Việc các cầu thủ UAE sở hữu khối tài sản lớn đôi khi là một trở ngại trong con đường sự nghiệp của họ.  

Mức thu nhập tốt, cuộc sống thoải mái ở UAE cũng là một phần lý do khiến phần lớn cầu thủ không muốn ra nước ngoài để được thi đấu ở các môi trường phát triển hơn. Toàn bộ cầu thủ UAE tham dự World Cup 2022 đang chơi bóng ở giải VĐQG nước này.

Ahmed Khalil, một cầu thủ nổi tiếng từng giành danh hiệu hay nhất châu Á của UAE, có mức lương lên đến 89.000 USD/tuần. Con số này tương đương với hơn 8,9 tỷ đồng/tháng, mức gấp khoảng 200 lần so với nhiều tuyển thủ Việt Nam.

1 Luong Cau Thu Uae Cao Gap 200 Lan Dong Nghiep Viet Nam

Ahmed Khalil từng góp mặt trong trận thua 0-1 của UAE trước tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình năm 2019. Ảnh: Minh Chiến.

Ali Mabkhout, tiền đạo hay nhất lịch sử tuyển UAE, cũng sở hữu khối tài sản giá trị hơn 5 triệu USD. Con số của Omar Abdulrahman, cầu thủ hay nhất châu Á 2016 là hơn 7,8 triệu USD.

Trung bình, những cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG UAE kiếm được 5.000 USD/tuần. Con số này có thể gấp đôi hoặc gấp 3 đối với các ngoại binh. Nếu thi đấu nổi bật, họ có thể kiếm nhiều hơn nữa.

"Mức sống của UAE rất cao và các cầu thủ đều có điều kiện. Họ không cần lo lắng về tương lai. Đôi khi đó cũng là vấn đề. HLV cần làm tâm lý tốt đối với các cầu thủ, buộc họ phải thi đấu hết mình. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều cầu thủ ở UAE không thể phát triển một cách tối ưu", Maciej Skorza, cựu HLV U23 UAE từng chia sẻ trên TVP Sports.

2 Luong Cau Thu Uae Cao Gap 200 Lan Dong Nghiep Viet Nam

Ali Mabkhout (trái) là một trong những cầu thủ giàu nhất UAE. Ảnh: Y Kiện.

"Khi tôi mới đến sân tập lần đầu tiên, tôi hơi bất ngờ khi trong bãi đậu xe của đội chỉ toàn là Porsche và Ferrari (những hãng siêu xe). Sống trong cảnh giàu sang, không phải lúc nào họ cũng cố gắng. Giới hạn của họ thấp hơn nhiều so với những người coi bóng đá là con đường dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn", chiến lược gia người Ba Lan nói thêm.

Ông Skorza tiết lộ UAE sở hữu nhiều lò đào tạo chất lượng với trang thiết bị hiện đại. Trình độ cầu thủ cũng khá tốt. Yahia Alghessani, một cầu thủ trẻ của UAE từng thử việc ở Anh và sau đó gia nhập Barca B. Tuy nhiên, cuối cùng, Yahia không trụ lại được.

Thù lao hậu hĩnh luôn đi đôi với áp lực công việc cao. Điều này thể hiện rõ nhất đối với các HLV. Họ phải luôn đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Một HLV lừng danh như Bert van Marwijk cũng từng bị Liên đoàn Bóng đá UAE sa thải.

3 Luong Cau Thu Uae Cao Gap 200 Lan Dong Nghiep Viet Nam

HLV Maciej Skorza trả lời họp báo cùng HLV Park Hang-seo ở vòng chung kết U23 châu Á 2020. Ảnh: Hoàng Hà.

"Một HLV ngoại làm việc ở UAE trên 2 năm là một hiện tượng. Sau 3 vòng đấu ở giải VĐQG, việc 4 HLV của giải bị sa thải là điều bình thường. Thậm chí, có đội còn sa thải HLV ngay sau một trận thua đầu tiên", HLV Skorza nói.

HLV từng 3 lần vô địch giải VĐQG Ba Lan chia sẻ: "Không có gì chắc chắn về tương lai khi làm việc ở môi trường như thế này. Ngay cả một trả lời phỏng vấn không đúng mực cũng có thể khiến bạn mất việc. Các HLV làm việc ở đây đều chuẩn bị tinh thần cho việc bị sa thải".

HLV Skorza đã chia tay U23 UAE để trở về quê nhà để dẫn dắt CLB Lech Poznan. Ở vòng chung kết U23 châu Á 2020, ông và U23 UAE có trận hòa 0-0 với U23 Việt Nam. Tại giải đấu này, U23 UAE dừng chân ở tứ kết khi thất bại 1-5 trước U23 Uzbekistan.

Nguyên Khang

Nguồn: zingnews.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC