Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới.

42 1 Ngay Cuoi Nam Dem Giao Thua Y Nghia The Nao

Đúng 0h ngày 31/12, Google đổi hình doodle chuẩn bị cho giây phút cả thế giới bước sang một thập kỷ mới. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 31/12, công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google thay đổi hình doodle đêm giao thừa, chào đón năm mới 2020. Hình ảnh rực rỡ cùng nhiều chùm pháo hoa đầy màu sắc báo hiệu một năm mới của thập kỷ mới đang đến rất gần chúng ta.

Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới, là một trong những ngày quan trọng trong tập quán, văn hóa nhiều dân tộc.

Theo từ điển Hán-Việt, "giao thừa" nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến".

Trong dịp này, nhiều quốc gia phương Tây và phương Đông thường tổ chức các lễ bắn pháo hoa hoặc các lễ hội khác để chấm dứt năm cũ và đón mừng năm mới vào đúng thời điểm 0 giờ 0 phút ngày 1/1 đối với Tết Dương lịch, đối với Tết Âm lịch, giao thừa là phút giây thiêng liêng lúc đêm 30 Tết, lúc này khí tiết chuyển sang lập xuân, chính thức bắt đầu năm mới.

Giao thừa (tiếng Anh là New Year's Eve) diễn ra vào ngày 31/12 là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới theo dương lịch. Theo lịch Công giáo Roma, ngày này là lễ kính Giáo hoàng Sylvestrô (viết theo tiếng Latin là Sylvester) mất vào ngày này năm 335. Chính vì vậy tại nhiều quốc gia phương Tây, giao thừa còn gọi là ngày Thánh Sylvester hay Silvester.

Bài hát "Auld Lang Syne" được hát theo truyền thống tại giao thừa ở Scotland và trên toàn thế giới, đặc biệt ở các quốc gia nói tiếng Anh. Ở nhiều quốc gia, đêm giao thừa sẽ được tổ chức họp mặt gia đình bè bạn. Những bữa tiệc lớn chia tay năm cũ được tổ chức, người ta nhảy múa, hát hò xuyên đêm và chờ xem pháo hoa đón năm mới.

Ở Canada, đặc biệt tại các thành phố như Toronto và Niagara Falls, Ontario, Edmonton và Calgary, Alberta, Vancouver, British Columbia và Montreal, Quebec, người dân chào đón năm mới bằng những buổi hòa nhạc hoành tráng, tiệc tùng, một sự kiện thể thao lớn, và bắn pháo hoa, được miễn phí đi lại cho mọi người trong thời gian cao điểm.

Tại Mỹ, giao thừa được tổ chức với những bữa tiệc hoành tráng những hoạt động hướng về gia đình và các sự kiện đại chúng khác. Một trong những lễ hội nổi tiếng nhất tại đất nước này là "thả cầu" tổ chức tại Quảng trường Thời đại của thành phố New York.

Ở Việt Nam, ngoài Tết Âm lịch, người Việt cũng tổ chức lễ đón năm mới theo dương lịch. Tuy nhiên trong suốt nhiều năm, giới chức trách chủ yếu tập trung vào Tết Âm lịch truyền thống, và đó là một truyền thống lâu đời của người Việt Nam.

Nguồn: HẠ VŨ/ Vtc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC