Nhiều nước trên thế giới đang dõi theo bộ luật của Australia để xây dựng cho mình một khung pháp lý tương tự nhằm thiết lập lại cân bằng giữa các công ty truyền thông và các ông lớn công nghệ.
Cách đây một năm, để thể hiện phản đối luật buộc Facebook và Google phải thương lượng và trả tiền cho các đơn vị báo chí đối với các nội dung được chia sẻ qua các nền tảng này, Facebook đã chặn tất cả tài khoản của các cơ quan báo chí Australia
30 thỏa thuận trị giá 146 triệu USD
Cách đây hơn 1 năm, Australia gây tiếng vang với cả thế giới khi công bố dự luật bắt buộc Google và Facebook phải thỏa thuận với nhà xuất bản để có thể trả tiền khi chia sẻ tin tức.
Tuy nhiên, sau một năm áp dụng, bộ luật này được đánh giá chưa thực sự mang lại lợi ích cho ngành báo chí sở tại.
Bộ luật "Thương lượng giữa nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức" được chính phủ Australia chính thức thông qua vào tháng 3/2021.
Trong đó, bộ luật này quy định các nền tảng công nghệ như: Google và Facebook phải đàm phán với các nhà xuất bản để đạt được thỏa thuận cấp phép tin bài xuất hiện trên trang tìm kiếm Google và nguồn cấp dữ liệu của Facebook. Nếu không, hai bên sẽ phải theo cách phân xử của chính quyền.
Tháng 3/2022, một năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực, Viện Judith Neilson - một tổ chức thiện nguyện gây quỹ cho các dự án truyền thông đã công bố báo cáo cho thấy, Google và Facebook đã trả cho các công ty truyền thông Australia khoảng 200 triệu đôla Australia (146 triệu USD) trong năm 2021 liên quan tới bộ luật trên.
Còn theo thống kê của Bộ trưởng Bộ Truyền thông Australia Paul Fletcher, Google đã ký 19 thỏa thuận nội dung với các nhà xuất bản tin tức, còn Facebook ký 11 thỏa thuận.
Vẫn chỉ là "hổ giấy"?
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tạp chí về công nghệ Wired nổi tiếng tại Mỹ, có thể nói, Australia đã tạo ra một "bộ luật mẫu" để về lý thuyết có thể buộc các "ông lớn" trong ngành công nghệ (hay còn gọi là "Big Tech") phải trả tiền khi sử dụng tin tức của các nhà xuất bản. Dù vậy, bộ luật này dường như chưa thực sự đi sâu vào thực tiễn.
Ông Bernard Keane, biên tập viên về chính trị làm việc cho trang tin Crikey đánh giá, bộ luật này đóng vai trò như "khẩu súng đã nạp đầy đạn" buộc các công ty này phải ngồi xuống đàm phán và đạt thỏa thuận.
Ông Rod Sims, Chủ tịch Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) - đơn vị thảo bộ luật của Australia nhận định, khung pháp lý này sẽ giúp ngành báo chí phát triển mạnh trong thời đại kỹ thuật số. Mục tiêu của luật chủ yếu là khôi phục quyền thương lượng cho ngành truyền thông báo chí chứ không phải là tập trung vào quy định rạch ròi từng thỏa thuận vì các thỏa thuận giữa "Big Tech" và nhà xuất bản mang tính chất thương mại.
"Tôi không coi đó là đe dọa mà gọi đó là cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích hai bên đàm phán mang tính chất thương mại", ông Keane nhận định.
Do đó, Google và Facebook đã nhanh chóng và kín đáo ký kết thỏa thuận với một số hãng tin để tránh chính phủ can thiệp, dẫn tới nguy cơ họ có thể phải chi nhiều tiền hơn.
Song, Tạp chí này đánh giá, việc luật cho phép Google và Facebook được phép bí mật đạt thỏa thuận với các hãng tin đồng nghĩa điều khoản này vẫn mập mờ khiến các hãng truyền thông không thể so sánh giữa thỏa thuận của các bên để đưa ra mức thỏa thuận của mình.
Trong báo cáo của Viện Judith Neilson kể trên, ông Bill Grueskin, Giáo sư đang công tác tại Khoa Báo chí, Đại học Colombia, từng là phóng viên làm việc ở Bloomberg, Wall Street Journal đánh giá, bộ luật này còn nhiều điều không rõ ràng.
Ông Grueskin cho rằng, các bên giữ kín chi tiết thỏa thuận "như bảo vệ mã phóng tên lửa hạt nhân vậy!".
Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên đã tham gia đàm phán với Big Tech thay mặt một nhà xuất bản của Australia cho rằng, thỏa thuận với các Big Tech thường chỉ đủ trang trải khoảng 50% chi phí xuất bản, trong khi các nhà xuất bản phải chi trả rất nhiều chi phí khác.
Điển hình, báo The Conversation của Australia cho biết, thỏa thuận của báo này với Google chỉ đủ trả lương cho "1 đến cùng lắm là 2" nhà báo!
Với tập đoàn truyền thông News Corp, khi được hỏi về giá trị thỏa thuận giữa họ với Facebook, Google, doanh nghiệp này không nêu rõ, chỉ nhắc lại phát ngôn "úp mở" mà được Giám đốc điều hành News Corp - Robert Thomson từng đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái: Giá trị thỏa thuận với các nền tảng công nghệ nằm trong hơn 100 triệu USD lợi nhuận năm của News Corp.
Google, Facebook chỉ thỏa thuận để đối phó?
Ảnh minh họa: Financial Times
Theo ghi nhận của tạp chí Wired, đa phần chỉ trích còn tập trung vào việc luật chưa rõ ràng về những gì các hãng được quyền đàm phán.
Chẳng hạn, trường hợp của báo The Conversation, ông Misha Ketchell, biên tập viên của đơn vị này cho biết hãng đã đạt thỏa thuận với Google nhưng chưa ký được thỏa thuận với Facebook do nền tảng này từ chối đàm phán, dù The Conversation khẳng định họ có đủ các tiêu chí để đàm phán đã nêu trong luật.
"Tôi nghĩ Facebook đặt giới hạn tối đa, chỉ thỏa thuận với một số hãng nhằm mục đích chính là né nguy cơ bị đưa vào danh sách cần phải có sự can thiệp của chính phủ theo bộ luật trên", ông Misha Ketchell nói.
Dự kiến, The Conversation sẽ thu thập ý kiến tập thể từ một số hãng truyền thông nhỏ khác để phối hợp cùng nhau, tạo sức nặng đối với các nền tảng.
The Conversation không phải là nhà xuất bản duy nhất mà các công ty công nghệ từ chối đàm phán. Bởi thực tế, trong khi đài truyền hình lớn ABC đạt được thỏa thuận với cả Google và Facebook nhưng vẫn còn rất nhiều đài truyền hình (sử dụng nguồn quỹ công) như SBS chưa có thỏa thuận nào.
"Đó là lý do vì sao chúng tôi nói bộ luật này tuy đã có hiệu lực nhưng không mang lại lợi ích cho tất cả các công ty truyền thông", ông James Chessell - Giám đốc quản lý xuất bản tại Nine - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Australia nhận định.
Meta, công ty mẹ của Facebook cho biết, thỏa thuận thương mại chỉ là một trong những cách thức mà Meta thực hiện để hỗ trợ cho các nhà xuất bản.
Meta đã thực hiện nhiều cuộc thảo luận liên tục với các nhà xuất bản về những loại nội dung tin tức có thể mang lại giá trị tốt nhất cho nhà xuất bản và cả Meta.
Theo baogiaothong.vn
Nguồn: Báo điện tử Dân trí