"đại ca" giang hồ lại chuyển sang đóng phim và được tung hô, ca ngợi. Nghịch lý này đang diễn ra ngày một đáng báo động trong showbiz.
Giang hồ Đường Nhuệ đóng hàng loạt phim trên YouTube. Ảnh: Cắt từ clip
Thời gian gần đây, khái niệm "phim giang hồ" trở thành một từ khóa nổi bật trên YouTube. Đa phần các phim giang hồ đều lọt top trending YouTube. Tất nhiên, không thể so sánh các phim web-drama được đầu tư của giới showbiz và clip nhảm của giang hồ thứ thiệt.
Nhưng người xem vẫn khó hiểu: “Tại sao web-drama giang hồ ngày càng nhiều, và nghệ sĩ cũng không ngại biến mình thành... dân chơi?".
Nghệ sĩ xăm hình, hút thuốc để làm giang hồ
Thu Trang là nữ diễn viên hài đầu tiên của Việt Nam được YouTube trao nút vàng. Kênh cá nhân của cô có nhiều sản phẩm nhưng thành tích này đến từ Thập Tam Muội - một web-drama về giang hồ với hơn 120 triệu lượt xem cho 3 tập. Thành công của Thu Trang khiến nhiều nghệ sĩ Việt tham gia đường đua web-drama giang hồ, bạo lực.
Hàng loạt phim giang hồ sau đó như Vi Cá tiền truyện, Chết thì chịu, Thập tứ cô nương và hiện nay là Ông trùm của Ưng Hoàng Phúc... Mô-típ các phim nhìn chung là na ná nhau khi đều có cảnh súng, bạo lực, một vài ngón võ và tràn ngập những nhân vật xăm trổ. Đặc biệt, một số phân cảnh nghệ sĩ không ngại để lộ hình xăm khủng, hút thuốc và ăn chơi.
Nhiều ý kiến cho rằng, web-drama là xu hướng tất yếu nhưng việc nhiều nghệ sĩ đổ xô làm phim về giang hồ có thể đã vô tình cổ vũ bạo lực. Và kéo theo một hệ lụy là giới giang hồ muốn làm nghệ sĩ.
Giang hồ thứ thiệt lên phim được tung hô
Từ năm 2018 đến nay, có hơn 10 web-drama nhiều tập về đề tài giang hồ liên tiếp được thực hiện. Trong khi đó, hiện nay, một số giang hồ thứ thiệt lên màn ảnh với các phim bạo lực đang báo động.
Chẳng hạn đại gia Đường Nhuệ bị bắt và bị khởi tố cách đây không lâu là một trong những gương mặt quen thuộc của phim giang hồ. Quyền lực, tiền bạc - giúp các giang hồ này bỗng nổi như cồn và được tôn vinh là... nghệ sĩ.
Đường Nhuệ từng góp mặt trong nhiều dự án được giới thiệu thuộc dòng phim giang hồ, xã hội đen như Chạm mặt giang hồ 1, 2; Luật lệ giang hồ; Tỉ phú đè đại gia, Gangster - Gã giang hồ... Một điều nghịch lý là ngoài đời, Đường Nhuệ vi phạm pháp luật nhưng trên phim, anh ta hiện lên như một "tượng đài". Các phân đoạn có sự xuất hiện của Đường Nhuệ đều được đạo diễn xếp vào thời điểm quan trọng, như phân đoạn trong một bộ phim Trước cuộc thanh trừng giữa 2 phe phái, trước khi lưỡi dao của ai đó được hạ xuống để tiêu diệt kẻ yếu thế hơn thì Đường Nhuệ có mặt để phân tích phải trái, đạo lý làm người. Nói chung, bất kể khi nào Đường Nhuệ xuất hiện, anh ta như một người hùng được kính nể. Sau này, khi Đường Nhuệ dính vào vòng lao lý, người ta thấy hoảng hốt vì những bộ phim trước đó của gã giang hồ này phi thực tế và đối lập với con người thật.
Phú Lê cũng là một tay giang hồ đang theo hướng như Đường Nhuệ, được cộng đồng mạng phong là ca sĩ, diễn viên sau một số dự án tự đầu tư, chiếu trên YouTube. Trong 2 phần phim Chạm mặt giang hồ, Phú Lê được xây dựng thành nhân vật giàu lòng vị tha, luôn nghĩ đến anh em, hiếu thảo với mẹ. Ngoài ra, Cu Thóc từng bị bắt vì sử dụng ma tuý vào tháng 4.2019 cũng từng tham gia dự án phim của Phú Lê. Ngoài phim ảnh, Phú Lê còn thử sức ở lĩnh vực âm nhạc như Đời là thế thôi, Cát bụi cuộc đời... đạt lượt xem khủng.
Khao khát được cống hiến cho nghệ thuật là điều ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, việc giang hồ đổ xô đi làm nghệ sĩ như hiện nay khiến không ít người ngao ngán. Đặc biệt là sự cổ súy cho bạo lực cũng như tính phí thực tế của những bộ phim này. Những sản phẩm như thế này chỉ là phương thức để các gã giang hồ “tẩy trắng" bản thân, còn mục đích vì nghệ thuật thì chưa hẳn.
Không nên đánh đồng phim giang hồ Hollywood và Việt Nam
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, pháp luật chỉ rõ: Không nên đánh đồng giữa việc nước ngoài làm phim giang hồ ăn khách thì Việt Nam cũng... bắt chước theo, mà quan trọng nằm ở khâu kịch bản và lựa chọn câu chuyện hợp lý.
Luật sư Hoàng Bảo Chung cho biết, hiện có một số nghị định quy định về những nội dung được sản xuất và quảng bá trên Internet như nghị định số 158/2013/NĐ-CP và 06/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, ông cho biết hiện nay việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các sản phẩm phim giang hồ chọn cách phát trên YouTube.
“YouTube đang đánh mạnh khâu bản quyền, nhưng ở nội dung bạo lực hay mức độ ảnh hưởng đến giới trẻ, YouTube chưa thật sự thắt chặt. Đó là lý do ngày càng không ít sản phẩm như thế này phát hành. Nhìn chung, phim giang hồ, bạo lực ở nước ngoài không hiếm, đặc biệt ở Hollywood, khán giả xem rất đã mắt. Nhưng chúng ta không thể đánh đồng vì văn hóa mỗi nước khác nhau.
Và đặc biệt người đóng ở Hollywood là các diễn viên chuyên nghiệp, kịch bản chặt chẽ. Trong khi ở Việt Nam, giang hồ thứ thiệt cũng đóng được thì cần đáng báo động. Cần phải thắt chặt hơn vì quy định phát hành phim YouTube và diễn viên tham gia, để hạn chế tình trạng này".
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Trọng Nhân bày tỏ lo ngại: “Việc có nhiều nghệ sĩ, giang hồ làm phim bạo lực thế này không sớm thì muộn sẽ làm ảnh hưởng đến người xem, nhất là người trẻ. Bởi xu hướng bắt chước của người trẻ rất cao, nhất là trào lưu này đang nổi".
Ngọc Dủ
Nguồn: laodong.vn