăng kiểm vào sáng ngày 14/3 vừa qua, tôi cũng đã đặt lịch hẹn trước. Cho dù ngay trước trung tâm đăng kiểm có tấm biển ghi rõ: “Kiểm định không cần hẹn trước”, nhưng tất cả mọi người mang xe đến đăng kiểm, đều đã đặt lịch hẹn và đến nơi được đón tiếp rất chu đáo.
Từ nhà tôi tới trạm đăng kiểm khoảng 3km, đi mất 5 phút, đến nơi tôi được nhân viên đăng kiểm chờ sẵn. Đưa giấy tờ xe và chìa khóa, anh ta trao cho tôi voucher là 1 tách cafe miễn phí ở tiệm cafe kế bên, rồi dặn sau 30 phút nữa trở lại nhận xe.
Ngồi nhâm nhi cafe quan sát mọi người đến đăng kiểm, tôi thấy đều được các nhân viên đón tiếp chu đáo, không phải xếp hàng, xe vào, xe ra rất trật tự, do nhân viên trung tâm đăng kiểm thực hiện. Mọi người mang xe đến đây đều vui vẻ, thoải mái, không ai bị căng thẳng mệt mỏi, hay lo lắng gì. Chờ đúng 30 phút, tôi ra khỏi quán cafe, thấy xe của mình nằm ở bãi đỗ bên ngoài, mọi việc đã xong.
Trong lúc chờ đăng kiểm xe. Ảnh người viết cung cấp.
Xe của tôi là chiếc Nissan loại bình dân, mua cách đây 10 năm rồi, có giá tương đương với khoảng 300 triệu đồng tiền Việt. Sau 2 năm đầu được miễn kiểm định, cứ theo định kỳ hai năm lại đi kiểm định một lần, không cần biết xe đó sản xuất năm bao nhiêu. Lần kiểm định trước, cách đây 2 năm xe không có vấn đề gì cả. Lần này thì nhân viên đăng kiểm cho biết, ánh đèn chiếu quá thấp nhưng họ đã chỉnh giúp tôi rồi. Còn bánh xe phía trước bên phải chưa cân lắm, nên họ viết giấy trong vòng 1 tháng tôi phải mang ra tiệm sửa xe để sửa. Không hề bị từ chối đăng kiểm. Chi phí cho lần đăng kiểm này hết 144 Euro.
Ở Đức ngay cả khi xe quá hạn đăng kiểm cũng được xử lý theo lộ trình. Cụ thể chậm đăng kiểm dưới 2 tháng, chủ xe chỉ bị nhắc nhở, từ 2 đến dưới 4 tháng phạt 15 euro, từ 4 đến dưới 8 tháng phạt 25 euro, trên 8 tháng phạt 60 euro và bấm 1 lỗ vào giấy phép lái xe.
Với ô tô, độ an toàn không mất đi ngay khi hết hạn kiểm định. Kỹ thuật cơ khí chính xác không phải là thức ăn, quá hạn là không sử dụng được nữa. Tại Đức luật không đưa ra quy định phạt chậm đăng kiểm ngay sau khi hết hạn như ở Việt Nam.
Tôi dám chắc rằng tiêu chuẩn về an toàn của Đức cao hơn của Việt Nam, vậy mà người ta còn quy định như thế. Điều này rất thuận lợi cho người dân. Người ta tính đến cả những tình huống như người dân có việc bận, phải đi công tác xa, đi du lịch, hay bị ốm đau… không thể mang xe đi đăng kiểm đúng hạn.
Theo tôi biết, ở Việt Nam định kỳ đăng kiểm ô tô rất nghiêm ngặt, xe mới cũng phải đăng kiểm. Định kỳ đăng kiểm lần đầu có thời hạn 2,5 năm, sau đó giảm xuống còn 1,5 năm, rồi từ năm thứ 7 trở đi là 1 năm và từ năm thứ 12 trở đi chỉ còn có 6 tháng. Tuy nghiêm ngặt là vậy nhưng với việc các trung tâm đăng kiểm vòi vĩnh, nhận hối lộ để bỏ qua lỗi thì “sự nghiêm ngặt” chỉ mang tính hình thức và chỉ làm người dân thêm khổ mà thôi.
Cơ quan công an đang vào cuộc và ngày càng lôi ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực của các trung tâm đăng kiểm. Nhiều đăng kiểm viên bị bắt, nhiều trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động. Điều này đang gây ra tình trạng thiếu các trung tâm đăng kiểm, thiếu đăng kiểm viên, khiến cho hoạt động đăng kiểm xe bị ách tắc.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất lúng túng, bị động trong giải quyết vấn đề này, không chuẩn bị sẵn những phương án ứng phó từ trước. Dù đã có những cảnh báo ngay từ đầu vụ việc, vậy nhưng mấy tháng đã qua, vẫn chưa đưa ra giải pháp nào hiệu quả, trong khi tình trạng ách tắc ngày càng tăng và người dân cứ phải gánh chịu hậu quả. Chỉ cần luật giao thông có quy định về lộ trình cho xe ô tô quá hạn đăng kiểm như ở Đức thôi, có lẽ đã chẳng xảy ra tình trạng căng thẳng đến vậy.
Đa số những người sử dụng ô tô ở Việt Nam hiện nay đang trong độ tuổi lao động, đều làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hoặc làm nghề vận tải. Thử hỏi 1 nhân viên hành chính thuộc cơ quan nhà nước phải bỏ ra 3 ngày đêm để đi đăng kiểm xe thì phần việc của anh ta ở công sở ai sẽ đảm trách, với nhân viên làm việc tại doanh nghiệp cũng tương tự, còn với một xe chở khách mà chủ xe phải chờ 3 ngày đêm để đăng kiểm thì người ta kiếm sống bằng gì?
Không những thế, do hiệu ứng lan tỏa, chắc chắn sẽ có nhiều người khác, dù không trực tiếp tham gia đăng kiểm, cũng phải gánh chịu hậu quả, bởi có công việc liên quan đến những người đi đăng kiểm xe. Đã có thống kê nào về con số thiệt hại khi các chủ xe phải bỏ ra quá nhiều thời gian để đăng kiểm xe mà không làm việc chưa? Thiệt hại đó với xã hội ra sao?
Sẽ thật hạnh phúc nếu đất nước có một nền hành chính vì người dân. Thay vì bức xúc là những niềm vui thì trongi mọi công việc khác người dân cũng sẽ làm hết sức mình.
Nguồn: VietNamNet