Là người nước ngoài, chính xác là người Palestine, sống tại Việt Nam, tôi đã đi hết những trầm trồ này đến những ngạc nhiên khác khi trải qua gần 9 cái Tết Việt.

42 1 Tet Viet Trong Mat Ke Tha Huong

Saleem trong trải nghiệm làm bánh chưng

Năm 2020 đầy biến động đang dần khép lại, như vậy cũng đồng nghĩa với việc Người Việt Nam sắp đón Tết Nguyên đán (Tết truyền thống – Tết Việt), và tôi cũng chuẩn bị đón cái Tết Việt thứ 9 của mình.

Tết là sự kiện văn hóa đối với mỗi người, nhất là với những dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời. Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là một món ăn tinh thần không thể thiếu, là ngày để đoàn tụ sum họp các thành viên trong gia đình, để các thế hệ tề tựu quây quần bên mâm cơm ấm cúng, cùng đón năm mới và những hứa hẹn về một tương lai tươi đẹp.

Với mỗi năm tôi lại có sự cảm nhận về ngày Tết khác nhau, nhưng có thể nói rằng, càng ngày tôi càng cảm nhận rõ nét và hiểu hơn rất nhiều về phong tục, tập quán của người Việt, điều mà ở cái Tết đầu tiên tôi chưa thể cảm nhận được, cũng bởi ngày đó trình độ tiếng Việt của tôi cũng như sự hiểu biết của tôi về văn hóa và phong tục tập quán của người Việt Nam còn rất khiêm tốn. Với tôi, cái Tết đầu tiên đó là cả một bầu trời của sự ngỡ ngàng, lạ lẫm, cảm giác khác biệt xen lẫn tò mò, khó hiểu.

Không khí sôi động và hân hoan của dịp Tết Nguyên đán mà tôi có thể thấy được rõ nét nhất là vào những ngày giáp tết khi đi cầu nguyện tại Thánh đường Hồi giáo số 12 Hàng Lược. Vào thời điểm này người người bỗng trở nên vội vàng chuẩn bị, sắm đồ đón Tết vô cùng náo nhiệt và rộn ràng.

Đặc biệt là từ ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) trở đi, tức là ngày tiễn ông Công ông Táo về Trời. Quả thực, về ngày này với người ngoại đạo như tôi rất thú vị vì vô cùng khó hiểu dù được bạn bè Việt Nam giải thích khá nhiều. Tôi thấy mọi người nô nức đi thả cá vàng ngoài sông, hồ với tâm trạng rất vui vẻ.

Rồi người ta cũng tấp nập đi mua hoa đào, cây quất để mang về trưng diện trong nhà, rồi trang trí chúng bằng những dây đèn lấp lánh và những đồ trang trí mang đậm văn hóa phương Đông với màu đỏ vàng là hai màu chủ đạo thể hiện hạnh phúc và may mắn.

Tôi luôn nghĩ rằng để học giỏi Tiếng Việt thì phải học từ cái gốc của Tiếng Việt, đó là phải học bằng sự trải nghiệm các lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán,… thì mới thực sự hiểu ngôn ngữ và con người Việt Nam. Từ rất lâu rồi, tôi vẫn luôn hướng đến ước muốn là có thể làm cầu nối văn hóa để kết nối các giá trị văn hóa của Việt Nam với thế giới Ả Rập cũng như Palestine  - Quê hương tôi!

Nhiều bạn bè của tôi cũng thường nói về việc bận bịu mua sắm quà Tết biếu tặng người thân, họ hàng, bạn bè, đối tác để bày tỏ lòng biết ơn cũng như thể hiện sự quan tâm trong các mối quan hệ.

Quả thực người Việt vô cùng trọng lễ nghĩa.

Có lẽ điều này cũng được thể hiện qua một phong tục lâu đời của người Việt đó là Thờ cúng tổ tiên.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt rất sâu sắc và với tôi đó là một truyền thống vô cùng tốt đẹp, giáo dục người đời sau phải tôn kính và biết ơn các thế hệ đi trước.

Ban thờ tổ tiên là nơi được người Việt coi trọng vì sự linh thiêng, con cháu trong nhà phải thể hiện sự tôn kính bằng việc chắp tay bái lạy.

Vào ngày Tết, Ban thờ cũng là nơi được trang hoàng rực rỡ và được sửa soạn tinh tươm, bày biện bởi mâm cao cỗ đầy thịnh soạn với đủ những đồ lễ truyền thống.

Bánh chưng là hình ảnh tiêu biểu gắn liền với ngày Tết Việt.

Tôi đã rất may mắn khi có được rất nhiều trải nghiệm và kỷ niệm với loại bánh truyền thống này. Tôi đã được trải nghiệm gói khá nhiều loại bánh chưng ở Việt Nam và tôi tin rằng không phải người Việt Nam nào cũng có được trải nghiệm gói bánh chưng như tôi, vì xã hội ngày càng hiện đại, con người cũng bận rộn hơn, dịch vụ bán bánh chưng gói sẵn trở nên quen thuộc.

Nếu ngày xưa gia đình nào cũng sẽ tự gói bánh chưng, trẻ con cũng tham gia trông luộc bánh, nhưng bây giờ không phải nhà nào cũng có thể thực hiện hoạt động vô cùng ý nghĩa này.

Có thể nói, là người yêu những giá trị truyền thống, tôi thấy vô cùng tiếc cho thế hệ trẻ ngày nay khi dần lãng quên những hoạt động truyền thống dân tộc.

Tôi đã từng gói bánh chưng vuông bằng khuôn ở Phú Thọ; gói bánh chưng Bồ Đậu bằng tay ở Thái Nguyên; đến Hà Giang tôi lại được gói bánh chưng đen của dân tộc Tày; và ở Cần Thơ tôi được gói bánh chưng dài (bánh tét) – là một trong những đặc sản miền Tây.

Tiếc là tôi lại chưa từng nếm thử các loại bánh chưng do chính tay mình gói vì tôi không ăn được thịt lợn, và điều đó khiến tôi nảy ra ý định: Gói bánh chưng bằng thịt cừu.

Nhất định sau này tôi sẽ biến tấu đi một chút, sẽ thực hiện việc gói bánh chưng bằng thịt Lạc đà – đặc sản tiêu biểu của Sa mạc Ả Rập nói chung và Palestine nói riêng, để dung hòa ẩm thực giữa hai nền văn hóa lâu đời vốn được coi là vô cùng khác nhau.

Vào ngày tết Palestine sẽ không có bánh chưng giống như Việt Nam nhưng cũng có bánh truyền thống với nguyên liệu cơ bản là đặc sản phổ biến nhất và gần gũi nhất với đời sống của người nông dân ngày xưa. Đó là bánh Eid - một loại bánh ngọt giống bánh Trung thu của Việt Nam nhưng nhân bánh được làm từ quả Chà là.

 42 2 Tet Viet Trong Mat Ke Tha Huong

Saleem 

42 3 Tet Viet Trong Mat Ke Tha Huong 

Saleem xin chữ

Sau 9 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, tôi đã nhận ra rằng Tết Việt Nam và Tết Palestine có một vài điểm tương đồng như: Dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón tết; chế biến rất nhiều món ăn truyền thống, sum họp đoàn tụ các thành viên trong gia đình; diện đồ thật đẹp đi thăm viếng người thân, bằng hữu, hàng xóm láng giềng; mừng tuổi cho người già, trẻ em bằng tiền lì xì...

Và cũng giống như Việt Nam, Palestine cũng có ý nghĩa của những ngày tết như:

“Mồng 1 Tết Cha- Mồng 2 Tết Mẹ - Mồng 3 Tết Thầy”. Điểm khác biệt nằm ở chỗ: Thời điểm tết của 2 dân tộc khác nhau.

Tết Việt thường được tổ chức cố định vào mùa đông – xuân, tầm khoảng tháng 2 dương lịch hàng năm, còn Tết Palestine được tổ chức sau Tháng  Lễ Ramadan, thời điểm không cố định mà luân phiên tuần tự vào các mùa được tính theo lịch đạo Hồi. Vì thế chúng tôi có thể đón Tết vào các mùa khác nhau, mỗi mùa Tết sẽ có sự thú vị riêng và vô cùng đặc biệt.

Ngoài ra sau Tết 2 tháng, chúng tôi được đón thêm một Tết Lớn (Tết giết cừu) khi các tín đồ Hồi giáo đã hành hương đến thánh địa Mecca để cầu nguyện, và sau khi trở về sẽ thực hiện nghi thức giết cừu và phân phát thịt cừu cho người thân, họ hàng, và những người nghèo hay kém may mắn hơn.

Đối với riêng tôi, Tết Việt mang lại nhiều niềm vui nhưng bên cạnh đó là thấp thoáng của những nỗi buồn man mác.

Bởi vì thời điểm Tết của 2 đất nước khác nhau, nên đó cũng là lý do, khi ở lại Việt Nam ăn Tết Việt tôi lại thấy nhớ Tết Palestine rất nhiều, mong sớm có thể trở về với gia đình để được hưởng không khí như người Việt Nam đang được đón tết Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi lại ở thủ đô Hà Nội – trung tâm Văn hóa – Kinh tế - Chính trị của Việt Nam, vì thế Hà Nội trở thành điểm đến vì có nhiều cơ hội việc làm, dân cư các tỉnh cũng đổ về làm việc.

Hình ảnh Hà Nội lúc nào cũng đông vui, náo nhiệt thường ngày lại không còn như vậy nữa vào những ngày Tết, khi người dân các tỉnh lần lượt về quê ăn tết đoàn viên, để lại Hà Nội với một không gian yên tĩnh và vắng vẻ lạ thường.

Có lẽ vì thế nên mỗi lần bạn bè hỏi tôi:

“Tết này Saleem có về nước không?” cũng khiến tôi không khỏi lặng đi, phảng phất chút buồn. Thực sự, tôi thấy vui cho mọi người vì được hưởng những điều tôi đang không có, cũng vui cho mình vì được nghỉ dưỡng một khoảng thời gian không ngắn sau một năm làm việc miệt mài...

Dù vẫn luôn coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình nhưng dù thế nào tôi vẫn là người gốc Palestine, sinh ra và lớn lên ở Palestine, nên nhìn cảnh gia đình đoàn viên ấm áp, hạnh phúc, tôi lại có đôi chút tủi thân, chạnh lòng.

Càng gắn bó lâu với Việt Nam tôi lại càng yêu mến đất nước và con người nơi đây.

Vào những dịp Tết mà được bạn bè Việt Nam mời về quê ăn Tết cùng gia đình các bạn, tôi lại cảm nhận được sự thân thiện, mến khách và sự hào phóng của người Việt Nam. 

Nguồn: SALEEM HAMMAD/ Tienphong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC