- Chị trải qua những ngày cứu trợ lũ lụt ở Huế ra sao?
- Trước khi lên đường, tôi xác định chuyến đi sẽ rất vất vả vì không thành thạo địa hình nơi đây. May mắn, khi đăng tin trên mạng xã hội, tôi được nhiều tình nguyện viên chung tay. Hôm 13/10, vừa đặt chân xuống Đà Nẵng, tôi đón xe thẳng ra Huế, cùng trợ lý chia nhau tìm mua các nhu yếu phẩm. Để kiếm lương thực lên đến hàng nghìn thùng, chúng tôi phải gom mỗi nơi một ít vì siêu thị, đại lý đều hết sạch hàng. Thuốc men cũng vậy, chúng tôi chạy đôn chạy đáo, mua mỗi chỗ cỡ chục vỉ rồi góp lại.
Khó khăn nhất là lúc tiếp cận người dân. Tôi làm thiện nguyện mà không thông qua tổ chức đoàn thể nào, chỉ tự mày mò. Trên đường đi, thấy chỗ nào khổ quá, chúng tôi vào hỏi thăm, tặng quà. Mỗi ngày, tùy vào tình hình thời tiết, chúng tôi sẽ lên lịch trình đến những nơi phù hợp. Như hôm 17/10, nghe tin dự báo Huế có mưa rất to, tôi chỉ đến các vùng ven đô để hỗ trợ người dân. Việc đi lại khá khó khăn vì một số tuyến đường nội thành nước đã ngập đến bụng, phải rào lại. Hôm trước, chúng tôi vào một nơi ngập sâu, thuyền suýt lật vì nước tràn vào. Nhưng lúc đó, chúng tôi chỉ thương người dân bị cô lập trong nhà, sợ nước cuốn trôi nên không dám bơi ra lấy thực phẩm.
- Hơn ba ngày quyên góp được 40 tỷ đồng, chị áp lực ra sao với số tiền lớn như vậy?
- Từ lúc kêu gọi quyên góp đến nay, tôi bị mất ngủ, mỗi ngày chỉ chợp mắt một hai tiếng. Tính tôi hay lo lắng, mang trong người hàng chục tỷ đồng tiền cứu trợ lại càng thêm "cân não". Đi thiện nguyện đã lâu, tôi hiểu trọng trách lớn nhất là mang theo kỳ vọng của hàng nghìn, hàng vạn người. Bỏ tiền túi làm từ thiện thì rất dễ, có sai sót gì thì coi như tự mình gánh. Ngược lại, giữ tiền của mọi người là áp lực rất lớn, không biết mình có làm tốt như mong muốn, rồi sức khỏe đâu mà lăn lộn từng ấy ngày. Nhưng rồi tôi vẫn quyết định làm vì biết nhiều người đang cần mình ngoài kia. Sức khỏe tôi vẫn ổn, chỉ có điều cơ thể nhiễm lạnh do lội nước, phải chích vitamin C.
- Chị nghĩ vì sao mình được ủng hộ đến vậy?
- Tôi nghĩ mình từng bước tạo được niềm tin từ mọi người. Không phải đột nhiên tôi huy động được số tiền này. Từ lúc năm, sáu tuổi, tôi đã theo chân mẹ đi làm từ thiện. Những lần quyên góp trước - như đợt kêu gọi giúp đỡ miền Tây bị hạn mặn hay giúp công nhân nghèo, tôi căng thẳng vì luôn phải tư duy làm sao để sử dụng đúng số tiền mọi người đã gửi gắm. Sau này, trong mỗi chuyến đi, tôi luôn dặn các tình nguyện viên, làm gì thì làm phải để sau này nếu có việc lớn, mình kêu gọi, mọi người vẫn ủng hộ. Do đó, tôi luôn đau đáu việc phải minh bạch tiền quỹ. Đi đến đâu, tôi livestream đến đấy, vừa để thông tin đến người dân vùng lũ, vừa để những mạnh thường quân nắm được tình hình.
- Chị lên kế hoạch sử dụng tiền quỹ ra sao?
- Trước mắt, tôi vẫn cứu trợ người dân theo kiểu tùy cơ ứng biến, chủ yếu là cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men. Đang cấp bách, nếu ngồi một chỗ lên lịch trình chi tiết, tôi e mọi người sẽ đói hết trước khi chúng tôi tìm đến. Tùy từng hoàn cảnh mà chúng tôi cho tiền nhiều hay ít. Có nơi 500 nghìn đồng, nhưng có cụ già ở cùng với người cháu mất trí, chúng tôi gửi 20 triệu. Sau trận lũ, nhà tan cửa nát thì bấy nhiêu đó đâu có nhiều nhặn gì. Tôi luôn đặt mình vào câu chuyện của từng người để đồng cảm hơn với họ. Chúng tôi sẽ có kế hoạch bài bản hơn để giúp được nhiều người sau lũ, chẳng hạn trao tiền mặt để họ dựng lại nhà cửa, mua đồ đạc bị cuốn trôi, sửa chữa cầu đường...
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến tranh cãi, nói tôi nên cho người dân "cần câu" thay vì "con cá". Đó là ý kiến đúng, nhưng ở trường hợp khác. Lúc này, thứ trên hết họ đang cần là lương thực, nhu yếu phẩm. Sau này, chuyện tạo công ăn việc làm cũng có phải có sự tính toán lâu dài với một vùng dân rộng lớn như vậy, chứ không phải muốn là làm được ngay. Một ngày đi cứu trợ đã mệt, tối về đọc phải những bình luận chê bai, ban đầu tôi tức lắm. Sau cùng, tôi nhận ra, chín người thì mười ý, tôi có cố gắng đến đâu cũng không thể làm hài lòng hết thảy số đông.
- Điều gì khiến chị xúc động nhất trong những ngày qua?
- Tôi không đếm được những nơi chúng tôi tìm tới. Nhiều địa điểm tôi không nhớ nổi tên vì lần đầu nghe. Điều khiến tôi cảm động là trong lúc cùng quẫn nhất, người dân vẫn hỗ trợ nhau đúng kiểu tình làng nghĩa xóm. Nhiều nơi, người ta quên khốn khó riêng của bản thân để chỉ về những mái tranh lụp xụp - nơi có hoàn cảnh khổ hơn mình. Khi tôi đến một ngôi làng, trong xóm có nơi cao, nơi thấp, người dân chuyển sang sống chung nhiều ngày trong ngôi nhà cao nhất, bẻ cho nhau từng gói mì sống, miếng lương khô. Xung quanh nơi họ ở, tường vẫn còn nguyên dấu vết nước ngập đến nóc nhà. Có người cầm tiền cứu trợ mà khóc nhòe mắt.
- Chồng chị - cựu cầu thủ Công Vinh - nói gì khi vợ vào vùng lũ cứu trợ?
- Sáng hôm tôi bày tỏ ý định đi Huế, chồng tôi cản ngay. Anh nói: "Nước lũ đang lên, xe tàu chở hàng hóa còn bị đình trệ, em ra đó làm sao xoay sở? Rồi lỡ vào những vùng ngập sâu, nước chảy xiết thì thế nào? Cứ ở nhà, lũ rút, anh sẽ cùng em ra đó". Nhưng tính tôi đã quyết là làm, chiều hôm đó tôi bay ra ngay. Anh chỉ còn cách than trời, bảo tôi là "cô vợ trời hành".
Thủy Tiên cùng chồng - cựu cầu thủ Công Vinh - thường đồng hành trong các chuyến thiện nguyện. Ảnh: Fanpage Thủy Tiên.
Chồng biết tính tôi, dù có dặn cũng sẽ làm theo ý mình, nên những ngày qua, anh nhờ trợ lý theo tôi sát sao. Chỉ tội con gái tôi đòi mẹ vì sợ tôi gặp nguy hiểm. Thương con, tôi nhấc điện thoại lên, định đặt vé về thì tổng đài báo hủy bay vì áp thấp đang vào, đành ở lại "lội nước" thêm vài ngày nữa.
Ngọc Trân - Mai Nhật
Nguồn: vnexpress.net