Linh vật hổ trên đường hoa Nguyễn Huệ 2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
1. Làm bộ ảnh cực chất ở đường hoa Nguyễn Huệ
Đón năm mới ở TPHCM, với nhiều người điểm du xuân đầu tiên sẽ là đường hoa Nguyễn Huệ. Đây cũng được xem là một trong những "đặc ân" mà những người ăn Tết ở TP.HCM hoặc ở lại gần sát hôm giao thừa mới có cơ hội trải nghiệm.
Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay với chủ đề "Xuân quê hương, ấm tình nhân ái" diễn ra từ 19h ngày 29-1 đến 17h ngày 4-2 (tức từ 27 tháng chạp đến mùng 4 Tết) với vô số tiểu cảnh đẹp mắt, trang trí lung linh.
Bên cạnh đó còn có hội Hoa xuân tại công viên Tao Đàn từ ngày 27-1 đến 6-2 (tức từ 25 tháng chạp đến mùng 6 Tết), miễn phí vé vào cổng thay vì phải mua vé 30.000 đồng như mọi năm. Ngoài ra còn có Lễ hội hoa tại khu vực cầu Bán Nguyệt Phú Mỹ Hưng.
2. Nhâm nhi một ly cà phê sữa đá bên đường sách
Bạn trẻ tìm mua sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đường sách nhỏ xinh, hai bên là những hàng lá me bay đầy tươi mát và đậm chất thơ.
Ngày thường nơi đây vốn đã rất nhộn nhịp. Vào dịp Tết, con đường càng lung linh hơn với bóng dáng thướt tha của những bộ áo dài, váy áo đủ màu sắc.
Hãy thử đến đường sách vào những ngày đầu năm, kêu một ly cà phê sữa đá rồi ngắm nhìn mọi người chơi Tết. Bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được một bức tranh trẻ trung, đáng yêu của thành phố này trong những ngày xuân đầy sức sống.
Chương trình Tết của đường sách năm nay diễn ra tới ngày mùng 6.
3. Tìm phong vị hoài cổ ở các bảo tàng
Bảo tàng TP.HCM hay tên cũ là dinh Gia Long thường là nơi "sống ảo" lý tưởng của các bạn trẻ - Ảnh: CHÍ NGUYỆN
Nằm ở khu vực trung tâm, 65 Lý Tự Trọng (Q.1), Bảo tàng TP.HCM là điểm tham quan, chụp hình nổi tiếng.
Tòa nhà do kiến trúc sư người Pháp Foulhoux vẽ kiểu và thiết kế, được xây dựng năm 1890 theo kiểu cổ điển - Phục hưng: mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Nhân dịp Tết, bảo tàng giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ ngày đến ngày 15-2.
Ngoài ra, có thể tham quan Bảo tàng Mỹ thuật cũng là một công trình kiến trúc đẹp từ thời Pháp.
Với những lối hành lang, cầu thang cổ điển cùng những ô cửa sổ, bancông được thiết kế một cách đầy nghệ thuật và tinh tế, bạn chắc chắn sẽ có được những bức ảnh điểm 10 dù đặt máy ở bất cứ góc nào trong bảo tàng.
4. Quay về tuổi thơ với Đầm Sen, Suối Tiên
Bạn trẻ thích thú tham gia trò chơi cảm giác mạnh tại Đầm Sen - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hàng chục năm qua, những khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên dường như chưa hề giảm đi sức hút với người dân TP. Một không gian thoáng đãng, mát mẻ với nhiều hồ nước và cây xanh ngay trong lòng TP sẽ giúp bạn tái tạo năng lượng sau một năm làm việc căng thẳng.
Chưa hết, bạn còn có thể đắm mình vào rất nhiều trò chơi giải trí vui nhộn sẽ đem lại nhiều sảng khoái, nhất là khi chơi cùng bạn bè hay người thân.
Nếu yêu thích mạo hiểm, hãy tham gia ngay các trò cảm giác mạnh. Đặc biệt trong những khu công viên nước, hệ thống máng trượt với nhiều độ dốc khác nhau sẽ cho bạn những khoảnh khắc giải tỏa căng thẳng tốt nhất.
Các khu công viên còn được biết đến với nhiều hoạt động giải trí phù hợp với nhiều đối tượng, có tổ chức các chương trình ca nhạc, quy tụ nhiều nghệ sĩ tham gia góp âm nhạc cho những ngày xuân thêm rộn rã.
5. Thong dong ngắm cảnh khu Chợ Lớn
Tết ở những khu phố người Hoa (TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG CHUNG
Hãy thử đi trên một chiếc xe máy, để ga khoảng 20 cây số rồi len lỏi qua những con đường nhỏ nhuốm màu thời gian, khu vực có nhiều người Hoa sinh sống ở Q.5, Q.6, Q.11, bạn sẽ thấy được một cái Tết thật rực rỡ.
Nào là đèn hoa, nào là những câu đối, câu liễn đỏ rực, những hội quán, tổ đình trăm năm nghi ngút hương khói,…
Bạn cũng có thể tấp vào một số hàng quán vẫn mở cửa xuyên Tết, làm ngay một tô sủi cảo hay mì vịt tiềm đậm đà khó cưỡng.
Bạn cũng có thể thử tìm mua những món bánh đặc trưng ngày Tết của người Hoa như bánh tổ, bánh củ cải, bánh phát tài để biết thêm một nét văn hóa đón Tết cực kỳ độc đáo được gìn giữ suốt hàng thế kỷ.
6. Tới Củ Chi, cảm nhận "Xuân chiến khu"
Toàn cảnh không gian địa đạo Củ Chi nhìn từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Xuân chiến khu" như trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Xuân Hồng có đầy đủ những thanh âm của tiếng chim rừng vang hót khắp nơi, có tiếng lá đưa cây vi vu, có mai vàng đua nở, có những anh bộ đội trẻ trung, yêu đời.
Bạn sẽ bắt gặp được gần như tất cả những vẻ đẹp này trong khu du lịch địa đạo Củ Chi - đền Bến Dược.
Chưa hết 2 tiếng đi xe từ trung tâm TP, bạn sẽ hít thở được một bầu không khí xuân trong lành ngay ở một căn cứ cách mạng xưa kia.
Đây chắc hẳn cũng sẽ là nơi các bạn nhỏ trong gia đình sẽ có thêm những cái nhìn thực tế về các bài học lịch sử bước ra từ những trang sách.
7. Xem thú ở Thảo cầm viên
Bé Nhã Thi (Q.5) thích thú khi được chạm vào chú voọc ở Thảo cầm viên - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thảo cầm viên không còn xa lạ gì với người dân Sài Gòn nhưng sức hút của nó không hề thuyên giảm trong những đợt lễ, Tết.
Thậm chí trong năm nay, sức hút ấy lại có phần tăng lên nhờ vào sự quan tâm của cộng đồng với đàn thú trong những ngày Thảo cầm viên gặp khó khăn không thể đón khách vì COVID-19.
Lợi thế của Thảo cầm viên là nằm ngay giữa Q.1, di chuyển rất dễ dàng. Không chỉ thiếu nhi mà ngay cả người lớn cũng sẽ có thời gian tham quan, vui chơi hết sức thú vị lại còn được hiểu biết thêm về thế giới tự nhiên, thêm trân quý môi trường sống.
8. Về Cần Giờ ăn hải sản tươi rói
Người dân Thạnh An (Cần Giờ) thu hoạch nghêu - Ảnh: GIA TIẾN
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Cần Giờ là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn tìm về thiên nhiên, hít thở không khí biển nhưng lại e ngại lái xe quá xa.
Thử rủ rê một nhóm bạn cùng phượt Cần Giờ, đi qua những hàng bần, đước xanh bạt ngàn để nghe thấy những tiếng sóng biển rì rào xa xa.
Bên những làn gió biển mùa xuân mát mẻ, hãy tìm một nhà hàng hay quán ăn bình dân tùy theo sở thích, thưởng thức những món ăn chế biến từ nguồn hải sản tươi ngon, giá cả lại vô cùng phải chăng.
Vậy là bạn đã có thể "đổi gió" cho bản thân và gia đình ngay trong những ngày Tết này.
9. Chiêm bái những ngôi chùa, nhà thờ trăm tuổi
Lăng ông Bà Chiểu luôn được nhiều bạn trẻ tìm đến chụp ảnh với áo dài truyền thống mỗi dịp năm mới - Ảnh: VIỆT NỮ
TP.HCM có những ngôi chùa, nhà thơ hàng chục đến trăm năm tuổi như nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Cha Tam, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngọc Hoàng…
Tất cả đều có những lối kiến trúc độc đáo cùng một không gian thanh tịnh để bạn hòa mình vào không khí của những ngày xuân cũng như gửi những lời nguyện cầu bình an đến cho gia đình.
Lăng Ông Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh cũng là nơi mà nhiều người lựa chọn để gửi gắm những ước nguyện đầu năm mới.
Thiết kế mang màu sắc cổ kính của lăng cũng giúp lăng trở thành một nơi chụp ảnh lý tưởng trong những bộ trang phục truyền thống ngày xuân.
10. Ngắm TP từ trên cao
Khách ngắm TP bằng ống nhòm từ độ cao gần 400m ở Landmark 81 - Ảnh: T.T.D.
Tết này, hãy sắp xếp làm một chuyến "leo" những tòa nhà chọc trời như Landmark 81 hay Bitexco để trải nghiệm một cảm giác mới mẻ. Bạn chắc chắn sẽ ngỡ ngàng về một TP tưởng chừng quá đỗi quen thuộc nhưng vẫn còn đó quá nhiều góc nhìn đẹp và thú vị vẫn đang chờ bạn khám phá mỗi ngày.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online