Người yêu nhạc Việt Nam những năm 60,70, 80 của thế kỷ XX không ai không mến mộ giọng hát Kiều Hưng, dẫu ngày đó chỉ nghe qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ rất ít người được xem ông biểu diễn, được nhìn thấy gương mặt nghệ sĩ...
Một ngôi sao lưu lạc
Ba mươi năm hát, giọng ca ông ở lại với lòng người yêu mến, như một huyền thoại âm nhạc ghi dấu vào lịch sử, trong khi, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành lưu lạc xứ người...
Giờ đây đối diện với ông, lòng tôi trào dâng niềm thông cảm, tiếc nuối cho cuộc đời ông, từ một nghệ sĩ hàng đầu bỗng dưng thành người bơ vơ.
Ca sĩ Kiều Hưng lúc trẻ
Tôi thương một ngôi sao lưu lạc...
Đang ngồi với ông trong một chiều lạnh, bỗng đâu các fan hâm mộ từ khắp nơi hẹn nhau ập đến. Mất toi buổi trò chuyện. Lần thứ hai tôi đến lại cũng vậy. Ngắt quãng giữa những câu chuyện của ông với người hâm mộ, tôi nhận ra rằng, đó cũng là một phần câu chuyện về cuộc đời ông. Hẳn rồi.
Tôi không hiểu nổi làm sao ông xa nước hai mươi năm vẫn có những con người mến mộ săn tìm ông đến tận bây giờ, mỗi lần ông về là y như chị Việt Bắc, vợ ông, bận tíu tít vì lo tiếp những vị... khách không mời... Hạnh phúc của một ca sĩ huyền thoại hay những ưu phiền đây, biết làm sao được?
Ông ngồi đó, giữa Hà Nội mà tâm trạng bơ vơ. Hai mươi mấy năm trước, tôi nghe nói Kiều Hưng sang Nga lao động xuất khẩu, rồi sau đó lại nghe nói sang Đức tị nạn(?). Người hát ấy ngỡ đã vào quên lãng, ngỡ tiếng hát huyền thoại ấy rồi phai lạt, nhưng không, khi người ta nghe những ca khúc trẻ chán ngấy với ca từ vô nghĩa, phong cách nhí nhố, bỗng lại nhớ ngày xưa...với những bài hát tuyệt hay, giai điệu thì quá đẹp với những giọng hát trăm năm đâu dễ có...
Giọng ca đẹp da diết, sâu lắng thiết tha, Kiều Hưng là một trong những ca sĩ huyền thoại, hát thành công xuất sắc những bài hát cách mạng kháng chiến và dựng xây đất nước một thời. Ngồi bên ông, nghe tâm sự của ông, tôi hiểu con người, dầu là một tên tuổi, một tài năng vẫn nhiều khi vẫn nổi nênh, lận đận... Cuộc đời con người có khi như chiếc lá bơ vơ giữa dòng đời. Và thân phận họ cần được sẻ chia tha thứ hơn là quay lưng, là trách giận...
“Tôi sinh ra trong một gia đình có bố là địa chủ bên bờ sông Nhuệ, thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ - Kiều Hưng kể - Con địa chủ nhưng vì bố mất sớm, mẹ tôi lại là vợ bé thứ 7 nên bị hắt hủi không khác gì người làm công. Mẹ phải làm hùng hục như một người thợ cấy, thợ gặt. Đến bữa ăn thì ăn cơm cùng thợ...
Lớn lên, Kiều Tất Hưng (tên đầy đủ của Kiều Hưng) được đưa lên Hà Nội học làm thợ may. Rồi đam mê ca hát đã đưa đẩy cuộc đời như là số phận. Hát thật hay từ lúc thiếu niên các làn điệu ca trù, cả bài Làng tôi của Văn Cao cùng các anh chị du kích chống Pháp. Lớn lên đi thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam bị đánh trượt, mà không hiểu lý do.
Rồi Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương tuyển diễn viên, Kiều Hưng được nhận làm hợp xướng viên kiêm đánh giày và là quần áo cho diễn viên”- Kiều Hưng kể:
-“Năm nay là đã năm mươi năm tôi hát Bài ca trên núi. Đảm nhận hát cho bộ phim lúc đầu là anh Vũ Chất. Nhưng khi nghe tôi hát bài này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương bảo: Kiều Hưng hát hay lắm, gần hơn với âm hưởng dân ca Mông.
Thế rồi tôi được chọn hát cho bộ phim ấy. Nhưng bài hát ngắn quá, đoạn lời một bài hát là của nhà văn Tô Hoài. Tôi về đặt thêm lời hai, lời ba. Sau này, anh Nguyễn Văn Thương bảo tôi: Hưng có muốn đứng tên cùng trong phần lời bài hát không?
Tôi nói ngay: Có mấy câu thôi mà anh. Chả cần phải thế đâu…Lúc phim công chiếu rạp Tháng Tám, lần đầu đi xem, tôi được nghe mình hát.
Anh La Thăng hỏi: Thằng nào hát hay thế? Rồi ông thợ cạo “chửi”:
Phim Vợ chồng A Phủ không biết thằng nào hát hay thế? Bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thính giả khắp nơi gửi thư yêu cầu và khen ngợi...Từ lúc đó, tôi mới được hát đơn ca...”.
Kiều Hưng -Thu Hiền.
Và cũng từ đó, cuộc đời người đàn ông hát bắt đầu một hành trình dài ba mươi năm với tài năng và tâm huyết, rất nhiều ca khúc được cất lên với tất cả sự ngọt ngào đắm say bằng chất giọng nam cao để lại ấn tượng khó phai. Tôi nhớ có một thời người ta đồn đoán rằng người hát hay thế mà nghe nói mặt có vấn đề, rõ tội nghiệp.
Nhưng ông đâu có vẻ mặt “Trương Chi” như vậy. Nhiều cô gái trẻ mê giọng hát ấy, rồi trộm nhớ thầm yêu chàng ca sĩ có giọng hát mê hoặc trái tim người nghe có nghệ danh Kiều Hưng.
Ông kể: “Những giọng ca mới nổi hàng đầu thời ấy đều được chọn đi biểu diễn ở giới tuyến Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng. Những chuyến đi ấy làm tăng thêm ý nghĩa cuộc đời, khi được hát cho đồng bào đồng chí giữa chiến hào, trong bom đạn... Rồi ông cũng gặp may mắn được cử sang Liên Xô đào tạo tại Nhạc viện Kiép cùng khóa với ca sĩ Trung Kiên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Trần Thu Hà…
Trở về Việt Nam, Kiều Hưng tiếp tục cống hiến cho nền ca nhạc cách mạng bằng tiếng hát bẩm sinh và trình độ học vấn chuyên nghiệp. Giọng ca Kiều Hưng đang độ chín và ông nổi lên như một ngôi sao trên bầu trời âm nhạc thời ấy.Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người; Tiếng hát thành phố mang tên người, Âm thanh ngày mới, Rặng trâm bầu, Tình ca...
Ca sĩ Kiều Hưng ở tuổi 74
Những ca khúc làm say đắm lòng người qua giọng hát huyền thoại Kiều Hưng. Tình ca được chọn là bài hát hay nhất các nước không liên kết... Hàng trăm bài hát lên sóng và Kiều Hưng thành một tên tuổi hàng đầu khi ông kết hợp chất dân ca với âm nhạc bác học. Nhưng vào tuổi 50, bỗng dưng không được hát vì người ta muốn... trẻ hóa đội ngũ ca sĩ. Vậy là Kiều Hưng tiếp tục lận đận với nghiệp ca hát. Xin việc gì, ở đâu, khi không được hát? Đến đi dạy hát ở Trường Âm nhạc Việt Nam cũng có lời ra tiếng vào, không ai muốn nhận. Con chim sơn ca mà không được hót thì không biết sống ra sao. Và mấy anh em nghệ sĩ, toàn những tên tuổi một thời kéo nhau vào Nam, nơi được xem là miền đất hứa. Lại đi hát, đi diễn và ăn ngủ vật vờ tạm bợ.
Rồi cơ duyên đến khi một người bạn cũ là chị Ca Lê Hồng, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật sân khấu 2 tại TP HCM nhận Kiều Hưng về dạy lớp tại chức thanh nhạc. Nhưng rồi vợ ông trúng tuyển đi nghiên cứu sinh ở Nga. Cho các con sang chơi thăm mẹ, Kiều Hưng muốn tiếp tục học thêm để về làm công tác giảng dạy. Vậy là ở lại Nga…
Nói là đi Nga nhưng nghệ sĩ hồn nhiên thì biết làm gì để kiếm sống nơi xứ tuyết? Lại lang bạt kỳ hồ đi hát cho cộng đồng người Việt ở đó, rồi cùng với vợ chồng nhạc sĩ Tôn Thất Triêm và Xuân Thanh lập nhóm biểu diễn.. Lớ ngớ đi thi âm nhạc quốc tế. Rồi từ Phần Lan sang Đức thăm người nhà bị kẹt lại sân bay vì hộ chiếu Nga hết hạn…
Không thể về thẳng Việt Nam, cũng không thể trở lại Nga, ông phải xin tị nạn tại Đức. Đi mắc núi, về mắc sông, đành chấp nhận sự đưa đẩy của số phận. Mười năm lưu lạc ở Đức, làm đủ nghề, cả thợ làm bánh kẹo và vẫn đi hát khi có dịp…Và trong những ngày tháng ảm đạm ấy, tại quê nhà nhiều đồn đoán bất lợi đưa về.
Nhưng Kiều Hưng phủ nhận hết. Nỗi oan cùng với đoạn trường lưu lạc làm ông có lúc ngỡ gục ngã. Nhưng ông đã đứng thẳng, đã sống như bản tính của mình và chứng minh một Kiều Hưng cả đời chỉ biết... HÁT.
Lang bạt trời Tây, trong những năm tháng cô đơn lưu lạc, ông bắt đầu viết nhạc. Gần ba chục bài hát ra đời trong những năm gần đây cho thấy người ca sĩ ấy vẫn còn sống trong những giai điệu quê nhà. Ông kể: “Tôi viết để giải bớt sự trống vắng, thiếu hụt tình cảm quê hương. Đặc biệt bài Nhớ quê được viết bởi chính nỗi lòng người con xa quê, đau đáu nỗi niềm mỗi khi nghĩ về xứ sở… Rồi bài Ghen phổ thơ của Nguyễn Bính, Màu tím hoa mua thơ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc...”.
Đêm 20/2/2012, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức chương trình “Những ngôi sao sáng mãi”, Kiều Hưng xuất hiện trong tiếng vỗ tay cổ vũ ngỡ không bao giờ dứt của người mến mộ. Ông chầm chậm bước ra sân khấu với đôi chân yếu mỏi sau bao nhiêu đoạn trường phiêu bạt.
Và giờ đây ông lại hát Bài ca trên núi của Nguyễn Văn Thương trong phim Vợ chồng A Phủ, Bài ca cây lúa, Rặng trâm bầu với Thu Hiền... Ông hát cho đỡ nhớ sân khấu một thời, khán giả một thời, chứ giọng đã yếu, hơi đã hụt sau những lận đận kiếp người và bạo bệnh. Và tôi nhìn thấy từ đôi mắt ông có những giọt nước. Kiều Hưng cảm động trước tấm tình khán giả, hay ông khóc cho đời mình?
Trở về, hay bơ vơ xứ lạ?
Câu hỏi đó giày vò trái tim ông bao nhiêu. Ông đã trả giá cho sự hồn nhiên lơ đãng nghệ sĩ của mình bằng cả cuộc đời cống hiến khi ngày về không còn hồ sơ hay chế độ chính sách gì… Lẽ nào ông chưa thể kết thúc quãng đời lưu lạc?
NSƯT Kiều Hưng và ca sỹ Trọng Tấn trong liveshow vừa diễn ra vào tối 20/9/2014 ở Hà Nội. Ảnh: Hà Tùng Long
Ước nguyện cuối cùng của ông là được trở về, dẫu muộn mằn. Không còn lên được sân khấu, thì về với đất mẹ cũng là về. Nhưng sao đường về khó khăn dài quá đỗi.
{youtube}vVzKA1V9A98{/youtube}
Ông tâm sự: Bây giờ già lại bệnh. Đi dạy nhạc là không khả thi. Nguyện vọng về hát lại đã hết. Hát lại và thu âm giọng hát của mình gần như cũng rất khó vì sau bạo bệnh, sức tàn giọng yếu… Thôi thì về với quê mẹ là yên lòng, để viết nhạc và ra album cá nhân như một nỗ lực cuối cùng cho cuộc đời.
Bây giờ ông trở về sau bao nhiêu những biến cố cuộc đời với những khúc buồn mang tên số phận, để được hưởng một cái Tết ấm áp bên người thân, bạn bè, người hâm mộ...
Đất mẹ đang rộng vòng tay đón cả những người con lầm lạc trở về, thì với một người nghệ sĩ bỗng nhiên lưu lạc như Kiều Hưng, sao không dành cho ông ấy những vòng tay ấm áp?
Tài năng nghệ thuật rất hiếm và thật mong manh. Tôi thầm tiếc cho ông, thương quãng đời lưu lạc chưa chấm dứt của một tài hoa.
Chia tay ông, tôi chỉ biết nói rằng: Anh hãy hồi hương, dẫu về là có thể cực khổ vì không còn có chế độ chính sách gì cho anh. Nhưng hãy về trong vòng tay người hâm mộ. Tôi tin anh sẽ thấy ấm áp và thanh thản hơn trước khi tạm biệt cõi đời, vốn lắm đau đớn, thị phi…
Theo Tân Linh
An ninh thế giới