Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành người đầu tiên trong suốt 152 năm qua từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.  

42 1 Khi Tong Thong My Khong Du Le Nham Chuc Cua Nguoi Ke Nhiem

42 2 Khi Tong Thong My Khong Du Le Nham Chuc Cua Nguoi Ke Nhiem

Phó tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức năm 2009. REUTERS

Hôm 8.1, Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump tuyên bố sẽ không dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Theo tờ USA Today, ông Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm từ năm 1869, khi Tổng thống Andrew Johnson ở lại Nhà Trắng trong lúc ông Ulysses Grant tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 18 tại Điện Capitol.

Theo sử gia Kate Andersen Brower, hai người gần nhất chỉ làm tổng thống trong một nhiệm kỳ là ông George H.W. Bush và ông Jimmy Carter đều dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm sau khi thất bại trong nỗ lực tái cử. Bà Brower cho rằng việc này thể hiện sự tôn trọng và đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình. “Họ luôn hiểu rằng đất nước quan trọng hơn cái tôi của họ. Nhưng trong trường hợp này thì không”, bà Brower nói về quyết định của Tổng thống Trump.

Cùng nhìn lại những vị tổng thống Mỹ từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm trước đây:

42 3 Khi Tong Thong My Khong Du Le Nham Chuc Cua Nguoi Ke Nhiem

John Adams, năm 1801

Ông John Adams là tổng thống thứ 2 trong lịch sử Mỹ. Cuộc bầu cử năm 1800 là sự cạnh tranh giữa ông Adams cùng Phó tổng thống Thomas Jefferson.

Hai người từng là bạn thân nhưng sau đó trở thành đối thủ chính trị. Sau nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ 2 thất bại, rạng sáng ngày 4.3.1901, ông Adams lầm lũi lên xe ngựa rời Nhà Trắng và không dự lễ nhậm chức của ông Jefferson trong chiều cùng ngày. Đến nay, vẫn chưa rõ lý do ông Adams không dự lễ nhậm chức của ông Jefferson nhưng giới sử học cho rằng ông Adams đã không được mời đến sự kiện này.

Cuộc bầu cử năm 1800 cũng là cột mốc khiến quy định bầu cử tổng thống Mỹ thay đổi về sau. Thời đó, các đại cử tri không bỏ phiếu riêng rẽ cho ứng viên tổng thống và phó tổng thống, do đó dẫn đến việc ông Jefferson và người tranh cử cùng là Aaron Burr có cùng 73 phiếu đại cử tri.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện sau đó giúp ông Jefferson trở thành tổng thống thứ 3 của Mỹ.

42 4 Khi Tong Thong My Khong Du Le Nham Chuc Cua Nguoi Ke Nhiem

John Quincy Adams, năm 1829

Ông John Quincy Adams là con trai của Tổng thống John Adams. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1824, ông “Adams con” vượt qua 4 đối thủ tranh cử để trở thành tổng thống. Năm đó, ông Andrew Jackson giành đa số phiếu phổ thông nhưng không đủ phiếu đại cử tri. Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện giúp ông Adams chiến thắng nhưng ông Jackson gọi đây là “thỏa thuận tham nhũng”. Theo Thư viện Hermitage của ông Andrew Jackson, có những tin đồn về việc Chủ tịch Hạ viện Henry Clay, một trong số các ứng viên tranh cử, và ông Adams đã thương lượng với nhau để ông Adams làm tổng thống. Ông Clay sau đó làm ngoại trưởng trong chính quyền của ông Adams.

Trong cuộc tái đấu năm 1828, ông Jackson đã phục thù thành công khi giành chiến thắng trước ông Adams. Ông Adams nối gót người cha, rời Nhà Trắng một ngày trước khi ông Jackson nhậm chức vào ngày 4.3.1829.

42 5 Khi Tong Thong My Khong Du Le Nham Chuc Cua Nguoi Ke Nhiem

Martin Van Buren, năm 1841

Tương tự như cặp Adams - Jackson, ông Martin Van Buren cũng đánh bại ông William Henry Harrison trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1836 và bị ông Harrison đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1840.

Ông Buren không dự lễ nhậm chức của ông Harrison vào năm 1841 dù mối quan hệ giữa hai người được đánh giá là tốt đẹp. Ông Harrison đến Washington D.C vào tháng 2.1841 và ở tại khách sạn National. Ngày 10.2.1841, ông Buren tiếp ông Harrison tại Nhà Trắng và hai ngày sau cùng ăn tối chung tại Tòa Bạch ốc. Thậm chí, khi khách sạn National bị quá tải, ông Buren đã đề nghị dọn khỏi Nhà Trắng để ông Harrison chuyển đến sớm nhưng tổng thống đắc cử quyết định thực hiện một chuyến thăm quê nhà Virginia trước lễ nhậm chức.

Bài phát biểu nhậm chức của ông Harrison là bài phát biểu dài nhất lịch sử các kỳ nhậm chức, kéo dài 1 giờ 45 phút. Chỉ một tháng sau, ông trở thành tổng thống đầu tiên qua đời trong thời gian tại nhiệm vì viêm phổi.

42 6 Khi Tong Thong My Khong Du Le Nham Chuc Cua Nguoi Ke Nhiem

Andrew Johnson, năm 1869

Trước Tổng thống Trump, Tổng thống Andrew Johnson là người gần nhất từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, ông Ulysses Grant. Ông Johnson là Phó tổng thống dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln. Sau khi ông Lincoln bị ám sát năm 1865, ông Johnson lên thay nhưng do không thành công trong nhiệm kỳ, ông Johnson thậm chí không được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tranh cử tổng thống vào năm 1868.

Ông Grant với vai trò là lãnh đạo quân đội Liên bang miền Bắc giành chiến thắng trong Nội chiến, đã dễ dàng vượt qua đối thủ đảng Dân chủ Horatio Seymour để trở thành tổng thống thứ 18.

Ông Grant và ông Johnson nhiều lần mâu thuẫn trong thời gian ông Johnson làm tổng thống còn ông Grant làm chỉ huy quân đội. Ông Grant đã ủng hộ việc luận tội ông Johnson vào năm 1868 khi Tổng thống Johnson cách chức Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton.

Ông Johnson sau đó từ chối đến lễ nhậm chức của ông Grant. Các quan chức đã tìm cách thỏa hiệp khi đề nghị hai người ngồi trên hai cỗ xe riêng để đi từ Nhà Trắng đến Điện Capitol làm lễ và quay về nhưng ông Johnson không đồng ý. Theo các sử gia, trong lúc ông Grant tuyên thệ nhậm chức, ông Johnson vẫn ở lại Nhà Trắng để họp nội các.

Vi Trân

Nguồn: thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC