Có lẽ từ giây phút đi trên chiếc cầu phao bắc ngang sông Hồng ấy, tôi mới chợt nhận ra em…

40 năm đã qua đi, nhưng trong tâm trí tôi chưa bao giờ phai mờ những hình ảnh của thời kỳ gian khổ nhất và cũng là đẹp nhất trong cuộc đời mình đó.

Từ Hà Nội đến Berlin: Một mình ngày cuối năm với dư âm “nỗi buồn chiến tranh” - 0

Chắc em cũng như tôi, không bao giờ có thể quên cái ngày 16/4/1972 ấy. Chúng mình đang tham quan di tích thành Cổ Loa thì bất ngờ nghe những tiếng nổ lớn rất gần. Thầy chủ nhiệm hối thúc cả lớp nhanh chóng trở về.

Tình cờ khi xuống cầu phao, anh (một trong những học trò vừa từ chiến trường trở về, được bổ sung vào các lớp 10 của trường  mình để học nốt năm cuối cấp 3) phát hiện mình đứng đối diện M. “Tây”.

Đã nếm mùi đạn bom nhưng có lẽ anh cũng không run bằng lúc giáp mặt cô bé nổi tiếng bởi vẻ đẹp rất Tây: dáng cao ráo, da trắng hồng, cặp mắt nâu to tròn mà lại còn có thành tích học tập cũng rất đáng nể nữa.

Là con gái cưng của một gia đình tri thức gốc Hà Nội, nên dù đang thời chiến nhưng trông em vẫn rất nổi bởi quần áo đúng mốt lại luôn là lượt phẳng phiu, mái tóc đen dày cột vổng đuôi ngựa vắt qua vắt lại theo mỗi bước chân em một cách... đầy thách thức cánh học trò con trai trong trường.

Từ Hà Nội đến Berlin: Một mình ngày cuối năm với dư âm “nỗi buồn chiến tranh” - 1

(Ảnh tư liệu): Cứu xăng dầu tại Kho Đức Giang năm 1972 (theo: Petajico Hà Nội)

Từ Hà Nội đến Berlin: Một mình ngày cuối năm với dư âm “nỗi buồn chiến tranh” - 2

(Ảnh tư liệu): Cầu phao luôn đảm bảo thông tuyến giao thông dưới mưa bom bão đạn của không quân Mỹ

Khác với sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt các bạn, có thể thấy chỉ vẻ kinh ngạc toát lên từ cặp mắt to tròn của em đang dõi theo cột khói đen ngòm bốc lên từ phía Tổng kho xăng dầu Đức Giang – mục tiêu bị máy bay Mỹ ném bom chiều hôm đó, trong một đợt leo thang mới đánh phá khốc liệt miền Bắc với trọng điểm là Thủ đô Hà Nội.

Em bất ngờ quay lại, anh tránh không kịp khiến ánh mắt chúng mình…va nhau... "tóe lửa". Mãi sau này anh mới hiểu đó chính là một cú tình yêu sét đánh, còn khi đó chỉ cảm thấy như mình đang bay trên mây, em hỏi gì và anh đáp lại ra sao thì chẳng thể nào nhớ được.

Thế rồi hết màn mượn vở chép bài ôn thi, tới chiêu gãi đầu gãi tai nhờ cô học sinh giỏi giúp rà soát lại những lỗ hổng kiến thức do rơi rụng tại những cánh rừng, con suối, bãi bom…xa tít nào đó…

Có tiếng kiêu kỳ là thế, nhưng rõ ràng em cũng có  phần “nể” chiến tích và cả… vết thương của anh nữa, nên mới mất cảnh giác rơi vào trận địa phục kích của anh học trò lớn tuổi  lúc nào không hay.

Từ Hà Nội đến Berlin: Một mình ngày cuối năm với dư âm “nỗi buồn chiến tranh” - 3

Mùa đông ở Đức

Trước lúc anh lên đường ra nước ngoài tu nghiệp, chúng mình đã hẹn ước một đám cưới thật ý nghĩa. Tiến tới là “một ngôi nhà và những đứa trẻ” xinh đẹp và thông minh như mẹ, mạnh mẽ và biết sống vì lý tưởng như cha…

Có lẽ lúc đó chúng mình vẫn chưa hiểu hết được những chiếc vòi bạch tuộc của chiến tranh có thể vươn xa đến đâu, cũng chưa hiểu được những góc khuất của cái gọi là nỗi buồn chiến tranh (như tên gọi cuốn tiểu thuyết của một nhà văn mặc áo lính nổi tiếng sau này).

Anh vẫn sống khỏe khi đối mặt với đạn bom thật, nhưng lại chết vì một viên đạn bọc đường thời bình ở một nơi rất xa Tổ quốc mình.

Và em vốn thông minh, nhạy cảm, đã nhanh chóng hiểu ra tất cả mà không cần bất kỳ lời giải thích vòng vo nào của anh.

Cuộc hôn nhân với người vợ Tây của anh khi đó làm rúng động cả cộng đồng người Việt nho nhỏ ở nơi xa xôi này.

Em không một lời trách móc nhưng hạnh phúc của anh vẫn chẳng thể vẹn tròn, nhất là khi năm này qua tháng khác nghe tin em vẫn phòng không  lẻ bóng.

Em chưa một lần trả lời thư, điện thoại hay bất kỳ cách nhắn tin nào của anh... Và vì cái tiếng xấu khi trốn sang Đức thời bức tường Berlinsụp đổ, mà 40 năm rồi anh vẫn chưa một lần dám trở về dù đã ly hôn để trở lại cuộc sống độc thân từ lâu.

Đã định Tết này dù chết cũng phải về tạ tội với em, nhưng lời nhắn duy nhất anh vừa nhận được từ em sau hàng chục năm bặt vô âm tín lại khiến anh khựng lại. “Hãy để cho quá khứ ngủ yên!”

Đêm nay anh lại một mình bên chai rượu buồn uống mãi không say, để thấm thía hơn bao giờ hết cái buốt giá của mùa đông tái tê.

Tuổi này rồi, còn hát được câu “Xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em” mà không cảm thấy sến nữa chăng…

 

Dũng từ Fürth, CHLB Đức 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC