Giá đỗ, vị thuốc quý_0Thực phẩm quý, ai cũng có thể tự làm, Giá đỗ còn có tên rau như ý, là rau mầm nên chứa đầy đủ tinh chất quý giá của các loại đậu xanh, đen, đỏ, vàng (đậu tương), nâu (đậu phộng).

Mỗi loại mang đặc tính của hạt cho mầm.

Trong số các loại đỗ đó thì đỗ xanh (lục đậu) được dùng nhiều hơn vì tính năng tương đối toàn diện dễ phổ cập.

Mỗi loại giá đỗ sẽ mang đặc tính của hạt cho mầm. Trong số các loại đỗ đó thì đỗ xanh (lục đậu) được dùng nhiều hơn vì tính năng tương đối toàn diện dễ phổ cập.
Giá đậu đã có tên trong Thần nông bản thảo kinh từ thời Đông Hán và Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân đời Minh.

Giá đậu vị nhạt hơi the, tính mát lạnh, tác dụng vào 2 kinh bàng quang và tỳ. Công năng thanh nhiệt giải độc, hạ hỏa, chỉ khát, thông tiểu, tiêu thực, trị bụng đầy tức, đi tiêu phân sống. Giá đậu chủ về vận hóa thức ăn.
Nó lại sinh tân dịch nên dùng tốt sau lao động ngoài nắng nóng, để thanh giải biểu tà thấp nhiệt, chữa chứng thấp ôn lúc ban đầu thấp nhiệt không tiêu, tiểu không thông. Chữa tiêu khát (đái tháo đường). Giá đậu có khả năng giải độc nói chung và một số kim loại độc, giải rượu. Khi khô cổ, khản tiếng, ngậm giá đậu cũng khỏi.

Theo Tây y, giá đậu có thành phần khá đặc biệt, nhiều nước, đạm, đường, các khoáng chất, sắt, đồng, photpho. Sinh tố các nhóm B, C và E, phytosterol, men tiêu hóa. Khả năng sinh nhiệt thấp, hợp với tạng béo.

Theo các nhà khoa học Mỹ, chất diệp lục chứa trong giá đỗ có tác dụng ngăn chặn ung thư trực tràng và một số ung thư khác.
Một số nhà khoa học khác phát hiện một số chất chống mệt mỏi tương đối nhanh, tốt, thích hợp với đối tượng vận động cơ bắp nhiều.

Đậu, sau khi ngâm thành giá đậu thì giá trị dinh dưỡng tăng cao: vitamin B2 tăng từ 2-4 lần, caroten tăng 2 lần, vitamin C tăng 40 lần, vitamin B12 tăng 10 lần, nhóm B tăng 30 lần.

Do có nhiều sinh tố C và E nên giá đậu có khả năng khử gốc tự do, chống ôxy hóa, phòng chống viêm, ung thư, đặc biệt K vú. Vitamin E giúp thụ thai, chữa hiếm con, hạn chế phát triển bệnh Parkinson, chống xơ vữa mạch máu. Vitamin E cũng có tác dụng lên chức phận sinh dục nam nên các cụ vẫn dạy con gái khi nào chồng giận cho ăn giá thì chồng sẽ tự giải hòa ngay.

Người Nhật dùng giá đậu xanh ăn hằng ngày như một món ăn tryền thống. Phụ nữ vùng Kyodo có tỷ lệ oestrogen (nội tiết tố sinh dục nữ) cao hơn hàng trăm lần so với phụ nữ phương Đông khác nên cơ thể họ chống lại một cách có hiệu quả những rối loạn kinh nguyệt, làm chậm quá trình mãn kinh ở phụ nữ, kéo dài tuổi thanh xuân.

Kỹ thuật làm giá đã được hướng dẫn trong các sách chuyên môn. Miền Nam thường làm giá nhỏ và dài, khác với miền Bắc lại chuộng giá ngắn và bậm. Trong sách thuốc cổ hướng dẫn dùng giá bậm chỉ ngắn khoảng 3 phân. Đó là "vị thuốc đại bổ chữa bách bệnh" và khuyên hằng ngày nên ăn giá đậu và để khỏi chán nên thay đổi cách chế biến.

Từ giá đỗ có thể chế thành nhiều món: Ăn sống, hoặc kèm các rau khác, nhúng tái, luộc, xào, làm dưa muối xổi.

Sau đây là một số món ăn, uống làm từ giá đỗ

Nước cốt giá đậu xanh: Giá đậu xanh 150g, chanh tươi 1 quả, đường cát 20g. Giá đỗ nghiền lấy nước, vắt chanh, cho đường vào uống cho những trường hợp đái dắt, nước tiểu vàng, hay khát nước. Dùng hỗ trợ trong các trường hợp để giải độc.

Canh giá đậu phụ: Giá đậu xanh 250g, đậu phụ 2 miếng, cải thìa 100g, dầu đậu nành 100g, hành hoa 10g, muối, bột ngọt mỗi thứ 2g. Là một loại thức ăn chay bổ dưỡng.

Bánh giá đặc sản Gò Công: Nhân bánh làm bằng giá, miếng thịt nạc, miếng tim, miếng gan, cuốn lại với xà lách, lá đọt chua chát chấm nước mắm giấm ớt ăn với bún. Bổ dưỡng dễ tiêu.

Cá lóc nấu canh chua: Cá lóc 1 con 500g, giá đậu xanh 150g, cà chua 100g, quả me 70g, gia vị vừa đủ, có tác dụng trị chứng có nhiệt ở bàng quang, đi tiểu ít, vàng đục, nóng ở đầu ngọc hành.

Canh giá đậu tương nấm: Giá đậu tương 250g, nấm tươi 50g, muối, bột ngọt vừa đủ, có tác dụng bổ dưỡng sau ốm, sau đẻ.

Canh giá đậu tương tiết lợn: Giá đậu tương 250g, tiết lợn 250g, hành thái nhỏ 10g, tỏi 12 nhánh, nghệ thái nhỏ 5g, ít rượu, gia vị vừa đủ, dùng bổ dưỡng, chữa thiếu máu.

Canh giá hồng kỷ: Giá đỗ xanh 200g, kỷ tử 12g, củ mài 20g, một ít nước, gia vị gừng, hành, dầu, muối tùy ý, nấu sôi trong 25 phút thì được, có tác dụng bổ thận sáng mắt.

Canh giá rong biển: Giá đỗ xanh 200g, rong biển 100g, thịt heo nạc 200g, gừng hành muối tùy ý có tác dụng khứ phong trừ thấp, hạ huyết áp.

Giá xào rau cần thịt nạc: Giá đỗ xanh 200g, rau cần 200g, thịt heo nạc 100g, trứng gà một quả, bột năng, dầu gừng muối tùy ý, xào chín thịt là được, có tác dụng bổ khí huyết, trừ thấp, hạ huyết áp.

Giá xào măng: Giá đỗ xanh 200g, măng 50g, củ mài 20g, gừng 5g, dầu, hành, muối tùy ý, tác dụng thanh nhiệt giải độc, hạ huyết áp, ăn với cơm.

Giá nấu hoa chi: Giá đỗ xanh 200g, cải 30g, cá mực 50g, tỏi 10g, gừng 5g, dầu hành tùy ý, tác dụng bổ âm, hạ huyết áp.

Giá nấu cải trắng: Giá đậu xanh 100g, giá đậu tương 100g, cải trắng 200g, đậu phụ 100g, tôm nõn 50g, gừng 5g, tỏi 3g, hành, muối, dầu tùy ý. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, hạ huyết áp.

Sữa giá đậu: Lấy đậu xanh mới nảy mầm khoảng 3-4 hạt, giã nát hòa sữa mẹ, gạn lấy nước cho uống để chữa trẻ sơ sinh không chịu bú.

Giá đậu xanh sống: Một nửa ăn, một nửa giã nhuyễn đắp chữa lẹo mắt. Thay đổi nhiều lân trong ngày.

Theo Sức khỏe và Đời sống




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC