Trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo phần nhiều do cha mẹ dạy dỗ sai cách (Ảnh minh hoạ: Pinterest)
Chiều con vô điều kiện
Luôn đồng ý với những yêu cầu của con ngay cả khi việc đó là không chính đáng, ví dụ như thường xuyên mua những món quà đắt tiền cho con, con muốn đi chơi ở đâu, như thế nào cũng để con tự quyết và bố mẹ chiều theo. Nhiều cha mẹ tưởng như vậy là dân chủ và dạy con bình đẳng đúng cách, nhưng nếu chỉ chiều theo mọi yêu cầu của trẻ mà không phân tích cho con biết việc nào là đúng, việc nào là sai thì việc chiều chuộng con như vậy chỉ làm hại cho tính cách và sự phát triển về tâm lý của trẻ.
Thường xuyên mắng mỏ
Ngược lại với chiều chuộng con quá đà, không ít gia đình lại nghĩ việc "thương cho roi cho vọt" là phương pháp dạy con đúng đắn. Những đứa trẻ thường xuyên bị quát mắng sẽ không phát triển tâm lý như những đứa trẻ bình thường bởi chúng luôn mặc cảm, tự ti rằng mình là đứa trẻ kém cỏi.
Vô trách nhiệm với việc học của con
Không quan tâm đến việc học của con khiến trẻ không có nhu cầu chia sẻ với cha mẹ về việc học và các hoạt động bên lề tại trường học (Ảnh minh họa: Janpan)
Luôn coi việc dạy học cho con là trách nhiệm của nhà trường và giáo viên, các phụ huynh này chỉ đóng tiền và không quan tâm đến thời gian con ở trường ra sao. Nhưng khi con gặp vấn đề ở trường, nếu nhận được thông báo thì một bộ phận phụ huynh kiểu này sẽ trách móc giáo viên và nhà trường không quan tâm, dạy dỗ trẻ đúng trách nhiệm.
Lạm dụng công nghệ với con
Vứt cho con cái điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng mỗi khi rảnh rỗi, khi ăn, trước khi đi ngủ,... tất cả những hành vi tưởng chừng vô thưởng vô phạt đó lại khiến con cái và cha mẹ mất đi kết nối tình cảm và nhu cầu được chia sẻ, thấu hiểu nhau nhiều hơn. Hậu quả là con nghiện smartphone còn hơn là "nghiện" cha mẹ. Việc xem các chương trình không kiểm soát trên mạng internet cũng khiến tư duy của trẻ có những góc nhìn lệch lạc về cuộc sống.
Bao che lỗi lầm và hay bênh vực con trước mặt người khác
Bênh con trước mặt người khác bất kể con đúng hay sai khiến đứa trẻ luôn có cảm giác bản thân có đồng minh và được bảo vệ, bất kể con làm sai hay đúng. Điều này biến cha mẹ không khác gì một "bảo kê" cho con.
Không lắng nghe ý kiến của con
Không lắng nghe ý kiến của con hoặc phớt lờ khi con muốn trao đổi là cách nhanh nhất để một đứa trẻ rời xa khỏi vòng tay cha mẹ. Khi cha mẹ mất đi kết nối với con mình là lúc đó trẻ con và cha mẹ đã có khoảng cách khó có thể thu hẹp.
Kiểm soát thái quá
Việc liên tục hỏi con đi đâu, làm gì, với ai, mấy giờ về, như thế nào,... với một tần suất dày đặc và trở thành thói quen sẽ khiến con cảm thấy mệt mỏi, áp lực và sợ hãi.
Trường hợp này sẽ xảy ra hai hướng, một là con sẽ nói dối để thoát khỏi vòng kiểm soát của cha mẹ, hai là con sẽ tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ như một cái máy và trở nên lệ thuộc vào nếp sống mà cha mẹ đã đề ra một cách máy móc.
Theo thoidai.com.vn