Sau 30 năm sống ở phố Lò Đúc từ thuở bé, nhà văn Lê Minh Hà theo chồng sang Đức định cư. Giờ đây trở lại, chị nói: “Tôi không coi Hà Nội là chốn về mà là chốn đến, khi đó Hà Nội rất thú vị”.
Nhà văn Lê Minh Hà có buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết Phố vẫn gió vào sáng 9/10 tại Hà Nội.
Coi là “chốn đến” cũng có nghĩa là Hà Nội ngày nay không còn quen thuộc như khi nữ nhà văn rời đi. Nhưng Lê Minh Hà chấp nhận Hà Nội đương đại đúng như nó đang là, thể hiện qua những người tài xế với chất giọng của đủ các vùng miền mà chị nghe khi ngồi taxi đi quanh Hà Nội.
“Họ nói giọng Xuân Trường, Hà Tây quê lụa, Hưng Yên… Họ sẽ dành cho Hà Nội những tình cảm mà tôi đang dành cho Hà Nội bây giờ. Hà Nội tồn tại trong những người đến với nơi này, sống và yêu nó, muốn nó là giá trị của số đông chứ không phải của riêng ai” – chị nói.
Nhà văn Lê Minh Hà và bìa cuốn sách “Phố vẫn gió”
Còn Phố vẫn gió ghi lại hình ảnh Hà Nội xưa cũ sau năm 1954 đã in hằn vào ký ức của Lê Minh Hà, theo nhận xét của nhà văn Nguyễn Trương Quý là “lãng mạn hóa những khung cảnh cũ kỹ, bê tha, bệ rạc của Hà Nội”. “Gió đã vàng rồi, nắng đã lạnh rồi, một chút mơ hồ se se da thịt. Nhưng phố phường vẫn sôi lịch xịch đủ thứ âm thanh” – những câu văn đầu tiên của Phố vẫn gió.
Còn nhà thơ Lê Anh Hoài nói cuốn sách là “một bảo tàng bằng ngôn từ về Hà Nội thời bao cấp”. Nhưng tác giả lại đính chính điều này, chị nói, thời bao cấp nên được ghi nhận khác nhau ở những vùng khác nhau, chị chỉ biết chuyện xảy ra ở Hà Nội chứ không thể viết về thời bao cấp ở Hải Dương hay các vùng lân cận. Cách dùng từ đúng hơn là thời đại trong cuốn sách là “thời hậu chiến”.
Trong sách, tác giả dựng nên hai thái cực đối lập Hà Nội cũ và mới qua hai hình ảnh tiêu biểu: những ngôi biệt thự sang trọng trầm lắng và những khu tập thể xấu xí, hỗn loạn. Nhân vật nữ chính tên Ngân là người thất vọng và đau khổ trước sự thay đổi của Hà Nội từ cũ sang mới. “Xung quanh tôi những mặt người hừng lên vì nỗi nhớ, râm ran chuyện cũ nhắc lại. Nhưng hỏi chuyện mới, tiếng nói cười lặng dần” – trích tác phẩm.
Có thể thấy, tính chất “mới” ở đây dừng lại ở các khu tập thể. Còn hiện tại, bộ mặt của Hà Nội đổi khác nhiều, các khu tập thể lại đã trở thành cũ. Hình thức của Hà Nội không ngừng được thay mới. Chuyện mới hôm nay sẽ là chuyện cũ của ngày mai.
Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962, từng là cô giáo dạy văn tại các trường trung học Đan Phượng và Hà Nội - Amsterdam. Từ năm 1994, chị chuyển đến sống ở Berlin, Đức. Trong buổi ra mắt sách, rất nhiều học trò của chị có mặt để chúc mừng cô giáo, bởi ngày trước, họ không chỉ trao đổi kiến thức mà còn chia sẻ tình yêu văn chương.
Hạ Huyền Thể thao & Văn hóa