Để ăn thay cơm, bên cạnh phở, bánh cuốn, hủ tíu... bún được sử dụng nhiều hơn cả trong bữa cơm của người Việt Nam. Bún được chế biến theo nhiều cách khác nhau, từ khô đến nước, ăn chung với thịt, cá, tôm,và các loại rau…
Khác với bún tầu ( của người Hoa ) làm từ bột đậu xanh hay dong, bún Việt làm từ bột gạo. Bánh phở, hủ tíu, bánh đa cũng làm từ bột gạo tẻ, tuy có quy trình làm bột và ra thành phẩm gần tương tự nhau song giữa chúng ít nhiều có sự khác nhau về thành phần nguyên liệu hoặc phương thức chế biến. Bún sử dụng tinh bột gạo tẻ, sợi bún tròn, mềm, trong khi bánh phở cũng dùng tinh bột gạo tẻ, nhưng được tráng mỏng và cắt thành sợi dài.
Bún ta có nhiều lọai: bún to dùng để ăn món bún bò, canh bún; bún trung bình dùng cho món riêu cua và bún nhỏ đề ăn các món như bún chả, bún thịt nướng… Ngoài ra còn có bún rối, bún vắt, bún nắm.
Ở miền Bắc có rất nhiều làng nghề chuyên làm bún như: làng bún Phú Đô, xã Mễ Trì ( Hà Nội ); làng bún Cao Hạ, xã Đức Giang, Hoài Đức, ( Hà Tây cũ ); làng bún Quỳnh Đôi, ( Thái Bình )…
Ờ các tình phía Nam, trên mọi tỉnh thành, khắp nơi đều có lò làm bún,… và mỗi địa phương đều có món bún đặc sản riêng. Quảng Ninh có bún mắm tôm, đậu phụ; Hải Phòng có bún tôm; Hà Nội có có bún thang, bún mọc, bún ốc Phủ Tây Hồ, bún riêu cua, bún chả; Huế có bún bò, bún giấm ruốc; Tây Nguyên có bún cá lá dầm; Bình Định có bún chả cá, bún mực; An Giang, Châu Đốc có bún nước kèn; Kiên Giang có bún cá rô; Sóc Trăng có bún gỏi đa; Bạc Liêu, Cà Mau có bún nước lèo…
Riêng Sài Gòn là nơi hội tụ bún khắp miền cả nước, có nhiều loại bún như: bún bò Huế, bún thang, bún mọc, bún ốc, bún riêu, bún cua, bún măng vịt, bún cá, bún mắm, bún nước lèo…
Trong việc sử dụng, bún đã chiếm kỷ lục hơn bất cứ một sản phẩm nào làm từ gạo. Nhiều đầu bếp Việt đã đưa bún vào thực đơn của nhà hàng mình, đó cũng là cách để bún trở thành sử giả của bếp Việt trên thế giới.
Theo Phụ nữ.