Người bạn vĩ đại của tôi trong cuộc đời này – không ai khác chính là bố.
Thật vậy, với lòng biết ơn vô hạn, tôi lúc nào cũng thầm mong bố mạnh khỏe để sống với tôi thật lâu và để tôi có đủ thời gian báo hiếu bố. Năm tôi học lớp 7 …
Năm tôi học lớp 7 thì mẹ tôi đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức.
Nhiều năm trời, tối sống với bố. Hai bố con tôi ở trong một căn hộ tập thể trên tầng 3. Trường tôi học cách nhà khoảng 7km.
Thời đó, xe máy còn hiếm lắm và chỉ nhà nào thật giàu mới mua nổi.
Tất nhiên nhà tôi không thuộc diện đó. Tôi còn nhớ, sáng sáng, bố lại dắt chiếc xe đạp cà tàng xuống đường, tôi đi đằng sau, bám vào đuổi xe.
Bố chở tôi đi học rồi lại vội vã đạp xe từ phố Lò Đúc tới tận Giảng Võ để đi làm.
Thương bố, tôi lúc nào cũng sợ mình béo lên.
Tôi nghĩ rằng mình càng nặng thì bố càng vất vả. Vì thế, vào bữa cơm, tôi ăn rất ít, chỉ đá gà đá vịt một bát cơm nho nhỏ rồi lấy cớ no mà buông đũa.
Tôi càng làm thế, bố lại càng lo hơn. Bố đã hứa với mẹ trong thời gian mẹ đi vắng, ông sẽ nuôi tôi khỏe, dạy tôi ngoan?
Một thời gian sau, bố tôi tha về nhà nào đài, quạt, máy bơm nước cũ.
Rồi tối nào bố cũng thức tới gần sáng lọ mọ sửa sửa chữa chữa.
Thì ra, bố nghĩ rằng lương bố không đủ để mua cho tôi những món ngon trong bữa cơm nên tôi không ăn được.
Ông bèn nhặn sửa chữa đồ điện tử (bồ tôi khéo tay lắm, ông không học qua trường lớp nào nhưng có thể sửa rất nhiều đồ) để kiếm thêm. Thế là, cứ mấy hôm, bố lại mua cho tối nào giò, chả, thịt quay.
Vài tuần ông lại tha về hộp sữa bột có in hình em bé và chú gấu rất ngộ nghĩnh.
Nhìn bố vất vả, tôi òa khóc vì thương bố.
Tôi thú nhận hết “âm mưu” của mình rằng tôi không chê cơm bố nấu đâu. Với tôi, những gì bố làm cho tôi đều tuyệt vời hết. Chỉ có điều tôi sợ mình tăng cân sẽ làm bố khổ mỗi khi đèo tôi tới trường.
Nghe vậy, bố òa khóc.
Đôi mắt của bố – tôi tưởng sẽ không bao giờ khóc – vậy mà lúc đó nhạt nhòa nước mắt. Rồi bố ôm chặt tôi vào lòng. Bố cảm ơn tôi đã thương bố.
Những bố khẳng định: Không chỉ bây giờ mà 5 năm, 10 năm nữa, khi tôi đã thành người lớn thì bố cũng luôn muốn đèo tôi như vậy.
Cơ quan của bố ở xa trường tôi nên chiều chiều, tôi thường là đứa phải ra về muộn nhất. Tôi còn nhớ phải một tiếng sau khi tan trường mới thấy bố đạp xe tới.
Sợ tôi gặp nguy hiểm, bố dặn tôi phải ngồi trong phòng thường trực chờ bố. Tôi ngoan ngoãn làm theo.
Khi hai bố con đèo nhau về thì trời đã tối sẩm. Sợ bố buồn, tôi ngồi sau xe cứ luyên thuyên bịa ra bao nhiêu câu hỏi để nhờ bố giải đáp.
Nào thì tại sao mặt trăng lại sáng thế, tại sao trên trời lại có nhiều sao. Có câu bố biết thì giải đáp cho tôi rất nhiệt tình, có câu bố bảo… bố chịu.
Tôi cứ nghĩ vậy sẽ khiến con đường bớt xa. Nhưng, về sau, tôi mới hiểu rằng, bố đạp xe đi mấy chục km đã mệt lắm. Tôi càng hỏi nhiều, bố càng phải nói nhiều thì càng mệt hơn.
Một năm sau, tôi bắt đầu phải học nhiều để chuẩn bị chuyển cấp. Các lớp học ở xa nhau nên bố càng phải đón đưa tôi nhiều. Ngày cuối tuần, bố cũng không được nghỉ. Sáng bố đèo tôi lên học lớp ở Bờ Hổ, chiều lại lên khu Hai Bà Trưng.
Đưa tôi đến lớp, bố thường ngồi ở ngoài chờ tôi. Dù có chờ bao lâu cũng không bao giờ thấy bố phàn nàn, ca cẩm.
Bố bảo bố mong tôi học giỏi, bố có phải hy sinh nhiều thế nào chăng nữa cũng được. Hồi đó tôi đã không hay rằng vì tôi mà bố bỏ lỡ cả cơ hội thăng tiến.
Cơ quan của bố có ý định cất nhắc bố lên làm chánh văn phòng. Nhưng, bố hiểu rằng, đảm nhiệm công việc “bếp núc” của cơ quan sẽ như con mọn, bố không thể có thời gian đưa đón tôi được nữa. Thế là bố viết đơn, xin làm “lính trơn” thôi.
Bao nhiêu người biết chuyện cứ trách bố mãi.
Có người còn bảo bố dại lắm, làm ở vị trí đó có khả năng “xà xẻo” được sẽ dư ra khối tiền. Tôi lớn rồi, mua cho tôi cái xe để tôi tự đi việc gì mà phải lo đưa đón.
Nhưng, trong mắt bố, tôi vẫn còn nhỏ dại. Bố bảo để tôi đi một mình bố không yên tâm.
Nhỡ có gì bất trắc xảy ra thì bố sẽ ân hận cả đời. Hơn nữa, bố tôi quan niệm sống trung thực. Bố không bao giờ nhận làm gì chỉ vì vị trí đó có lợi nhuận.
Mẹ tôi ở nước ngoài – sau một thời gian cũng bắt đầu tích cóp được chút vốn gửi về.
Trong thư, mẹ dặn bố không phải tiết kiệm, cứ lấy tiền ra tiêu.
Nhưng, bố tôi không bao giờ mua gì cho riêng mình. Bố chỉ sống bằng đúng đồng lương của bố. Nếu không đủ thì bố làm thêm để nuôi tôi. Bố dặn mẹ cũng không phải nghĩ cho bố.
Ở bên Đức có gì đẹp thì chỉ cần mua về cho con gái thôi.
Tiền của mẹ, bố đem gửi vào tiết kiệm, không hao mòn một xu.
Nhờ công sức của cả bố và mẹ mà sau này, nhà tôi có tiền để đổi sang căn nhà mới khang trang hơn thay vì ở mãi nhà cũ sập sệ.
Có một lần, nhà tôi đón một người khách.
Khi người này ra về, tôi thấy bố còn trầm ngâm mãi.
Sau đó ông bà nội tôi đến nhà hỏi han gì đó bố.
Tôi nghe lỏm câu chuyện, lờ mờ hiểu ra có người bắn tin mẹ tôi ở bên đó có lối sống không lành mạnh nên mới có tiền gửi về.
Bà nội tôi bức xúc, bảo bố tôi điều tra, nếu cần thì chia tay với mẹ luôn để giữ danh giá cho dòng họ.
Tôi nghĩ thôi thế là gia đình mình tan tành đến nơi.
Ngờ đâu, cho đến tận khi mẹ tôi về nước, vẫn không thấy chuyện gì. Thì ra bố tôi tin tưởng mẹ. Bố bảo bố là chồng của mẹ nên rất hiểu tính mẹ.
Chỉ có thể là người nào đó đặt điều vì ghen tị chứ không bao giờ mẹ cư xử như vậy. Bố giấu kín chuyện đồn thổi về mẹ, còn viết thư sang cho mẹ để động viên.
Sợ tôi lo lắng, bố lúc nào cũng bảo với tôi phải biết ơn mẹ. Mẹ tôi phận đàn bà con gái mà phải bươn chải ở xứ người vất vả lắm.
Còn bố, dù có làm bao nhiêu đi chăng nữa cũng chẳng thấm tháp là bao.
Gia đình tôi bền vững chính là nhờ sự vững dạ của bố. Từ đó, tôi càng cảm phục lối đối nhân xử thế của bố và hiểu rằng bố yêu mẹ và con gái rất nhiều.
Ở nhà, tôi yêu cả bố lẫn mẹ. Nhưng tình yêu tôi dành cho hai người có phần khác nhau.
Với mẹ, tôi thường thủ thỉ chuyện tâm tình con gái. Tôi rủ mẹ đi mua áo quần, tâm sự với mẹ chuyện yêu đương.
Bố lại là người giúp tôi định hướng những việc hệ trọng trong đời. Chẳng hạn tôi nên thi vào trường đại học nào, xin làm ở đâu.
Hồi tôi thi đại học, mẹ tôi sốt ruột, suốt ngày lo nấu nướng để tôi ăn tẩm bổ mà học cho tốt. Bố tôi thì chỉ nói với tôi một câu: Con cứ bình tĩnh. Thi đỗ là tốt nhưng không đỗ cũng không sao.
Trong mắt bố, con vẫn là người con tuyệt vời. Chỉ một câu đó của bố thôi mà tôi như trút được cả tấn lo lắng trong lòng.
Tôi thấy nhẹ lòng vì thực sự, lúc nào tôi cũng sợ mình không xứng đáng với tình yêu của bố.
Hôm tôi đi thi, bố là người đưa đón tôi. Bố ngồi ở ngoài chờ tôi đủ 3 tiếng.
Thi môn đầu tiên, tôi làm bài không tốt. Ra khỏi phòng thi, thấy bố, tôi òa khóc nức nở.
Bố chẳng trách tôi còn bảo: Chẳng sao cả. Con mà làm tốt hết thì hóa ra thủ khoa à.
Con mà thủ khoa thì bố ngượng chết. Bố đùa vậy và động viên tôi đừng nản. Kết quả, tối đã cố gắng làm tốt hai môn còn lại và đỗ điểm khá cao.
Ra trường, tôi được nhận vào làm ở một cơ quan nhà nước.
Tôi nhớ hồi đó, tìm được việc khó lắm, ai vào được rồi thì phải cố mà giữ cho chặt. Tôi đi làm, chứng kiến nhiều chuyện bất công.
Tôi muốn nói lắm nhưng sợ làm vậy thì sẽ bị trù dập. Chẳng biết làm sao tôi đem ra hỏi bố. Bố tôi bảo: Sống ở trên đời phải thẳng thắn.
Nếu con bảo vệ lẽ phải thì bố sẽ ủng hộ con. Kết quả, tôi đã trở thành một con người rất công tâm.
Tôi không cậy thế mà bắt nạt nhân viên mới nhưng cũng không quỳ gối, luồn lách cấp trên. Tôi nhớ đến lời bố, sống hết mình và làm việc hết mình. Tôi không bao giờ kêu khó kêu khổ.
Rồi tôi có người yêu. Mẹ tôi nhìn thấy bạn trai tôi lần đầu tiên thì hết lời chê bạn tôi da đen, vụng về.
Mẹ tôi bảo tối cố kiếm chàng trai Hà Nội mà yêu chứ yêu người ở tỉnh ngoài, gia đình lại nghèo thì khổ lắm.
Trong khi đó, quan điểm của bố lại khác hẳn. Bố tôi không chú ý đến vẻ bề ngoài của người yêu con gái.
Ông lại bảo bạn trai tôi chăm chỉ, có chí hướng sau này sẽ là chỗ dựa tốt cho tôi. Ông cũng bảo chúng tôi hãy tự mình lo liệu cuộc sống, đừng có ỷ lại vào gia tài của bố mẹ.
Tôi nghe lời ông. Vài năm sau, chúng tôi kết hôn. Chồng tôi bây giờ quả đã không làm tôi phải ân hận. Anh không nề hà việc gì, cứ làm gì tốt cho vợ con, gia đình là anh làm.
Chồng tôi có ý chí học tập. Đi làm rồi mà tối tối vẫn đăng ký học thêm văn bằng thứ hai. Anh cũng là người hiếu thảo, biết ứng xử với gia đình hai bên.
Bây giờ, chồng tôi đã được cử làm quản đốc phân xưởng và luôn được người thân, bạn bè, đồng nghiệp quý mến.
Cuộc sống của vợ chồng tôi tất nhiên còn nhiều vất vả, nhưng, mỗi khi tôi mệt mỏi, bố tôi lại ở bên động viên. Bố bảo có khó khăn thì vợ chồng mới gắn bó, mới hiểu lòng nhau.
Suốt cả đời, bố tôi đã sống rất giản dị và lúc nào cũng nghĩ cho các con trước khi nghĩ cho bản thân mình. Bố chính là người bạn vĩ đại của cuộc đời tôi. Tôi yêu quý và kính trọng bố.
Theo Đời sống gia đình