Bao đời nay, rau muống là loài rau dân dã và được dùng rộng rãi trong dân gian. Bên cạnh đó rau muống cũng được xem là loại thực vật có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng chữa bệnh.
Theo nghiên cứu, trong 100g rau muống chứa 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie...
Đây chính là những axit amin cần thiết cho cơ thể, rất tốt cho những người thiếu máu, người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): "Trong Đông y, rau muống có vị ngọt, tính mát. "
Một số bài thuốc trị bệnh từ cây rau muống mà lương y Sáng chỉ ra như sau:
1. Chữa ợ chua
Cách dùng: Lấy 20g rau muống, 20g cỏ mực, 12g vỏ quýt khô, đem tất cả đi rửa sạch, cắt khúc, sau đó cho vào ấm rồi đổ 750ml nước, sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói. Dùng liên tục 1 tuần.
2. Chữa viêm loét dạ dày
Cách dùng: Lấy 200g rau muống tươi đem giã cùng một chút muối ăn, vắt lấy nước cốt. Chia 2 lần uống trong liệu trình 5 ngày.
3. Thải trừ cholesterol, chống tăng huyết áp
Cách dùng: Lấy lượng rau muống đủ dùng đem luộc và ăn hàng ngày.
4. Trị chảy máu cam
Cách dùng: Đem 100g rau muống tươi đi giã rồi vắt lấy nước cốt, pha thêm chút đường uống trong liệu trình 5 ngày sẽ có tác dụng.
5. Trị phù thũng nặng (Nằm ngồi không yên, mặt và người sưng phù)
Chuẩn bị: 1 bó rau muống tươi, 1 con gà vàng tuyền, 1 chén rượu.
Cách làm: Làm thịt gà, bỏ lòng đi (không rửa nước). Bỏ rau muống vào bụng gà, khâu lại. Đổ nước ngập thân gà, thêm vào 01 chén rượu, nấu nhừ, bỏ rau đi ăn cả gà và nước. Liệu trình 03 con.
Rau muống luộc cũng là một bài thuốc để trị bệnh.
6. Trị ngộ độc thức ăn:
Chuẩn bị: 500g rau muống, 30g cam thảo, 120g đậu xanh.
Cách làm: Đem tất cả nguyên liệu trên đi sắc lấy nước đặc, uống trong ngày.
7. Trị xuất huyết, tiểu ra máu.
Cách làm: Đem 500g rau muống đi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Hòa mật ong vào, uống từ từ.
8. Trị xuất huyết dạ dày
Chuẩn bị: 150g đọt rau muống, 1 lòng trắng trứng, một lượng dầu dừa và đường thốt nốt đủ dùng.
Cách làm: Đem các nguyên liệu trên đi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Hòa cùng đường, lòng trắng trứng, dầu mè vào, uống từ từ.
9. Trị kiết lỵ (có lẫn mủ, máu)
Chuẩn bị: 1 nắm đọt rau muống, 1 nắm vỏ lựu nướng.
Cách làm: Đem nguyên liệu đi sắc lấy nước uống.
10. Trị rắn trun cắn
Chuẩn bị: 7 ngọn đọt non rau muống, 1 chút muối ăn.
Cách làm: Đem rau muống đi giã nhuyễn, vắt lấy nước uống, cho thêm chút muối ăn rồi đem bã đắp vào vết rắn cắn.
11. Giải mọi chất độc
Vì rau muống có tác dụng giải được mọi chất độc (Rau muống mát, bổ, giải độc tố, tránh ưu phiền rất hay) nên khi bị trúng độc (bất kỳ loại độc nào) cũng có thể lấy ngay rau muống giã lấy nước cốt, hòa chút muối uống.
12. Chữa phụ nữ khó đẻ
Đem 1 nắm rau muống đi giã nhuyễn, hòa với một chút rượu, uống từ từ.
13. Trị phong thũng
Chuẩn bị: 1 nắm đọt rau muống tía, 1 nắm vòi voi, 1 con cua đồng, 1 chút muối ăn
Cách làm: Đem các nguyên liệu đi giã nhuyễn, dùng bã đắp ngoài.
Lưu ý khi dùng rau muống: Lương y Sáng khuyến cáo dù rau muống rất bổ dưỡng nhưng người dùng vẫn phải lưu ý một số điều sau:
- Người bị viêm khớp, bệnh gút, sỏi thận... không nên dùng rau muống vì sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
- Những người suy nhược cơ thể nặng thể hư hàn không nên ăn rau muống.
- Người đang uống thuốc Đông y mà ăn rau muống sẽ gây giã thuốc, mất tác dụng quý báu của thuốc. Trong trường hợp thuốc có vị độc cần thiết để trị bệnh (độc trị độc) mà ăn rau muống thì sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của những vị thuốc này.
- Người đang có vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình hồi phục, nếu ăn rau muống sẽ gây ra sẹo lồi mất thẩm mỹ.
Cuối cùng, vị lương y cảnh báo mọi người khi dùng rau muống làm thuốc nên tham khảo của ý kiến bác sĩ vì mỗi người có một cơ địa khác nhau. Bác sĩ Đông y sẽ là người đưa ra những lời khuyên quan trọng và an toàn nhất để bệnh tình nhanh thuyên giảm.
Nguồn: Tri thức trẻ