Tôi có người bạn tên An. Thích lái xe lắm! Lên xe là mặt tươi hơn hớn như được về Việt Nam vậy, ngồi vào ghế xe cứ thảnh thơi như đấy mới là chỗ của mình trong phòng khách.
Mà An lái xe giỏi thật, lại trẻ khỏe nữa thành thử cứ ai đi cùng xe là nghiễm nhiên không phải lái.
Dù có chạy ngày hai nghìn cây số thì An cũng vẫn chấp. Vả lại An cũng không quen, không yên tâm khi người khác cầm lái, bảo:
- Lái xe là phải từ tốn. Em mà ngồi cạnh thằng nào hay thúc đít người ta, hay vào cua gấp quá là y như rằng mình cứ đạp phanh (tưởng tượng) mỏi cả chân.
Ngồi cùng xe nghe An giải thích tôi mới biết đường phố có những ngôn ngữ riêng của nó.
Chẳng hạn một xe vọt qua rồi đột nhiên tạt vào dền dứ trước mặt mình rồi lại vọt đi như dẫn dụ, thì An bảo "nó rủ mình đua". Mình nhường cho xe khác ra, họ nháy đèn hậu. An bảo "họ cảm ơn đấy".
An chạy nhanh nhưng ra vào hợp lý. Có lần trên đường cao tốc đi Berlin An bảo:
- Anh có thấy thằng BMW nó bám theo em mấy chục cây số rồi không?
Tôi nhìn ra sau thì quả thật, cứ An ra luồng ngoài thì xe đó ra theo, vào thì nó lại vào. Tôi ngạc nhiên hỏi thì An trả lời tỉnh bơ:
- Tại em chạy hay, nó thích quá!
Sau này có một lần chạy từ Hannover về Hamburg, vì kéo moóc nặng nên tôi cũng tìm một xe tải lớn có tốc độ thích hợp chạy núp đằng sau để nó cản hộ gió.
Suốt gần hai trăm cây số, hễ nó ra là tôi cũng ra, nó vào tôi cũng vào theo.
Chắc sau vài chục cây số cũng nhận ra mình chạy hay quá sao mà nó phối hợp với tôi rất ăn ý.
Đến nỗi về sau định ra nó chỉ cần nháy một nháy ra hiệu là tôi lập tức ra chắn luồng ngoài trước cho nó, vì dù sao xe tôi nhỏ vẫn cơ động hơn. Quả là chạy như vậy rất nhàn cho cả hai.
Chỉ có điều mới gần 200 km mà đã thành tập quán.
Còn cách Hamburg khoảng 20 km thì chia luồng.
Đáng lẽ cứ ở luồng ngoài chạy thẳng về Hamburg thì tôi lại tò tò theo nó chạy vào luồng trong đi Bremen.(Mà sao tôi lại cứ đinh ninh nó phải về Hamburg cơ chứ).
Chỉ muộn có vài chục giây thôi mà báo hại tôi phải chạy thêm mấy chục cây số mới có đường vòng lại.
Tôi thấy trên chiếc xe lưu thông ở Đức có một bộ phận không có thì thiếu, có thì thừa. Đó là cái còi.
Nếu như ai ai cũng còi thì chả ai nghe ai cả. Nhưng nếu mà mọi người đều lắng nghe thì lại chẳng ai còi.
Ở Đức người ta chỉ còi để nhắc nhở, chẳng hạn như đã đèn xanh mà xe trước còn mải tư duy tận đâu đâu.
Hoặc để cảnh báo những trường hợp vượt, tạt gấp gây nguy hiểm, hay chạy quá chậm làm cản trở lưu lượng giao thông.
Tôi chạy xe 20 năm rồi mà chắc chưa sử dụng còi tới 20 lần và chắc cũng chưa bị còi tới 20 lượt!
Nếu phải dán một câu lên kính sau xe thì mình sẽ viết gì?
Mỗi khi nhìn thấy những dòng chữ đằng sau xe trước tôi thường tự hỏi mình như vậy.
Frauen fahren besser …. mit dem Bus! - Phụ nữ lái xe tốt hơn nhưng với xe buýt chứ không phải xe này!
Bởi những dòng chữ ấy không chỉ làm ta bất giác mỉm cười quên đi trong chốc lát sự buồn tẻ và mệt mỏi của đường trường, mà còn ít nhiều bộc lộ tính cách của ông chủ xe nữa.
Chẳng hạn khi trên xe trước có dòng chữ: "Tôi phanh khi gặp thú vật", thì ngoài việc cảm nhận lòng trắc ẩn của người lái, ta còn phải lưu ý đến khoảng cách bởi vì anh ta có thể phanh bất tử bất cứ lúc nào.
Trong thành phố nhiều khi cả đàn vịt trời nghênh ngang kéo nhau qua đường làm cả một đoàn xe nối đuôi nhau chờ đã đành, mà ngoài đường cao tốc, trên những đoạn đường cắt qua rừng thỉnh thoảng có những chú hươu hoặc thỏ bắt chấp luật lệ phóng qua bạt mạng lại càng nguy hiểm.
Nhưng cũng ít ông có ngôn từ của nhà bảo vệ môi trường như ông này, mà phần lớn mọi người phát biểu một cách bình dân hơn.
Cũng là nhắc nhở việc giữ khoảng cách, một xe lại hài hước:
"Xin lỗi! Vì tao đi sát mày quá!".
Còn một xe khác với dòng chữ thật nhỏ:
"Nếu đọc được những dòng này tức là mày đã đi sát tao quá rồi!".
Một ông nữa lịch sự hơn:
"Đề nghị giữ khoảng cách, bởi vì chúng ta không quen nhau!".
Cũng có những xe cảnh báo về việc hạn chế tốc độ một cách đúng đắn:
"Công suất của xe không được phép lớn hơn cái đầu của người lái".
Nhưng phần nhiều tính đường phố vẫn thắng thế:
"Điều khiển 360 con ngựa (mã lực) này là một con lừa(!!!)".
Nếu bạn giật mình vì một bà đầm vượt quá nhanh thì lập tức được trấn an:
"Đừng sợ, tôi không đi nhanh hơn thần hộ mệnh của tôi đâu!".
Còn nếu bạn đang phóng bạt mạng mà thấy xe trước đề:
"Chạy như ăn cướp để làm gì? 230 km là đủ!" thì bạn phải dè chừng nhìn đồng hồ tốc độ xem bao nhiêu đã nhé!
Đấy là xe phân khối lớn. Còn các ông khỏe vừa thôi thì dọa:
"Cứ vượt đi, đuổi vui hơn!".
Nhưng "lắm chuyện" nhất vẫn là những ông nhỏ. Trên một chiếc Mini:
"Trước khi bị tai nạn tao đã từng là một xe cực lớn!".
Một ông khác dí dỏm:
"Mày có thể nhanh hơn, nhưng tao đi trước mày!".
Một ông khác lại "cùn":
"Tao có thể đi nhanh hơn, nhưng tao thích nghe tiếng còi của mày!".
Hoặc lì lợm hơn:
"Còi vô tác dụng, xe này được điều khiển từ Moskau (từ xa)!".
Trên một chiếc xe cho thuê: "Sao lại cưới? Mượn rẻ hơn chứ!".
Lại có những ông tỏ ra khôn ngoan: "Những người lái thích uống vang đỏ, vì khi thử máu sẽ không phát hiện được."
Một ông khác lại khuyến cáo: "Đừng có đi theo tao, tao cũng đang lạc đường đây!".
Còn trên một chiếc xe cũ, xấu ơi là xấu thì lại là:
"Nếu mày yêu cuộc sống của mày như tao yêu ô tô của tao thì đừng chạm tay vào!" ...
Phải nói tính hài hước lạ lùng của người Đức mà đâu phải dân nước khác có được.
Tác giả: nhạc sỹ Mai Lâm
trích đoạn trong "Từ xa Hà Nội", NXB Văn học, 10.2014