Dù cho Hà Nội cổ kính trong những ngày xa xưa hay Hà Nội nhộn nhịp phồn hoa thời nay thì hương vị và tiếng rao tào phớ luôn hiện hữu và quen thuộc, góp phần làm nên một nét riêng, độc đáo của Thủ đô.
Nói đến truyền thống làm tào phớ không thể không nhắc đến làng An Phú (nay thuộc phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy). Từ xa xưa, nghề này đã là nghề phụ của nhân dân trong làng lúc nông nhàn. Sau, món ăn được ưa chuộng và bán chạy nên người làng chuyển sang chuyên sản xuất và cung cấp cho các gánh hàng rong trong thành phố.
Ngày nay, tào phớ được chế biến thành nhiều món khác nhau như tào phớ thập cẩm, tào phớ thạch, tào phớ sữa dừa... Nhưng tất cả đều có màu trắng của óc đậu xen lẫn màu ngà của nước đường, còn chung vị ngọt, mát và thoảng chút hương thơm từ hoa nhài (hoặc hoa bưởi).
Tào phớ được làm từ đỗ, nước đường và chút hương
hoa nhài, hoa bưởi.
Tào phớ được làm từ đỗ tương, qua các công đoạn ngâm, xay, nấu, lọc bã, còn lại cái tinh hoa của đậu nành (còn gọi là nước óc đậu). Các công đoạn đều làm thủ công nhưng mỗi nhà lại có bí quyết riêng để tạo nên sự đông đặc kết tủa của tào phớ. Nước đường dùng cho tào phớ là đường hoa mai, có màu nâu vàng ngọt đậm, trước khi nấu lọc hết sạn trong đường.
Phải nói rằng, tào phớ là một món quà đậm chất quê, lại rẻ tiền và dân dã. Nhưng vị thơm ngon và tác dụng giải nhiệt thì không thua kém món nào. Những ngày hè oi nóng và cả khi đầu thu mát mẻ, người ta vẫn không thấy thiếu những gánh hàng rong tào phớ đông đúc người ngồi ăn.
Tào phớ đã đi cùng Hà nội qua những năm tháng, những thăng trầm. Dù nay không thiếu những món ngon, hiện đại và sang trọng hơn nhưng hương vị thơm mát rất riêng của món chưa lúc nào bị lãng quên. Chiếc thùng bán tào phớ xưa được làm bằng gỗ, nay đã thay bằng các thùng nhựa để người bán mang nhẹ hơn trong những ngày hè oi ả. Những bát sành, thìa sành để ăn giờ cũng được thay bằng những chiếc bát nhựa, bát sứ bóng loáng, đẹp đẽ. Thời buổi sẽ thay đổi, xã hội cũng phát triển hơn...nhưng hương vị của bát tào phớ luôn thơm mát, dịu ngọt riêng một nét Hà Nội.