Ông Boris Johnson luôn thiếu tiền vì lương thấp, chi phí cho gia đình cao và phải tự trả tiền ăn trong Dinh Thủ tướng, theo các báo Anh.

42 1 Vi Sao Thu Tuong Anh Luon Tung Thieu

Từ ngày dọn vào số 10 Downing Street, cặp đôi Boris-Johnson và Carrie Symonds có vẻ còn túng thiếu hơn trước

Tình cảnh của thủ tướng đương quyền, Boris Johnson thật "tội nghiệp", theo bài của Tom Newton Dunn đăng trên The Sunday Times hôm 07/03/2021.

Nhưng vấn đề đồng lương 'eo hẹp' của người điều hành nội các tại Anh đã được nhiều cơ quan truyền thông nêu ra lâu nay mà chưa có cách giải quyết.

Thấp hơn thời chưa nhậm chức

Theo bài báo của Newton Dunn, khi thắng cử và lên làm thủ tướng năm 2019, ông Boris Johnson phải chịu thiệt về thu nhập (pay cut) 670 nghìn bảng Anh.

Trước đó, trong một năm ông thu về 830 nghìn tiền diễn thuyết, và viết báo.

Tờ Daily Telegraph trả cho ông 275 nghìn/năm cho cột bình luận hàng tuần trên báo này.

Nhưng làm thủ tướng Anh, ông Johnson chỉ được "lương cứng" trước khi khai thuế là 157.372 bảng Anh/năm.

Vì ông còn là nghị sĩ Hạ viện, nên có thu nhập 82.921 bảng/năm.

Chỉ có điều luật Anh không cho nhận hai lương nên trên thực tế ông chỉ còn 75.440 bảng, cộng với lương nghị sĩ để ra con số ban đầu: 157.372 bảng, gần được 220 nghìn USD.

So với tổng thống Mỹ thì thủ tướng Anh kém cả về tiền lương và các bổng lộc.

Tổng thống Hoa Kỳ nhận 400 nghìn USD/năm, cộng 50 nghìn chi tiêu, 100 nghìn tiền đi lại không cần khai thuế và 19 nghìn cho giải trí.

Còn ở Anh, sau khi trừ đi 60 nghìn tiền thuế thu nhập, ông Boris Johnson còn tiền "cầm tay" chưa tới 100 nghìn/năm.

Hoàn cảnh cá nhân của ông Johnson, sau ly hôn vẫn phải trả tiền cho bốn con ăn học, khiến ông thiếu tiền.

Bài báo trích lời bạn bè của Boris Johnson nói vụ ly hôn của ông với vợ cũ, luật sư nhân quyền Maria Wheeler "rất tốn kém" và ông còn phải trả tiền nuôi một con gái ngoài giá thú, năm nay 11 tuổi.

Với hôn thê chưa cưới Carrie Symonds, ông lại có thêm một con trai sắp đầy năm, bé Wilfred.

Tiền trông trẻ cho vợ chồng thủ tướng là một khoản không nhỏ họ phải chi.

Họ sống trên lầu một của địa chỉ nổi tiếng: số 10 Downing Street, London.

Nhà nước Anh đảm bảo có đội vệ sĩ túc trực, và ban thứ ký làm việc tại tầng trệt căn nhà, còn gia đình Boris Johnson ở tầng trên không phải trả 'rent' (tiền thuê nhà).

Tuy thế, luật Anh không có câu nào nói chính phủ phải nuôi không gia đình thủ tướng nên họ phải tự lo ăn uống.

42 2 Vi Sao Thu Tuong Anh Luon Tung Thieu

Hòm thư ở số 10 Downing Street ghi chức danh chính thức của Thủ tướng Anh: Đệ nhất Đại thần phụ trách Ngân khố

Nếu cặp đôi Boris và Carrie đặt đồ ăn từ bếp của Phủ thủ tướng thì sẽ có người bưng tới nhưng tiền ăn bị trừ vào lương.

Tiệc tùng tiếp khách của riêng họ cũng được tính thành tiền để họ trả riêng.

Boris Johnson có xe riêng do an ninh lái, còn xe cá nhân của ông vẫn là Toyota Previa có tuổi từ năm 1994, theo Tom Newton Dunn.

Từ hai năm qua, ông Johnson nghỉ hè ở villa của cha ông, Stanley Johnson bên Hy Lạp... cho rẻ.

Vì sao thủ tướng Anh lương thấp, nhà nhỏ?

Lương thủ tướng Anh theo truyền thống vốn luôn thấp và Dinh Thủ tướng (số 10 Downing Street), chỉ là căn hộ hạng sang chung một dãy với Văn phòng Bộ trưởng Tài chính (số 11) và một căn nữa.

Trên thực tế Anh Quốc xưa không có chức danh thủ tướng và đến nay, 'Prime Minister' chỉ là cách gọi của báo chí.

Theo luật của Hoàng gia, người đứng đầu nội các Anh có hai chức danh: Bộ trưởng phụ trách hành chính (Minister of the Civil Service) kiêm Đệ nhất Đại thần Ngân khố (First Lord of Treasury).

Họ chỉ là người được vị quân vương chỉ định thay mình điều hành việc nước và hàng tháng vẫn phải báo cáo.

Thời quý tộc, các vương hầu được vua hoặc nữ hoàng mời tới London làm tể tướng, thượng thư đều là những người đã giàu sẵn nên chỉ cần chi phí đi lại và chỗ trọ ở thủ đô.

Hàng tuần họ làm việc tại văn phòng trong Điện Westminster - trụ sở Quốc hội, và cuối tuần về điền trang thái ấp ở vùng quê.

Chẳng hạn Quận công John Churchill làm Bộ trưởng Chiến tranh thời Nữ hoàng Anne có dinh thự Blenheim và đất 850 hectare.

Đồng lương thấp không quá quan trọng vì có vị như William Pitt trẻ tuổi (William Pitt the Younger) được vua George III hồi năm 1792 tặng cho lâu đài Walmer ở Kent làm trụ sở.

Số 10 Downing Street chỉ là nơi thủ tướng và gia đình đến sinh sống từ 1997, theo BBC News.

Trụ sở 10 Downing Street của thủ tướng Anh cũng rất khiêm tốn và các thủ tướng như Lord Wellesley, Lord Melbourne không thèm đến đó ở.

Lord Melbourne trao căn nhà ở Downing Street cho đội phụ tá ở.

Cuối thế kỷ 19, Thủ tướng, Lord Salisbury sống ở Arlington Street và làm việc trong Văn phòng sang trọng, rộng rãi của Bộ Ngoại giao, và trao số 10 Downing Street cho một cận thần.

Sir Winston Churchill chỉ ăn trưa tại 10 Downing Street còn vợ con ông thì ở điền trang riêng tại vùng Kent.

Khu dinh thự Chequers mới là 'tổng hành dinh vùng quê' của thủ tướng Anh

Vẫn theo truyền thống quý tộc thì dinh thự vùng quê mà thủ tướng đương nhiệm ở, nghỉ ngơi cuối tuần và tiếp khách quốc tế là Dinh Chequers, toạ lạc trên vùng đồng cỏ và rừng rộng 600 hectare ở Buckinghamshire. Tại đó thì họ có quyền ăn cơm miễn phí.

Nhưng vấn đề của các chính trị gia thời nay là họ không còn là quý tộc.

Có cần cải cách đồng lương thủ tướng?

Từ lâu nay luôn có gợi ý rằng chính phủ Anh cần trả lương cao hơn cho thủ tướng.

Denise Winterman và Megan Lane viết trên BBC News hơn 10 năm trước, trích sử liệu cho hay trong một thế kỷ liền, từ 1830 đến 1930 lương thủ tướng Anh là 5000 bảng một năm, không thay đổi.

Vào năm 1930, khoản tiền đó bằng chừng 30.000 bảng bây giờ, thấp hơn lương người lái xe điện ngầm London, theo bài của BBC hồi 2010 có tựa đề "Đã có khi nào các thủ tướng nhận lương cao?" (Have prime ministers ever been well paid?)

Tình hình từ 2010 đến nay có vẻ không thay đổi gì.

Cũng năm 2019, trang CityWire nói lương nói lương thủ tướng Anh là 142 nghìn bảng, không chỉ thấp hơn tổng thống Pháp, thủ tướng Đức mà còn thấp hơn 170 quan chức cấp bộ ở Anh.

Bài báo cho rằng đây là một điều bất hợp lý rất lớn.

Chẳng hạn, giám đốc Cục Cạnh tranh Bình đẳng (Office of Fair Trading) vào lúc đó có lương năm là 280 nghìn.

Một chủ nhiệm ban phụ trách IT trong Bộ Lao động và Hưu trí (Department of Work and Pensions) có lương 250 nghìn.

Nay, lương hàng năm của thủ tướng Anh đã đạt con số 157 nghìn bảng nhưng vẫn còn thua xa cấp dưới.

Lý do là ở Anh người ta rất ngại trả lương cao cho chính trị gia và mọi lời kêu gọi tăng lương đều cần Nghị viện chuẩn thuận.

Chưa kể, để thu phiếu của cử tri, một thủ tướng là David Cameron đã đóng băng lương của chính mình và các bộ trưởng trong nhiều năm.

Người ta quan niệm làm chính trị là tự nguyện, vì nhu cầu danh tiếng, và vì muốn "thay đổi quốc gia, xã hội", chứ không phải để kiếm tiền.

Bởi vậy, ở Anh các công chức chuyên nghiệp, nhất là các chánh văn phòng bộ (permanent secretary) mới cần và được lương cao - có người lương nửa triệu bảng/năm.

Họ mới là 'boss', điều hành bộ máy các bộ, còn chính trị gia sau khi thắng cử lên nắm quyền bộ trưởng, thứ trưởng chỉ lo "lãnh đạo chính sách", thất cử thì dọn đi.

Trong năm tài khóa 2019/20, lương bộ trưởng Anh là 104.360 bảng/năm, quốc vụ khanh được 81 nghìn, thứ trưởng 71 nghìn/năm.

Để so sánh thì lương bác sĩ đa khoa (GP) là từ 58.000, tăng lên đến 88.000 hoặc trên 100.000 sau khoảng 10 năm hành nghề.

Niềm an ủy duy nhất cho họ là sau khi rời chức vụ có thể viết hồi ký với các hợp đồng xuất bản có thể lên tới cả triệu bảng... nếu biết viết cho hay.

Theo BBC News Tiếng Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC