Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, sau 3 ngày được bán ở hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris, hiệu ứng từ người tiêu dùng với trái vải Việt rất tốt.
Doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu hơn so với dự kiến trước đó. Trong tuần này, lô hàng thứ 2 với số lượng khoảng một tấn sẽ được nhập sang Pháp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện giá bán mỗi kg vải thiều Thanh Hà tại Pháp là 18 euro một kg (hơn 500.000 đồng) được nhiều khách hàng mua 5 kg làm quà cho gia đình, bạn bè.
Ông Vũ Anh Sơn – phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, Pháp luôn đề cao việc nắm rõ nguồn gốc của thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao sự cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối đối với người tiêu dùng.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được bán trên kệ hàng siêu thị Á Châu (Pháp). Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại.
Nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có các sản phẩm thịt đã có những quy định bắt buộc về truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn”, nhưng đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Pháp chưa có quy định bắt buộc.
Việc trái vải xuất khẩu sang Pháp có gắn tem truy xuất nguồn gốc itrade247 (do Cục Xúc tiến thương mại phát triển) đã đón đầu xu thế tiêu dùng mới, tiêu dùng có trách nhiệm.
Để đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ trái vải Việt Nam tại Pháp, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ tổ chức gian hàng quảng bá trái vải Việt Nam tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 ngày 19/6 tới tại quảng trường Monge, trung tâm thủ đô Paris.
Trước đó, ngày 12/6, lô hàng gần một tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) gắn tem truy xuất nguồn gốc đã được “đi máy bay” sang Pháp. Sau 5 năm gián đoạn, đây là lô vải đầu tiên được nhập khẩu số lượng lớn, đứng riêng 1 đơn hàng, mà không đi chung với các trái cây ngoại lai khác, được xuất khẩu sang thị trường này.
Năm 2021, Hải Dương có 9.000 ha vải thiều, riêng huyện Thanh Hà có trên 3.300 ha, với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Đến nay, tỉnh này có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Nguồn: Vnexpress