"Ukraine là quốc gia duy nhất trong lịch sử nhân loại từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới để đối lấy những đảm bảo an ninh của Mỹ, Nga và Anh. Những đảm bảo này ở đâu?", Alexey Goncharenko, nghị sĩ Ukraine, đặt câu hỏi sau khi Nga phát lệnh tấn công Ukraine hôm 24/2.
Từng là nước cộng hòa hùng mạnh thứ hai của Liên Xô, Ukraine đã tuyên bố độc lập vào tháng 12/1991. Với nền độc lập này, Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba thế giới, nhưng trong một thời gian ngắn. Sau khi Liên Xô tan rã, hàng nghìn vũ khí hạt nhân, khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, được để lại trên đất Ukraine.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Ukraine có xấp xỉ 3.000 vũ khí hạt nhân chiến lược dùng để tấn công các cơ sở quân sự lớn, hạm đội hải quân và lực lượng thiết giáp, cùng khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến lược dùng để phá hủy các thành phố.
Ukraine có thể kiểm soát vật lý kho vũ khí này, nhưng không nắm quyền kiểm soát hoạt động của chúng. Nga đã kiểm soát mật mã cần thiết để vận hành kho vũ khí hạt nhân thông qua hệ thống Permissive Action Link (PAL hay Đường nối lệnh cho phép hoạt động của vũ khí hạt nhân) cùng hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Nga, dù điều này không thể đảm bảo ngăn hoàn toàn Ukraine tiếp cận kho vũ khí.
Belarus, nơi chỉ có các bệ phóng tên lửa di động, và Kazakhstan đã nhanh chóng chọn giao lại đầu đạn hạt nhân và tên lửa cho Nga. Ukraine đã trải qua một giai đoạn tranh luận nội bộ trước khi đưa ra lựa chọn.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tổng thống Nga Boris Yeltsin và tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk (từ trái qua phải) tại buổi lý Tuyên bố ba bên ở Moskva, Nga hồi tháng 1/1994. Ảnh: AFP.
Vào tháng 5/1992, Nga, Mỹ, Belarus, Kazakhstan và Ukraine ký Nghị định thư Lisbon cho hiệp ước START I. Nghị định thư cam kết Belarus, Kazakhstan và Ukraine tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với tư cách là quốc gia không có vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, các điều khoản để chuyển giao đầu đạn hạt nhân không được thống nhất và một số quan chức, nghị sĩ Ukraine bắt đầu thảo luận về khả năng giữ lại một số tên lửa RT-23 (SS-24) hiện đại do Kiev phát triển và các đầu đạn do Nga chế tạo.
Năm 1993, hai trung đoàn tên lửa UR-100N (SS-19) ở Ukraine được rút về kho vì các thành phần đầu đạn đã quá tuổi thọ hoạt động. Giới lãnh đạo chính trị Ukraine nhận ra quốc gia này không thể có lực lượng hạt nhân hùng mạnh, vì không thể duy trì các đầu đạn và đảm bảo an toàn hạt nhân lâu dài.
Sau đó, chính phủ Ukraine và Nga ký một loạt thỏa thuận song phương từ bỏ các yêu cầu của Ukraine với vũ khí hạt nhân và hạm đội Biển Đen, để đổi lấy việc xóa nợ 2,5 tỷ USD khí đốt và dầu mỏ, cũng như nguồn cung nhiên liệu tương lai cho các lò phản ứng hạt nhân của nước này. Ukraine đồng ý phê duyệt hiệp ước START I và NPT ngay lập tức.
Quyết định này vấp làn sóng chỉ trích nặng nề của công chúng và bộ trưởng quốc phòng Ukraine Kostyantyn Morozov từ chức.
Tới ngày 18/11/1993, quốc hội Ukraine thông qua kiến nghị đồng ý START I nhưng từ bỏ Nghị định thư Lisbon, cho biết Ukraine chỉ ngừng hoạt động 36% bệ phóng tên lửa và 42% đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ, đồng thời yêu cầu bồi thường tài chính cho số vũ khí hạt nhân chiến lược bị loại bỏ năm 1992.
Ngay hôm sau, tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk nói "chúng ta phải loại bỏ những vũ khí hạt nhân này. Đây là quan điểm của tôi và tôi sẽ không đi chệch hướng".
Ngày 15/12/1993, phó tổng thống Mỹ Al Gore đã đến Moskva để tham dự một cuộc họp. Sau các cuộc thảo luận bên lề, phái đoàn Mỹ và Nga, trong đó có thứ trưởng quốc phòng Mỹ William J. Perry, đã bay tới Ukraine để thống nhất về những phác thảo trong thỏa thuận ba bên. Dự thảo đề cập tới hỗ trợ của Mỹ trong tháo dỡ các hệ thống hạt nhân ở Ukraine và đền bù uranium trong các đầu đạn hạt nhân.
Các bên tham gia được mời tới Washington vào đầu tháng 1/1994 để hoàn tất thỏa thuận. Một tuyên bố ba bên với phụ lục chi tiết được thống nhất, dựa trên các điều khoản thỏa thuận trước đó. Song nó đi kèm các thỏa thuận tài chính chi tiết và cam kết chắc chắn hơn về việc quá trình bàn giao ít nhất 200 đầu đạn cho Nga, cũng như việc sản xuất nhiên liệu lò phản ứng cho Ukraine ở Nga.
Tuy nhiên, Ukraine không muốn cam kết chuyển giao tất cả đầu đạn trước 1/6/1996 được công khai vì lý do chính trị trong nước. Nga cũng không muốn công khai khoản bồi thường cho Ukraine vì lo ngại Belarus và Kazakhstan cũng yêu cầu tương tự. Các bên quyết định loại hai vấn đề này khỏi thỏa thuận được công bố, nhưng vẫn được nêu ra trong các bức thư riêng giữa các tổng thống.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ghé thăm Kiev khi trên đường tới Moskva ký Tuyên bố ba bên và phát hiện Ukraine có những cân nhắc khác về việc ký kết. Ông Clinton nói với tổng thống Ukraine rằng không ký sẽ gây tổn hại cho quan hệ Mỹ - Ukraine. Sau những trao đổi riêng, Tuyên bố ba bên được Mỹ, Ukraine và Nga ký tại Moskva trước giới truyền thông vào ngày 14/1/1994.
Sau đó, Mỹ cung cấp hơn 300 triệu USD và hỗ trợ quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Washington cũng cung tăng gấp đôi viện trợ cho Kiev lên 310 triệu USD trong năm 1994.
Tới ngày 5/12/1994, tại hội nghị ở Budapest, thủ đô Hungary, các nước gồm Mỹ, Nga, Ukraine, Anh đã ký một ban ghi nhớ đảm bảo an ninh liên quan tới Kiev gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (hay còn gọi là Bản ghi nhớ Budapest).
Cam kết quan trọng nhất của ba nước là "tái khẳng định nghĩa vụ của họ để kiềm chế bất kỳ mối đe dọa hoặc động thái sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine". Họ cũng cam kết "kiềm chế hành động áp bức kinh tế" đối với Ukraine và "tìm kiếm hành động lập tức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để hỗ trợ cho Ukraine" trong trường hợp có "hành động tấn công" vào nước này.
Kể từ khi ký Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine đã đáp ứng các nghĩa vụ bằng cách chuyển giao kho vũ khí lớn thứ ba thế giới.
Năm 2009, Nga và Mỹ đưa ra tuyên bố chung rằng các đảm bảo an ninh của bản ghi nhớ vẫn sẽ được tôn trọng sau khi Hiệp ước START hết hạn.
Khung cảnh tan hoang sau một vụ tấn công ở Kharkov, Ukraine hôm 1/3. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu xóa bỏ Bản ghi nhớ Budapest vào năm 2014, khi sáp nhập bán đảo Crimea, theo bài viết Ukraine đã bị phản bội ở Budapest như thế nào trên WSJ. Tuy nhiên, trở lời câu hỏi về vi phạm Bản ghi nhớ Budapest vào ngày 4/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả tình hình hiện tại ở Ukraine như cuộc cách mạng, nói rằng "một nhà nước mới đã nổi lên, nhưng chúng tôi không ký bất kỳ văn bản bắt buộc nào với nhà nước này".
Năm 1993, John J Mearsheimer, một nhà lý thuyết quan hệ quốc tế nổi tiếng tại Đại học Chicago, từng cho rằng rằng kho vũ khí hạt nhân là điều rất cần thiết nếu Ukraine muốn "duy trì hòa bình". Ông nói khả năng răn đe sẽ đảm bảo Nga "không muốn tái chinh phục" quốc gia này.
Sáu ngày sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Moskva phải hành động để ngăn tham vọng nguy hiểm của Kiev.
"Chính quyền Kiev theo đuổi trò chơi nguy hiểm liên quan đến kế hoạch sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Lavrov nói trong video được phát tại Hội thảo Giải giáp vũ trang tổ chức ở Thụy Sĩ hôm qua, nhấn mạnh Ukraine vẫn nắm giữ công nghệ hạt nhân từ thời Liên Xô và những phương thức biến chúng thành vũ khí tiến công.
Trước đó, tại hội nghị an ninh ở Đức hôm 19/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng cảnh báo Kiev có thể chấm dứt cam kết không sở hữu vũ khí hạt nhân theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994.
"Chúng tôi đã từ bỏ đi khả năng hạt nhân mà chẳng nhận lại gì", cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine Anriy Zahorodniuk bày tỏ hối tiếc về quyết định cách đây gần 30 năm.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Firstpost, The Economist Times)
Nguồn: VNEXPRESS.NET