Đây là điều đáng mừng. Song các hoạt động thiện nguyện cũng bộc lộ nhiều vấn đề, do phần lớn các hoạt động từ thiện của các cá nhân đều tự phát, chưa được tổ chức và quản lý chuyên nghiệp. Gần đây, công an đã phát hiện được nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản núp bóng hoạt động từ thiện. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.
Những câu chuyện các cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo là thật. Những hoàn cảnh đang cần giúp đỡ là thật, thế nhưng người kêu gọi tiền hỗ trợ lại là các đối tượng lừa đảo. Với thủ đoạn sử dụng những bài viết trên báo chí rồi đăng tải lại trên 9 trang mạng xã hội Facebook do mình lập ra.
Trần Văn Lâm ở Huyện Kim Bảng, Tỉnh Hà Nam đã lừa hàng nghìn nhà hảo tâm trong và ngoài nước chuyển tiền qua tài khoản, thu gần 7 tỷ đồng từ hành vi kêu gọi từ thiện.
Hoài Linh gửi lời xin lỗi tới công chúng và người dân miền Trung
Số tiền mỗi một nhà hảo tâm chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo thường không quá lớn, khoảng vài trăm nghìn đồng. Nếu như có bị phát hiện lừa đảo, người dân ít khi tố giác, đây chính là lý do khiến tình trạng lừa đảo kêu gọi từ thiện thời gian gần đây có diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an trong cả nước đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều đối tượng quản trị các trang Facebook hoạt động lừa đảo kêu gọi từ thiện.
Cũng trong thời gian gần đây, hàng loạt nghệ sỹ, người nổi tiếng vướng lùm xùm liên quan đến hoạt động thiện nguyện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của chính nghệ sỹ mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của cộng đồng vào công tác thiện nguyện nói chung.
Điều này do cả từ phía người làm từ thiện đến những lỗ hổng trong khung khổ pháp luật điều chỉnh các hoạt động từ thiện. Từ cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ có liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn...
Trước sức ép của dư luận, mới đây, nghệ sỹ Hoài Linh đã chính thức gửi lời xin lỗi tới công chúng và người dân miền Trung, đồng thời nhanh chóng giải ngân gần 15 tỷ đồng tiền cứu trợ bão lũ sau 6 tháng chậm trễ. Cũng liên quan tới từ thiện tại miền Trung, một ca sỹ đã từng kêu gọi được số tiền kỷ lục gần 180 tỷ đồng, hết sức kịp thời đến vùng khó khăn. Nhưng các khoản chi tiêu, lên đến cả trăm tỷ đồng chỉ được kê khai trên 1 tờ giấy viết tay và một số giấy tờ xác nhận chung chung.
5 năm trước, một người dẫn chương trình cũng từng gây dư luận trái chiều khi không thuyết phục được công chúng về khoản tiền 24 tỷ quyên góp đã được chi tiêu thế nào. Trong khi đó, chưa có quy định cụ thể nào của luật pháp về quyền và trách nhiệm của người làm từ thiện cũng như người tham gia quyên góp.
Hiện nay, dự thảo Nghị định mới về về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Theo đó, cá nhân được khuyến khích làm từ thiện, nhưng phải thông báo, phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo đúng nơi, đúng lúc đúng đối tượng, và công khai minh bạch các khoản đóng góp khi có yêu cầu.
VTV.VN