Vượt qua lệnh cấm của trùm phát xít Hitler, loại súng trường tấn công này đã đến được tay lính Đức, gây ra những nỗi kinh hoàng trên chiến trường Thế Chiến II.

42 1 Stg 44   Loai Sung Bi Hitler Hat Hui Nhung Lai Vo Cung Dang So

Một lính bắn tỉa Đức sử dụng khẩu Stg-44 gắn kính ngắm trên chiến trường. Ảnh: Wikimedia

Năm 2012, khi cuộc nội chiến ở Syria vừa bùng lên, lực lượng Quân đội Tự do Syria nổi dậy đã tìm thấy một kho chứa với 5.000 khẩu súng vẫn còn bóng dầu mỡ trên sa mạc. Họ nghĩ rằng đã phát hiện ra kho súng AK của quân đội chính phủ, và hoan hỉ chia nhau số chiến lợi phẩm này.

42 2 Stg 44   Loai Sung Bi Hitler Hat Hui Nhung Lai Vo Cung Dang So

Súng Stg-44 có vẻ ngoài khá giống với súng AK-47. Ảnh: Wikimedia.

Các chiến binh nổi dậy Syria lúc đó không ngờ được rằng họ đang nắm trong tay một "kho báu" mà các nhà sưu tập vũ khí trên thế giới phải mơ ước, đó là những khẩu súng Stg-44, loại vũ khí đầy uy lực của quân đội phát xít Đức hồi Thế Chiến II, nguồn cảm hứng cho nhiều loại súng trường tấn công hiện đại sau này, trong đó có AK-47.

Năm 1944, khi Thế Chiến II dần đi đến hồi kết, trong cơn tuyệt vọng, Đức Quốc xã hối thúc các kỹ sư quân sự chế tạo Wunderwaff, các "vũ khí kỳ diệu" mà người Đức hy vọng sẽ đánh trúng vào điểm yếu của quân đồng minh và xoay chuyển cục diện chiện trường

Dựa trên những kinh nghiệm tác chiến đô thị ở mặt trận phía Đông, phát xít Đức đã chế tạo một vũ khí sử dụng loại đạn mới, lớn hơn đạn súng lục nhưng ngắn hơn đạn tiêu chuẩn của súng trường để trang bị cho quân đội. Ngoài ra, nó được thiết kế theo cơ chế bắn bán tự động hoặc liên thanh với hộp tiếp đạn 30 viên.

Đó chính là súng trường Sturmgewehr 44 hay Stg-44, cha đẻ của mọi khẩu súng trường tấn công hiện đại và nó được coi là một cuộc cách mạng trên chiến trường thời kỳ đó. Dù ra đời quá muộn và không thể làm thay đổi kết cục của cuộc chiến, Stg-44 đã thực sự làm thay đổi ngành thiết kế súng trường của thế giới.

Những kinh nghiệm chiến trường trong thập niên 1930 và 1940 đã khiến nhiều sĩ quan Đức tin rằng quân đội hiện đại cần một loại vũ khí bộ binh có uy lực hơn súng trường bắn phát một trong nhiều môi trường tác chiến. Trên mặt trận phía  Đông lúc đó, Hồng quân Liên Xô được trang bị các vũ khí bán tự động như súng trường Tokarev SVT-38 hoàn toàn áp đảo các loại súng tiểu liên của quân Đức, khiến quân phát xít chịu thiệt hại nặng nề.

Năm 1942, các nhà máy sản xuất vũ khí của Đức nhận được bản thiết kế của một loại súng carbine có thể sản xuất nhanh và tiết kiệm từ các bộ phận làm bằng thép cán. Đó chính là khẩu súng carbine MKb42 do Hugo Schmeisser thiết kế.

Súng MKb42 sử dụng đạn Kurz 7.92x33 mm, một loại đạn cỡ trung. Lính Đức trên chiến trường rất thích vũ khí này, đặc biệt khi bắn liên thanh, bởi đạn được lắp vừa đủ để tiêu diệt đối phương mà vẫn kiểm soát được độ giật của nòng súng.

Tuy nhiên, quân đội Đức gặp phải rắc rối lớn với khẩu MKb42, đó là ông trùm Hitler ghét cay ghét đắng thứ vũ khí mới này. Theo một số nhà sử học, Hitler căm ghét khẩu súng mới có thể do những trải nghiệm của thời kỳ làm lính trong Thế Chiến I, hoặc do ông trùm này tự cho rằng mình là thiên tài quân sự lỗi lạc nhất từ trước đến nay, và mọi loại vũ khí mới đều phải do ông trùm đích thân chỉ đạo.

Hậu quả là Hitler ra lệnh ngừng sản xuất loại súng uy lực được binh lính rất ưa thích này. Tuy nhiên, các tướng Đức đã quyết định làm liều khi lén lút thực hiện dự án sau lưng Hitler. Họ đã đổi tên MKb42 thành súng MP-43 và tuyên bố đây là phiên bản nâng cấp súng tiểu liên đang được trang bị trong quân đội Đức. Tất nhiên, nó không phải là súng tiểu liên, và cuối cùng Hitler cũng phát hiện ra "trò mèo" của các tướng lĩnh thuộc quyền.

Đó cũng là lúc ông trùm phát xít nhận thấy lính Đức ở mặt trận phía Đông đang yêu cầu được cung cấp thêm loại súng đó. Những câu chuyện về lính Đức áp đảo chiến trên chiến trường, tạo ra uy lực gần như hủy diệt nhờ trang bị súng MP-43 đã khiến vũ khí này trở thành huyền thoại ở cả hai phía trong chiến tuyến.

Bởi vậy, Hitler đã không ra lệnh xử bắn các sĩ quan bất tuân mệnh lệnh, thậm chí còn yêu cầu được bắn thử một khẩu MP-43. Trùm phát xít đã bị ấn tượng với khẩu súng mới đến mức đặt biệt danh cho nó là "Sturmgewehr", nghĩa là "súng trường bão táp" hay "đột kích mục tiêu bất ngờ" để phục vụ mục đích tuyên truyền. Tuy nhiên, thuật ngữ chung trong tiếng Anh nghĩa là "tấn công", và Stg-44 trở thành "cha đẻ" của hầu hết các loại súng trường tấn công ngày nay.

Thể hiện uy lực

Dù ra đời muộn, Stg-44 vẫn gây ra thiệt hại đáng sợ cho đà tiến công của quân đồng minh. Trong lần đầu chạm trán loại súng này ở trận Bulge, lính Mỹ với những khẩu M-1 Garand đã hoàn toàn bị áp đảo, đánh mất lợi thế chủ động về tay lính Đức.

"Trang bị của lính Đức trong nhiều trận đánh đều ưu việt hơn hẳn đối thủ. Nhờ trang bị súng trường tấn công Sturmgewehr, một nhóm nhỏ lính Đức cũng có hỏa lực áp đảo một đơn vị bộ binh Mỹ lớn hơn rất nhiều trên chiến trường", sử gia Christer Bergstrom viết trong cuốn Trận Ardennes 1944-1945.

Với những khẩu M-1 Garand chỉ có hộp tiếp đạn 8 viên, sử dụng đạn 7,62 mm Springfield, lính Mỹ nhiều lúc bất lực trước hỏa lực dồn dập từ những khẩu Stg-44 của lính Đức.

42 3 Stg 44   Loai Sung Bi Hitler Hat Hui Nhung Lai Vo Cung Dang So

Súng Stg-44 vẫn còn được sử dụng trên nhiều chiến trường ngày nay. Ảnh: Military

Người Đức còn sản xuất ra các phụ kiện khiến StG-44 trở nên nguy hiểm hơn, chẳng hạn như kính ngắm hồng ngoại nhìn đêm Vampir có thể phát hiện và tiêu diệt đối phương khi trời tối. Có lẽ thiết bị kỳ lạ nhất là Krummlauf, một nòng cong 30 hoặc 45 độ giúp người lính bắn ở các ngóc ngách nhờ sự hỗ trợ của một kính tiềm vọng đặc biệt.

Sau Thế Chiến II, súng trường Sturmgewehr đã thay đổi diện mạo ngành thiết kế vũ khí, và quân đội trên toàn thế giới bắt đầu được trang bị súng trường có thể thay đổi chế độ bắn và súng cacbin sử dụng đạn cỡ trung. Hiện nay, có khoảng 500.000 khẩu Stg-44 do phát xít Đức sản xuất vẫn được sử dụng trên các chiến trường.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC