Vào năm 2010, một sinh viên mới tốt nghiệp sẽ vui mừng nếu có được một công việc với mức lương 5 triệu một tháng. Nếu tiếp tục phấn đấu và phát triển sự nghiệp, khi thăng chức thì mức lương sẽ hơn 10 triệu.

Còn 20 triệu hay 1000 đô trở lên chỉ dành cho cấp quản lý và được coi là thành đạt.

1 Ao Giac Tien Te Ao Giac Lam Phat La Gi

Sau hơn một thập niên, vào năm 2022 hiện tại, các mức lương đã tăng một cách chóng mặt.

5 triệu bây giờ là mức của thực tập viên, 10 triệu là cho nhân viên chính thức, còn con số 20 triệu đáng mơ ước trước đây thì bây giờ thành mức lương bình thường của những ai có vài năm kinh nghiệm.

1000 đô bây giờ không có gì để trầm trồ nữa.

Thoạt nhìn thì ai cũng sẽ nghĩ rằng đó là sự phát triển. Nhưng khi cầm số tiền đó mua đồ và so sánh giá cả, thì mọi thứ như đảo lộn.

Tô phở trước đây chỉ 25,000 thì bây giờ là 50,000 VND. Một mét vuông đất từ 10 triệu giờ nhảy lên 50 triệu. Còn vàng thì từ 28 triệu một lượng, bỗng dưng thành 67 triệu.

Nếu bạn đang khó hiểu và tự hỏi: “Vậy mình có khá hơn không?” – thì đó chính là ảo giác tiền tệ.

Đừng lo, bạn không phải là người duy nhất đâu và đa số người cũng mắc phải một cách vô giác. Đó là khi chúng ta đánh giá sự giàu có bằng giá tiền trước mặt, rồi quên đi giá trị thật.

Nếu trước đây lương bạn đủ để đổi lấy 100 tô phở mà giá chỉ  25,000 VND, còn bây giờ lương đã tăng gấp đôi nhưng bạn cũng chỉ mua được 100 tô phở tương tự vì giá đã tăng lên 50,000 VND, thì bạn có thực sự giàu hơn không?

Dựa theo mệnh giá thì có, nhưng xét về giá trị thật thì không, vì lạm phát đã đẩy mọi thứ lên và tạo ảo giác thịnh vượng.

Thịnh vượng không phải là tiền. Nếu nó là tiền thì có lẽ chúng ta không cần đi làm nữa mà chỉ cần in tiền rồi sống, nhưng có lẽ sẽ không có đồ ăn để mua và nếu có thì giá cả đã tăng gấp bội lần rồi.

Thịnh vượng khi bạn ngày càng có nhiều của cải, dù là vật chất hay dịch vụ, chứ không phải có tài sản cố định với giá cao hơn.

Thịnh vượng là khi bạn làm cùng một số thời gian nhưng mua được nhiều hơn. Nếu trước đây bạn phải làm 3 tiếng mới có đủ tiền mua một ly trà sữa, còn bây giờ chỉ mất 1 tiếng, thì đó chính là thịnh vượng, vì bạn dư thêm của cải mà không tốn thêm thời gian. Không những vậy, chất lượng sống của bạn cũng được cải tiến vì làm ít hơn nhưng nhận lại nhiều hơn.

Tại sao khái niệm này lại quan trọng? Vì khi chúng ta hiểu rõ thì sẽ có suy nghĩ khác về tiền bạc và lạm phát.

Lô đất tăng giá không phải là phát triển, đó chỉ là lạm phát. Tô phở tăng giá không phải là giàu có, đó chỉ là tiền mất giá. Lương tăng nhưng hàng hóa cũng tăng tương tự, đó chỉ là kết quả của in tiền.

Tất cả cộng lại thành sự ảo giác tiền tệ.

Nó làm con người nghĩ rằng họ càng giàu có hơn và tạo ra cái gọi là phồn vinh giả tạo. Như một lâu đài cát ở trên biển, đến lúc nào đó thì phải sụp đổ chứ không thể tồn tại lâu dài. Chúng ta có nhiều tiền hơn, nhưng không có nghĩa là khá hơn.

Nơi bạn sống có chìm đắm trong ảo giác tiền tệ và ảo giác lạm phát không? Hãy tự so sánh.

Nguyễn Trọng Nhân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC