Chung cảnh ngộ, chị Xuân (Hoài Đức, Hà Nội) kể, “đều như vắt chanh” ngày 2 lần cứ sáng và tối là các nhà hàng xóm gần nhà chị thay nhau bật nhạc “làm ca sĩ”.
“Khổ cái là nhà bên cạnh nhà tôi thì là fan của nhạc trẻ, lúc nào cũng thấy “bay lên theo mọi người”, rồi “mưa trôi cả bầu trời nắng”, “con bướm xuân” nhạc xập xình, trong khi nhà đối diện lại thích nhạc trữ tình, nhạc vàng nào là “vùng lá me bay”, “duyên phận”… Mỗi lần họ hát là nhà tôi ở giữa chịu trận.
Đã thế có hôm 11 giờ họ vẫn hát, cứ sau 1 bài hát lại: Chúc hàng xóm ngủ ngon! Hoặc: Nếu thấy hát hay xin hàng xóm cho một tràng pháo tay cổ vũ”, chị Xuân bực dọc kể.
Bức xúc đăng tải dòng trạng thái “ám ảnh vì hàng xóm hát karaoke” lên mạng, chỉ trong một thời gian ngắn bài đăng của Xuân đã nhận được hàng trăm bình luận cảm thông, chia sẻ. Nhiều người cho biết họ cũng bị ám ảnh đến “mất ăn, mất ngủ” vì phải trở thành người cảm thụ âm nhạc bất đắc dĩ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Các công ty, cửa hàng, văn phòng… đồng loạt đóng cửa, cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà, hạn chế ra đường.
Cũng vì có nhiều thời gian rảnh nên từ đây làm nảy sinh vô vàn những tình huống “dở khóc, dở cười”. Một trong số đó là nỗi ám ảnh tiếng ồn vì nhà hàng xóm bật nhạc hát karaoke “giải sầu” bất chấp từ sáng, trưa, chiều đến tận… đêm tối.
Quay video, thu âm tiếng hát nhà hàng xóm để... báo công an!
Gần 2 tháng nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Lê Thủy Tiên (hẻm 71 đường số 9, phường 9 quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, không ngày nào tìm được 1 phút giây yên ổn, thư giãn đọc sách làm việc bởi tiếng hát, tiếng nhạc nhà hàng xóm liên tục “tra tấn” thần kinh.
“Ban ngày họ bật nhạc hát từ 11 giờ trưa đến tận 3 giờ chiều, buổi tối thì có hôm hát từ 9 giờ đến tận 1 -2 giờ sáng. Nhạc thì bật to đủ thể loại từ nhạc sàn, nhạc vàng, nhạc trẻ… lúc nào cũng xập xình, chát chúa, khiến người bên cạnh stress chỉ muốn đập đầu vào tường”, chị Tiên nói.
Nhấn để phóng to ảnh
Bức xúc vì bị hàng xóm "tra tấn" bằng âm nhạc, chị Thủy Tiên đã quay video, thu âm tiếng hát lại làm bằng chứng.
Theo chị Tiên, vì là hàng xóm nên thời gian đầu chị “giữ ý” sang nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng cũng chỉ được 1-2 lần tiếng hát có nhỏ nhẹ hơn rồi lại “đâu vào đó”. Bức xúc không chịu nổi, chị Tiên đã quay video, thu âm tiếng hát lại và dự định nếu góp ý thêm 1 lần nữa mà nhà hàng xóm không chịu cải thiện, chị sẽ trình báo công an phường.
“Cứ thử tưởng tượng phải ở nhà làm việc trong 4 bức tường kín mà âm thanh chát chúa, tiếng nhạc xập xình cứ âm vang bên cạnh thì ai chịu được. Tôi quá stress và phát điên”, chị Tiên nói.
“11 giờ đêm hát karaoke, sau mỗi bài hát lại chúc hàng xóm ngủ ngon”
Tương tự, chị Minh Anh (34 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết bị ám ảnh tiếng hát nhà hàng xóm cả vào trong giấc mơ. “Nhiều hôm đang ngủ, vẫn còn nghe văng vẳng tiếng “có con ngựa ngựa ô” khiến mồ hôi ướt đầm đìa, giật mình thức dậy luôn”, chị Minh Anh nói.
Nhà chị Minh Anh ở giữa khu phố, nhà kế bên cạnh là đôi vợ chồng lớn tuổi làm nghề buôn bán nhưng có tình yêu đặc biệt với văn nghệ. Từ hôm dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng đóng cửa, có thời gian rảnh rỗi nên họ tậu thêm giàn âm thanh mới để ở nhà “luyện thanh”.
Trên nhiều diễn đàn mạng, các chủ đề về tiếng ồn karaoke nhà hàng xóm thu hút sự chú ý của cộng đồng
“Sáng vừa mắt nhắm mắt mở ăn sáng xong, đã thấy nhà hàng xóm “thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu”, rồi “đón xuân này ta nhớ xuân xưa”… sau đó là liveshow ca nhạc kéo dài đến trưa. Có hôm, cao hứng vừa ăn trưa xong là họ lại tổ chức liên khúc đến tận tối.
Đã thế, người vợ hát được 1 câu, người chồng lại hét phụ họa “hú, hú” “ây ha” “à há”…, làm bé con nhà tôi nhiều hôm đang ngủ giật mình khóc thét lên vì sợ hãi. Mà nhắc mãi, nhắc hoài họ chỉ cười trừ rồi tối về lại bật nhạc hát tiếp”, chị Minh Anh thở dài nói.
Hát karaoke ồn ào, ảnh hưởng người khác có thể bị xử lý?
Chia sẻ với PV Dân trí, Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty luật My Way cho hay, trong thời gian cách ly xã hội phòng dịch Covid-19, mọi hoạt động thông thường đều ngừng lại. Hàng quán đóng cửa, các gia đình hạn chế ra đường nên nhu cầu tìm các hình thức giải trí tại gia trong mùa dịch là khá phổ biến.
Tuy nhiên, hiện tại ở nhiều nơi, đã xảy ra tình trạng mâu thuẫn hàng xóm (nhất là ở các chung cư) do việc “tra tấn lỗ tai nhau” bằng karaoke.
“Việc giải trí cá nhân là việc riêng, nhưng nếu ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến không gian chung thì pháp luật cũng đã có những quy định để xử lý người vi phạm”, Luật sư Lê Văn Hồi khẳng định.
Theo Luật sư Lê Văn Hồi, về mặt pháp lý, việc hát karaoke làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh có thể xử phạt theo quy định pháp luật. Ảnh minh họa
Cụ thể, đại diện công ty Luật My Way cho biết, hành vi “gây mất trật tự ở khu dân cư” là hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng và có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điều 5.1.b Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, nếu có hành vi “Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau” là hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung và có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điều 6.1.b Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
Theo Luật sư Lê Văn Hồi, về mặt pháp lý, việc hát karaoke làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh có thể xử phạt theo quy định pháp luật thế nhưng trước hết, có thể giải quyết bằng cách trao đổi, nhắc nhở nhau để rút kinh nghiệm, không tái phạm.
“Trên tinh thần tình làng nghĩa xóm, chúng ta có thể góp ý hát karaoke nên tránh hát vào giờ nghỉ ngơi của mọi người, khi hát thì bật nhỏ âm lượng... Nếu người đó không chịu hợp tác thì có thể nhờ đến sự can thiệp của Tổ trưởng tổ dân số, Ban quản lý Tòa nhà trước khi nhờ đến pháp luật, có như vậy sự việc sẽ được xử lý hài hòa, không gây mất đoàn kết tại nơi sinh sống chỉ vì những hành vi mang tính nhất thời trong mùa dịch như vậy”, Luật sư Lê Văn Hồi nhấn mạnh.
Hà Trang