Cơn bão hình thành từ một vết đen trên bề mặt Mặt Trời hướng thẳng về phía Trái Đất, tạo ra cực quang ở nhiều bang tại Mỹ.

1 Bao Mat Troi Lao Toi Trai Dat O Toc Do 3 Trieu Kmh

Một cơn phun trào nhật hoa từ Mặt Trời. Ảnh: NASA

Hai đợt phun trào nhật hoa sẽ hợp nhất và bắn về phía Trái Đất ở tốc độ 3.027.599 km/h. Khi chúng đâm vào từ trường của Trái Đất vào đêm ngày 30/3, kết quả sẽ là một cơn bão địa từ cấp G3, theo Trung tâm dự báo thời tiết vũ trụ (SWPC) của Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ. Bão G3 là bão địa từ mạnh, có thể tạo ra cực quang ở các bang phía nam như Pennsylvania, Iowa và Oregon.

Vết đen Mặt Trời có số hiệu AR2975 phun ra những dòng hạt tích điện từ hôm 28/3. Vết đen là những khu vực trên bề mặt Mặt Trời, nơi có từ trường mạnh tạo bởi dòng hạt tích điện vặn xoắn thành hình nút thắt trước khi gãy đột ngột, giải phóng năng lượng tạo thành những đợt bùng phát bức xạ gọi là lóa Mặt Trời hoặc cơn phun trào nhật hoa (CME). Hiện tượng hợp nhất xảy ra khi cơn phun trào di chuyển nhanh vượt qua cơn phun trào trước đó ở cùng khu vực không gian và hút hết hạt tích điện. Cơn CME thứ hai sáp nhập với cơn CME thứ nhất trước khi đâm vào từ trường Trái Đất vào khoảng 11h ngày 31/3 theo giờ Hà Nội.

CME thường mất 15 – 18 giờ để tới Trái Đất, theo SWPC. Khi va chạm với chúng, từ trường Trái Đất sẽ bị nén lại bởi những sóng hạt mang điện tích cao, tác động tới đường sức từ và kích thích phân tử trong không khí, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng và tạo ra cực quang rực rỡ trên bầu trời đêm.

Năng lượng từ cơn bão sẽ bị hấp thụ bởi từ trường của Trái Đất, nhưng bão mặt trời lớn vẫn có khả năng gây thiệt hại. Bão G3 có thể làm gián đoạn định vị vệ tinh và các vấn đề với sóng vô tuyến tần số thấp. Một cơn bão gần đây hồi tháng 2 năm nay khiến 40 vệ tinh Starlink của SpaceX rơi trở lại Trái Đất.

Nguồn: Vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC