Bánh chưng, bánh tét là loại bánh không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Cứ đến dịp này, các gia đình lại chuẩn bị làm bánh, hoặc cũng phải đặt đôi ba cặp bánh về thắp hương, thờ cúng tổ tiên.
Bánh chưng, bánh tét dần không chỉ là món ăn đơn thuần, nó còn là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực dân tộc. Vì thế, nhiều người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống vẫn làm bánh chưng, bánh tét mỗi dịp Tết về.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt, hiện đang sinh sống ở New Orleans, bang Louisiana cũng vậy.
Chị xa gia đình, qua đây định cư cũng đã 11 năm. Không còn được thưởng thức món bánh quê hương do người thân làm nữa nên chị đã tập gói. Sau này trở đi, mỗi năm Tết đến, chị lại làm bánh tét như một cách để nhớ về gia đình, những người thân yêu của chị.
Dù cách làm bánh tét không còn xa lạ với nhiều người nhưng chị vẫn chia sẻ, để có món bánh hoàn hảo thì quan trọng là phải chọn được gạo nếp ngon, bánh sẽ không bị lại gạo.
Bánh tét đòn dài gói khác bánh chưng vuông vì thế, lúc làm nhân đậu xanh phải căn sao cho từng thỏi nhân có trọng lượng bằng nhau và dài như nhau.
Làm được điều này bánh tét sẽ nhìn đẹp và đều nhau, trăm cái như 1.
Tuy nhiên, bánh chưng hay bánh tét luộc bằng bếp than/củi sẽ rất lâu. Vì thế, chị đã học được cách luộc bằng nồi áp suất, rút ngắn được rất nhiều thời gian, chị quyết định làm theo và kết quả bánh ngon như ý.
“Ví dụ nồi thường với bánh tét cỡ trung thì luộc 6-7 tiếng. Nhưng với nồi áp suất chỉ cần luộc khoảng 1h30 phút là xong với cho bánh cỡ trung bình, bánh lớn hơn sẽ là khoảng 2 tiếng. Nếu nấu thêm nữa bánh sẽ bị nhão nát, ăn mất độ dẻo của hạt nếp”, chị Minh Nguyệt nói.
Chị còn hướng dẫn rất cụ thể, với những nồi áp suất điện có dung tích 8 ít thì luộc được 8 đòn bánh tét (trọng lượng 600gr mỗi đòn). Chiều dài mỗi bánh khoảng 15cm.
Ngoài ra, cần lưu ý, phải canh chiều dài của bánh, để khi xếp bánh vào nồi không bị bịt kín lỗ thông hơi của nồi.
Bánh tét nên để đứng (còn bánh chưng thì để nằm nhưng nên gài đũa để bánh không bị nổi lên khi nước vào). Chiều dài bánh có thể gần bằng chiều cao của nồi nhưng lượng nước chỉ được đổ hết mực cho phép.
Thường trên nồi có chỉ dẫn. Không cần phải đổ ngập bánh mà bánh vẫn chín đều do nhiệt trong nồi áp suất toả đều và rất cao.
Bánh tét luộc bằng nồi áp suất cũng rất rền, dẻo và ngon chẳng kém gì luộc bằng phương pháp truyền thống do hạt nếp chín đều ở nhiệt độ cao.
Thêm vào đó, lượng nước trong nồi áp suất ít, không phải thêm nước khi nấu, vì thế bánh có chút đậm đà hơn, chị Nguyệt chia sẻ.
Tham khảo cách luộc bánh tét của chị Minh Nguyệt:
Công thức cho 8 đòn bánh tét cỡ vừa:
Chuẩn bị:
- 5 chén nếp loại ngon,
- 450 gr đậu xanh
- 300gr thịt ba rọi
- 5 củ hành tím, 1 lon nước cốt dừa 400ml, lá dong hoặc lá chuối
- Hạt tiêu, muối
Cách làm:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm.
- Làm nhân (có thể làm luôn từ đêm hôm trước): Nấu đậu xanh chín, tán nhuyễn, nêm muối, hạt tiêu vào nhân đậu cho vừa ăn.
- Thịt heo chia thành 8 phần (ướp vào thịt hành tím, tiêu, muối).
- Chia nhân đậu thành 8 phần rồi bọc thịt lại thành từng thỏi nhân. Cho vào ngăn mát để sáng ra gói cho nhanh.
- Gạo nếp ngâm qua đêm đổ ra rổ, xả lại nước. Xóc vào 2 muỗng cà phê muối. Cho gạo nếp, lon nước dừa, thêm 1/2 lon nước lạnh vào chảo chống dính, bật lửa vừa rồi đảo đến khi nước rút hết vào nếp. Xào như vậy nếp kết dính, rất dễ thao tác khi gói.
Đong cứ 1 chén ăn cơm gạo nếp đã xào cho 1 cái bánh. Rải đều gạo nếp lên lá, đặt nhân lên rồi gói.
Xếp bánh đứng trong nồi, thêm nước không cần chìm bánh mà chỉ được đổ mức cho phép theo hướng dẫn của nồi. Không cần phải đổ ngập bánh mà bánh vẫn chín đều do nhiệt trong nồi áp suất toả đều và rất cao.
Với những chiếc bánh cỡ trung bình này thì chỉ cần luộc 1 tiếng 30 phút là bánh chín!
Nguồn: Khám phá