Trong cuộc sống thường nhật, đa phần chúng ta đều có những thời điểm rơi vào hai khuynh hướng: Tin một cách mù quáng hoặc mất niềm tin. Và thực tế, chúng ta đều phải trả giá đắt nếu rơi vào hai khuynh hướng này.
Nếu mất niềm tin, chúng ta không còn động lực để làm việc, không còn động lực cống hiến, mất phương hướng cả ở hiện tại và tương lai.
Ngược lại, nếu tin một cách mù quáng, chúng ta lại dễ dàng trở thành con mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo, lợi dụng sự cả tin - dù đôi lúc niềm tin mù quáng được đáp lại cũng là một trải nghiệm mang lại những bài học giá trị cho cuộc đời.
Thường thì khi con người ta mắc bệnh nan y sẽ dễ bị đẩy tới hai hướng: Thứ nhất là tìm hiểu xem về tâm linh đang gặp vấn đề gì và nếu như không tỉnh táo suy xét cũng có thể bị đẩy tới mê tín dị đoan, hao tổn tiền của mà không có được kết quả.
Thứ hai là tìm những người chữa bệnh được "phong thần", mong sẽ gặp điều thần kỳ, bất kể là mất bao nhiêu công sức, tốn kém bao nhiêu tiền của. Nhưng thực chất thì đấy là những lang băm, theo từ điểm tiếng việt - chỉ kẻ hành nghề chữa bệnh cứu người nhưng dốt nát, chữa trị bừa phứa, cốt để kiếm tiền, không có nhân cách lương y.
Những năm gần đây các “bài thuốc” như dẫm vào người, nắn bóp, vỗ tay hết bệnh, trăm bệnh một loại thuốc, khuyến mãi cúng lễ khi bốc thuốc, chữa bệnh miễn phí nhưng lại phải “đặt vé” nếu muốn gặp “thần y”… được các “lang băm” thực hiện một cách tinh vi để lừa người bệnh.
Các phương thuốc, cách chữa bệnh “thần kỳ” của các lang băm không chỉ được nhân dân trong một vùng, một địa phương biết đến mà vượt ra phạm vi cả nước, thậm chí vì mong muốn được các “thần y” chữa trị mà nhiều người bỏ những số tiền không nhỏ vào đây.
Ấy thế mà bệnh vẫn không khỏi. Câu chuyện “tiền mất, tật mang” không còn là câu chuyện xa lạ mà trở thành phổ biến trong cả “lịch sử” bệnh nhân chữa bệnh ở các “thần y” tự phong danh.
Câu hỏi đặt ra, ai phong danh cho họ trở thành “thần y”, ai là người làm quảng bá “thương hiệu” cho họ?
Có những người tốn rất nhiều công sức, tiền của, sức khỏe, thậm chí mất mạng vì tin theo “phác đồ” điều trị mà các “lương y” tưởng tượng ra.
Thế nhưng thật đau lòng vì có những điều tra cho kết quả rằng, các trường hợp chữa khỏi bệnh như được quảng cáo đều là người nhà, bà con chòm xóm. Vì sao ư?
Một người được xưng danh “thần y” cả họ được nhờ. Chẳng lạ lùng hiếm hoi gì cái cảnh ăn chực, nằm chờ của những người có bệnh xung quanh địa điểm “thần y” thăm khám. Nếu càng nhiều người đến thì các ban, bệ, những người phục vụ “thần” lại càng nhiều. Con cháu thì làm chân phục vụ, điếu đóm, chè trà. Hàng xóm láng giềng thì được chân dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ… Cả một dây chuyền, hệ thống ăn theo, đu bám lấy “người giời” thì tất nhiên họ sẽ phải thổi phòng sự thật, thêu dệt đủ điều ma mị cho người dân nghĩ rằng năng lực ấy là do bề trên ban cho, là người được "thánh, thần" lựa chọn cứu nhân, độ thế.
"Thần dược" mà lang Tiên cho người chưa bệnh đun nước uống. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam. |
Tờ Lao động đã từng có phóng sự về bà Phạm Thị Phú ở Thái Nguyên từ một người buôn bán bình thường bỗng nổi tiếng thành “thần y” chữa nhiều loại bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư bằng cách nắn bóp mặc dù chỉ đăng ký là cơ sở tẩm quất chứ không hề có gì liên quan đến chữa bệnh. [1]
Hay như dí một chiếc lá vào người biết người đó bị bệnh gì như “ông Lang” Tiên (Phú Thọ). Trăm bệnh, là bệnh nhẹ hay nặng như ung thư thì cũng chỉ uống một loại “thuốc”, loại thuốc này được người dân trong địa phương gọi là thân cây Đáng, Chè rừng và một số loại cây khác. Loại cây này uống mát, thanh nhiệt cơ thể, người dân trong xã hay đun nước uống hàng ngày. [2]
Gần đây nhất là câu chuyện về “thần y” Võ Hoàng Yên bị tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhiều tỷ đồng đang được dư luận thực sự quan tâm. Điều đáng nói ở đây chính là việc có những thông tin cho rằng ông Yên nổi tiếng chữa bệnh “thần thông quảng đại”, nhiều bệnh nhân đều khỏe lại kể cả như ca bệnh vô phương cứu chữa, và điều quan trọng hơn là hoàn toàn miễn phí. [3]
Trong một số clip được phát công khai trên nhiều phương tiện truyền thông, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng đã đề cập tới chuyện ông Yên nói khám chữa bệnh bấm huyệt miễn phí, nhưng lại có chuyện nhiều người dân nghèo muốn có địa chỉ tới gặp ông Yên chữa bệnh thì phải nộp tiền. Vậy ai tổ chức việc này, ai thu tiền? Số tiền được cho là “thu lợi” từ việc bán vé, mua vé mỗi lần muốn gặp “thần y” tới nay là bao nhiêu, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trung tâm phục hồi chức năng được đưa vào hoạt động từ năm 2014 với diện tích 4,5ha tại xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bị bỏ hoang. |
Thực hư câu chuyện tài chính vẫn đang được làm rõ, nhưng nếu có việc lợi dụng niềm tin, khó khăn và sự khổ sở từ bệnh tật của người dân để làm những trò lừa bịp chữa bệnh là điều không thể chấp nhận được.
Đánh vào tâm lý của người bệnh “có bệnh thì vái tứ phương”, hơn nữa hầu hết những bệnh các “thần y” mang danh “chữa giỏi”, “chữa hết” đều là nan y… hầu hết là những căn bệnh chờ đợi kỳ tích trên chặng đường cam go chiến đấu với bệnh tật.
Đáng nhẽ, với tư cách là những người hành nghề y thì phải tập trung vào việc chữa bệnh cứu người, không lấy sự đau khổ, bệnh tật của người bệnh để mua bán, tư lợi về bản thân mình.
Bản chất của vụ lợi trên nỗi đau về thể xác, tinh thần của những người bệnh là sự tham lam, độc ác không thể dung thứ! Họ lừa cả tiền của lẫn niềm tin của người bệnh, của rất nhiều gia đình. Ngoài chuyện hao tốn tiền của, người bệnh tin mù quáng vào những "ông thần, bà thánh" còn đánh mất nhiều thời gian, cơ hội được khám chữa bệnh.
Tiền thì mất, tật thì không đỡ, nhưng hơn ai hết những người mang “đức tin” mãnh liệt vào các “thần y” là những người nhận lại thất vọng, chán nản và thậm chí mất cả mạng sống.
Có rất nhiều bác sỹ, chuyên gia ngành y đã lên tiếng để vạch ra những cách chữa bệnh không có cơ sở khoa học, thậm chí phản khoa học, nhưng vẫn còn rất nhiều người dân mang theo tâm lý hiếu kỳ, thử một lần lấy may nên những "thần y dởm" vẫn còn đất diễn.
Tất cả đều là những lời đồn thổi - chữa bệnh không lấy tiền, nhưng nếu có yêu cầu nộp vài chục nghìn tiền nước, tiền điện, hay thậm chí là tiền thắp nhang khấn khấn vái vái trước khi được xoa bóp thì không ai ngần ngại. Không ai tiếc vài chục nghìn đồng, một trăm nghìn đồng, nhưng mỗi ngày có cả trăm người như vậy thì số tiền mà những "thần y dởm" thu về sẽ là con số rất lớn.
Chính vì thế, nhìn nhận một cách thật sự khách quan, “đất sống”, “đất diễn” của những lang băm này là do tính hiếu kỳ, a dua, mê muội của người dân bày sẵn. Nếu như vẫn còn nhu cầu, vẫn còn những người dân tin mù quáng, vẫn muốn thử một lần thì vẫn sẽ mọc ra nhiều "thần y" tự phong gây họa cho nhiều người, nhiều gia đình.
Thời gian gần đây sự việc lùm xùm liên quan tới lương y Võ Hoàng Yên gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội. Không biết ai đã phong cho ông Võ Hoàng Yên danh “thần y”, nhưng trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn cũng gọi ông Yên như vậy. Ngày 11/3 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu tạm dừng việc mời ông Võ Hoàng Yên về địa phương chữa bệnh.
Ông Võ Phiên – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất theo đề nghị của Công an tỉnh Quảng Ngãi, tạm dừng việc mời và cấp phép hoạt động khám chữa bệnh đối với ông Võ Hoàng Yên trên địa bàn Quảng Ngãi. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên và cộng sự tại huyện Bình Sơn trong năm 2020, báo cáo lại Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/3. (4)
Như vậy là khi có nhiều thông tin về những vấn đề bất thường trong chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên thì tỉnh Quảng Ngãi đã lập tức hành động. Còn chính quyền ở những nơi cũng xuất hiện "ông thần, bà thánh" tự phong thì sẽ hành động ra sao?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/phong-su/su-that-ve-than-y-chua-bach-benh-o-thai-nguyen-526524.ldo
[2] https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/ve-phu-tho-xem-thay-lang-tien-bat-benh-bang-cach-so-lung-d47955.html
[3] https://tuoitre.vn/than-y-vo-hoang-yen-da-xin-tra-lai-tien-nhung-vo-chong-ong-dung-lo-voi-khong-rut-to-cao-20210306223117824.htm
[4] https://tuoitre.vn/quang-ngai-chan-than-y-vo-hoang-yen-ve-chua-benh-cho-nguoi-dan-20210314195208012.htm
Cao Kim Anh
Nguồn: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam