Các loại thảo mộc và gia vị được nhiều nền văn hóa cổ đại sử dụng để giúp chữa lành cơ thể, cải thiện tâm trí và nâng cao tinh thần. Trong khi thế giới phương Tây đã thay thế phần lớn các biện pháp tự nhiên này bằng dược phẩm, khoảng 80% người dân trên toàn cầu vẫn đang sử dụng y học cổ truyền hoặc truyền thống. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi hơn 80% dược phẩm đều có nguồn gốc hoặc phát triển từ các sản phẩm tự nhiên, bao gồm cả thực vật.
Trong loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá khả năng chữa bệnh của các loại thảo mộc và gia vị, đồng thời tìm hiểu cách kết hợp những phương thuốc cổ xưa này vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Bạc hà được ứng dụng rộng rãi nhờ lợi ích đa dạng mà nó mang lại: tạo hương vị cho món ăn, đồ uống; dược liệu và trị liệu bằng hương thơm. Nó đại diện cho một nhóm các loại thảo mộc lâu đời bao gồm 18 loài cùng 11 giống lai. Phổ biến nhất được biết đến là bạc hà, bạc hà lục và bạc hà hoang dã.
Ngày nay, bạc hà chủ yếu được biết đến nhờ mùi hương rất đặc trưng. Tuy nhiên, vào thời cổ đại, nó đã được ứng dụng vì nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Hàng ngàn năm trước, bạc hà đã được người Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và La Mã sử dụng để điều trị chứng khó tiêu và làm dịu dạ dày. Người ta thậm chí còn tìm thấy lá bạc hà trong các kim tự tháp Ai Cập có niên đại 1.000 năm trước Công nguyên.
Vào thời Trung cổ, bạc hà được dùng để đánh bóng răng và đuổi chuột. Đến thế kỷ 18, ở Tây Âu, bạc hà được dùng để chữa buồn nôn, ốm nghén, nôn mửa, rối loạn kinh nguyệt và nhiễm trùng đường hô hấp. Bạc hà được liệt kê trong Dược điển Luân Đôn vào năm 1721 như một phương thuốc chữa cảm lạnh, đau đầu, lở loét và bệnh hoa liễu.
Bạc hà cũng được công nhận về khả năng tương tác với hệ thần kinh trung ương trong y học cổ truyền. Ví dụ, ở Nam Phi, người ta đốt lá khô bạc hà và ngửi khói để điều trị bệnh tâm thần. Ở các nước Địa Trung Hải, bạc hà được sử dụng để điều trị chứng đau dây thần kinh, cũng như làm thuốc chống co giật và thuốc an thần.
Gần đây, các nhà khoa học đã xác nhận nhiều đặc tính chữa bệnh của bạc hà thông qua nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của nó trong việc điều chỉnh hệ thần kinh.
Khoa học hiện đại bắt kịp trí tuệ cổ đại
Tuy nhiên, nhận thức về bạc hà đang thay đổi khi các nhà khoa học bắt đầu thừa nhận trí tuệ và hiểu biết của người xưa thông qua các nghiên cứu chứng minh về khả năng chữa bệnh, chẳng hạn như:
Bạc hà chống ung thư
Bạc hà ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ruột kết, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science of Food and Agriculture.
Bạc hà cũng có thể ức chế sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Theo nghiên cứu tiền lâm sàng, bạc hà có chứa tinh dầu, có khả năng gây chết tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Đảo ngược bệnh tiểu đường
Bạc hà là một “phương pháp điều trị đầy hứa hẹn” cho bệnh tiểu đường, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2017.
Các nhà nghiên cứu phát hiện bạc hà có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói, cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và lipoprotein-cholesterol mật độ thấp.
Theo các nhà nghiên cứu: “Những tác dụng này tương đương với tác dụng của thuốc trị đái tháo đường tiêu chuẩn (glibenclamide)”.
Giảm đau do viêm xương khớp nhờ bạc hà
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2021, kết hợp bạc hà với tinh dầu hương thảo giúp giảm đau do viêm xương khớp bằng cách tăng khả năng chống oxy hóa và cải thiện tính toàn vẹn của cấu trúc khớp gối ở chuột.
Hương bạc hà cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức
Theo một nghiên cứu được công bố trên International Journal of Neuroscience, hương bạc hà có thể tăng cường trí nhớ và tăng sự tỉnh táo.
Một nghiên cứu thứ hai xác nhận rằng bạc hà, dù được tiếp xúc bằng miệng hay qua hương thơm, đều ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và tâm trạng.
Chiết xuất bạc hà “điều trị” bệnh Alzheimer
Theo một bài báo đánh giá được đăng trên tạp chí Antioxidants vào năm 2020, chiết xuất bạc hà bảo vệ các tế bào thần kinh và có thể sử dụng như “một phương pháp điều trị khả thi trong việc quản lý AD”.
Ví dụ, chiết xuất bạc hà được cho là bảo vệ chống lại căng thẳng do tuổi tác và thoái hóa thần kinh, đồng thời cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức.
Vỏ bạc hà giảm lão hóa da
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Biological Regulators and Homeostatic Agents, thương pháp điều trị da bằng vỏ bạc hà có hiệu quả trong việc điều trị các dấu hiệu lão hóa da, bao gồm đổi màu, nếp nhăn và độ đàn hồi của da.
Giảm dị ứng
Theo một nghiên cứu năm 2001, bạc hà có thể làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Bạc hà ức chế giải phóng histamine từ tế bào mast của chuột. Các triệu chứng về mũi, bao gồm hắt hơi và dụi mũi, cũng bị ức chế. Do đó, chiết xuất bạc hà “có thể có hiệu quả lâm sàng trong việc làm giảm các triệu chứng ở mũi của bệnh viêm mũi dị ứng”, theo các nhà nghiên cứu.
Dầu bạc hà giảm đau do bệnh zona
Một nghiên cứu trường hợp năm 2002 cho hay, bôi trực tiếp dầu bạc hà lên da giúp “cải thiện gần như ngay lập tức” cơn đau do bệnh zona gây ra. Giảm đau kéo dài 4-6 giờ sau khi áp dụng. Hơn nữa, bạc hà tiếp tục phát huy “tác dụng giảm đau mạnh đối với chứng đau thần kinh” trong suốt hai tháng theo dõi tiếp theo.
Cải thiện giấc ngủ
Liệu pháp mùi hương với tinh dầu bạc hà đã cải thiện chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân tim và ung thư.
Thúc đẩy sự tỉnh táo
Theo một nghiên cứu được công bố trên North American Journal of Psychology, mùi bạc hà giúp người lái xe tỉnh táo hơn, cũng như giảm sự thất vọng, mệt mỏi và lo lắng.
→ Còn tiếp
Theo Sina McCullough từ The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch
Sina McCullough
Tiến sĩ Sina McCullough là người tạo ra chương trình trực tuyến "GO WILD: How I Reverse Chronic & Autoimmune Disease", và là tác giả của cuốn sách có tựa đề "Hands Off My Food" cùng “Beyond Labels". Cô đã lấy bằng Tiến sĩ Dinh dưỡng từ UC Davis. Cô cũng là một Nhà thảo dược học bậc thầy, Người hành nghề được chứng nhận của Hiệp hội không chứa gluten và là bà mẹ ba con học tại nhà.