1. ‘Quốc gia’ nhỏ nhất thế giới
‘Công quốc Sealand’. (Wikipedia)
Nơi này tưởng chừng như là giàn khoan giữa biển, nhưng đó lại là cả một ‘quốc gia’ tự xưng. Ban đầu nó là một pháo đài bỏ hoang của Hải quân Anh từ sau Thế chiến II. Bỗng đến năm 1967, gia đình ông Paddy Roy Bates tiếp quản nó và tuyên bố đây là một quốc gia có chủ quyền.
Thế là, suốt hơn 5 thập kỷ qua, họ cai trị quốc gia nhỏ bé này như thể nó là một đất nước thực sự. Họ đặt tên cho nó là ‘Công quốc Sealand’, ban hành Hiến pháp và có quốc kỳ, tiền tệ, tem thư, hộ chiếu và thậm chí cả một đội bóng riêng.
Đội tuyển bóng đá quốc gia 'Công quốc Sealand'. (Wekipedia)
Lịch sử của nước này cũng không kém phần oanh liệt, nó đã chứng kiến những cái chết của "hoàng gia", bắt cóc con tin, tranh chấp lãnh thổ và thậm chí là cả những trận không chiến.
Cụ thể, vào năm 1968, quân đội Anh cử quân đến phá hủy một số tháp quân sự cũ gần đó. "Hoàng tộc" của Sealand coi đây là mối đe dọa đối với đất nước nên đã bắn nhiều phát súng để cảnh cáo và ghi vào lịch sử nước mình rằng “họ đã khiến hạm đội Anh vội vàng quay đầu và bỏ chạy về nước".
Chính phủ Anh quyết định xét xử ông Bates; nhưng vì lúc ấy Sealand ở bên ngoài lãnh hải của Anh, nên họ đã không làm gì được và gia đình Bates coi đó là sự công nhận Sealand là một quốc gia độc lập. Từ đó, khoảng 50 bạn bè của họ đã đến đây sinh sống.
Năm 1978, một người người Đức tên là Alexander Achenbach đã tự nhận mình là "thủ tướng" của Sealand và dàn dựng một cuộc đảo chính. Ông ta bay đến Sealand cùng với một nhóm lính đánh thuê và bắt con trai ông Bates làm con tin. Sealand đã đáp trả và bắt giữ được một người lính Đức. Điều này khiến đại sứ Đức tại Anh phải bay đến Sealand để thương lượng trả người. Sau Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1980, lãnh hải của Anh được mở rộng và bao gồm cả pháo đài này. Chính phủ Anh phủ nhận tính hợp pháp của Sealand, mặc dù vậy, nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Sana’a - Thành phố đầu tiên trên thế giới?
Thủ đô Sana’a của Yemen trông không giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nó vừa cổ kính vừa hiện đại với những ngôi nhà nâu, mái bằng chen chúc trên những vách đá chọc trời.
Thủ đô Sana’a của Yemen. (Wikipedia)
Theo truyền thuyết, Sana'a được xây dựng bởi con trai Shem của Noah sau trận Đại hồng thủy cách đây 3.000 năm, nhiều người tin đây có lẽ là thành phố đầu tiên được xây dựng trong thời kỳ văn minh nhân loại lần này.
Hẻo lánh và ẩn mình sau những ngọn núi, Sana'a được mệnh danh là "Viên ngọc ẩn của khối Ả Rập" với những ngôi nhà nhiều tầng. Điều khiến mọi người thán phục là chúng được xây dựng hoàn toàn bằng đất bùn hoặc đá, và đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vẫn đứng vững cho đến ngày nay. Nó là một minh chứng sống động cho trình độ xây dựng đỉnh cao đã thất truyền của người xưa.
3. Ngôi làng cheo leo trên vách đá
Castellfollit de la Roca là một ngôi làng có vị trí hết sức đặc biệt ở tỉnh Catalonia, Tây Ban Nha. Nó nằm trên đỉnh một vách đá bazan dựng đứng cao hơn 50m, dài gần 1km và chiều rộng dường như chỉ đủ cho 2 dãy nhà xây đối diện nhau. Vách đá được hình thành do dung nham nguội đi từ một vụ phun trào núi lửa hàng triệu năm trước, tạo nên một cảnh quan thật sự ấn tượng và ngoạn mục.
Làng Castellfollit de la Roca ở Tây Ban Nha. (Wikipedia)
Với dân số hơn 1.000 người, họ sống trong những căn nhà xây dựng theo lối kiến trúc thời trung cổ và hầu như không thay đổi qua nhiều thế kỷ. Vị trí chiến lược của ngôi làng khiến nó trở thành một vị trí phòng thủ lý tưởng trong thời chiến. Ngày nay, nơi này là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
4. Ngôi làng đẹp nhất nước Áo giữa lòng Trung Quốc
Ngôi làng Hallstatt ở Áo. (Wikipedia)
Bạn không nghe nhầm đâu. Đây là một bản sao chính xác của ngôi làng Hallstatt của Áo được xây dựng tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngôi làng tại Áo nổi tiếng bởi vẻ đẹp thơ mộng và bình dị, với những nhà thờ, lâu đài thời Trung cổ đẹp như cổ tích. Kể từ năm 2013 khi trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim hoạt hình Frozen, nơi này đã đón gần 1 triệu du khách mỗi năm, đến nỗi người dân phải “cầu xin” khách du lịch đừng đến.
Thật tình cờ, trước đó 1 năm, Trung Quốc đã xây dựng một bản sao hoàn hảo của ngôi làng ấy. Trung Quốc dường như có sở thích trong việc tái tạo các địa danh nổi tiếng trên thế giới. Chúng ta có thể tìm thấy tháp Eiffel và cả kênh đào Venice với kích thước y như thật tại đất nước này.
Ngôi làng Hallstatt 'hàng nhái' ở Trung Quốc. (Baidu)
Làng này được xây dựng với mục đích bán lại cho những người Trung Quốc giàu có nhưng không thể đến Áo sinh sống, và có lẽ để họ trải nghiệm cuộc sống phương Tây một cách trọn vẹn hơn. Trung Quốc được biết đến là quốc gia nổi tiếng về sản xuất hàng nhái, hàng giả, và ngôi làng 'hàng nhái' này là một minh chứng rõ nhất.
5. Thành phố lạnh nhất thế giới
Nhiệt độ ở thành phố Yakutsk ở Siberia của Nga thường xuyên xuống dưới -6 độC và thấp nhất là -28 độC. Ấy vậy mà đây lại là nơi sinh sống của khoảng 300.000 người.
Thành phố Yakutsk ở Siberia của Nga. (Wikipedia)
Trong những tháng mùa hè, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, và khi cái lạnh đến thì cuộc sống trở nên cực kỳ khó khăn.
Những điều mà chúng ta cho là hiển nhiên trở thành không khả thi ở một nơi như thế này. Ví như: bạn không thể đeo kính vì chúng sẽ bị đóng băng; ô tô phải chạy liên tục 24 giờ/ngày bởi nếu dừng lại thì không có cách nào khởi động xe cho đến khi thời tiết ấm trở lại. Thêm vào đó, vào mùa đông, ban ngày chỉ kéo dài khoảng 4 tiếng/ngày, trong khi mùa hè, nó tới tận 21 tiếng, đó là lúc mọi thứ thậm chí còn trở nên khó hiểu hơn. Nơi này thực sự rất kỳ lạ.
6. Thị trấn bên dưới sa mạc
Có rất nhiều điều kỳ lạ ở những sa mạc hẻo lánh của Úc, những thứ mà không ai nhìn thấy trong hàng trăm năm, những vùng đất cháy xém kéo dài hàng km, nơi hầu như không có gì tồn tại được. Vậy mà ngay giữa đó vẫn có một thị trấn rất sôi động dưới lòng đất, có tên là Coober Pedy.
Cửa hàng vàng bạc đá quý của thị trấn dưới lòng đất Coober Pedy. (Wikipedia)
Đây là một khu khai thác đá opal quý hiếm nằm ở phía Nam Australia, người dân đa số là những thợ mỏ. Để sống ở nơi không có lưới điện, ban ngày nóng tới 50 độ C trong khi ban đêm lại xuống tới 0 độ, họ đã có một giải pháp rất độc đáo. Đó là đào hầm sống dưới lòng đất.
Dần dần, Coober Pedy có đầy đủ địa điểm công cộng như mọi thị trấn khác: từ bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, nhà thờ cho tới nhà hàng, siêu thị, khu vui chơi, quầy bar...Thậm chí, có cả một khách sạn dành cho những người muốn tới đây trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất.
Cuộc sống bên dưới đó khá náo nhiệt, đối lập hoàn toàn với cảnh quan bên trên. Chính vì những điều độc đáo này mà nơi đây thu hút rất nhiều du khách và từng được sử dụng làm bối cảnh trong các bộ phim giả tưởng ngoài không gian như “Hành tinh đỏ” và “Quái vật hành tinh lạ”.
7. Ngôi làng trong ‘Chiến tranh giữa các vì sao’
Bạn có bao giờ thắc mắc bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao - Star war” được quay ở đâu không? Chính là tại ngôi làng Matmata này của Tunisia.
Cảnh quan nơi đây rất khác lạ. Nó gồm những cái hố khổng lồ được đào sâu xuống đất, xung quanh vách hố là những cái hang được khoét sâu vào trong để tạo nên căn phòng với các lối đi kết nối như một mê cung ngầm.
Ngôi làng Matmata này của Tunisia. (Chụp video)
Khu vực này hầu như không có gỗ hoặc đá để xây dựng, trong khi đó thềm cát lại rất mềm nên người xưa dễ dàng đào hang bằng những công cụ thô sơ. Những căn nhà độc đáo này một mặt giúp người dân tránh được cái nóng của sa mạc vùng Bắc Phi, một mặt bảo vệ họ khỏi các đạo quân xâm lược.
Trong suốt hàng thế kỷ, rất ít người biết được sự tồn tại của họ. Mãi cho đến năm 1969, một trận mưa lớn kéo dài khiến nhiều ngôi nhà bị ngập lụt và đổ sập. Họ phải tìm đến chính quyền địa phương để cầu cứu. Từ đó nơi sinh sống bí ẩn này mới được thế giới biết đến.
8. Những ngôi nhà trên cầu
Nếu như Việt Nam chúng ta nổi tiếng với Chùa Cầu Hội An, thì tại vùng Florence nước Ý, cây cầu Ponte Vecchio cũng tương tự như thế. Nhìn từ xa, nó trông giống như một thành phố thu nhỏ trên sông với nhiều cửa hàng buôn bán tấp nập.
Cầu Ponte Vecchio của Ý. (Wikipedia)
Cây cầu được xây bằng đá vào thời La Mã này là điểm mốc cho nhiều sự kiện lịch sử và là cây cầu duy nhất của nơi đây không bị phá hủy sau Thế chiến thứ II. Không những thế, nó còn là chứng nhân cho tình yêu của các cặp đôi. Từ nhiều nước trên thế giới, các cặp đôi thường đến đây mua một ổ khóa, ghi tên hai người, rồi móc vào cầu và ném chìa khóa xuống sông, vì tin rằng như thế họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
9. Nơi luôn bình yên giữa đại dịch
Trong khi lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 buộc nhiều người trong chúng ta phải học cách sống cô đơn và làm quen lại với ngôi nhà của mình, thì cuộc sống của ông bà Wayne Adams hầu như không thay đổi.
Khu nhà của ông bà Wayne Adams. (Chụp video)
Tổ ấm của họ là cả một khu phức hợp nổi do chính tay họ xây dựng bằng những vật liệu tái chế từ năm 1992, ngoài khơi bờ biển Tofino của Canada. Đây thực sự là một khu vườn sinh thái với đầy đủ nhà ở, đường xá, phòng trưng bày nghệ thuật, sàn nhảy, hệ thống điện, ngọn hải đăng, thác nước và cả những thiết bị ngoại vi kỳ lạ mà bạn khó có thể tưởng tượng được.
Họ đặt tên cho nó là Freedom Cove. Dù cách thị trấn gần nhất 45 phút đi thuyền và sống hoàn toàn biệt lập, đối với họ nơi đây như thiên đường để họ thỏa sức sáng tạo nghệ thuật và thực hành cuộc sống xanh đúng nghĩa.
10. Ngôi nhà kẹp giữa 4 tảng đá
Ngôi nhà Casa Do Penedo ở Bồ Đào Nha. (Wikipedia)
Đây có lẽ là một trong những kiểu nhà kỳ lạ và tù túng nhất mà chúng ta từng biết. Ngôi nhà Casa Do Penedo nằm ở phía bắc Bồ Đào Nha trông như bị kẹp giữa 4 tảng đá khổng lồ. Dù chỉ mới được xây dựng vào năm 1972, nhưng chính cấu trúc đặc biệt này khiến ai đến đây đều có cảm giác như trở về thời tiền sử hoặc hóa thân vào bộ phim hoạt hình “Gia đình Flintstones” nổi tiếng; đồng thời giúp nó được nhắc đến trong nhiều tạp chí quốc tế.
Ban đầu, nó được xây để làm nơi nghỉ cuối tuần của gia đình ông Vitor Rodrigues và họ không nghĩ rằng hình dạng của ngôi nhà này lại thu hút nhiều khách du lịch đến thế. Ngày nay ngôi nhà đã được cải tạo thành một bảo tàng nhỏ gồm các di vật và ảnh chụp lịch sử nơi đây.
Phương Lam
Theo Ngẫm Radio